Góc nhìn mới của Nga về liên minh OPEC+

15:00 | 22/12/2020

|
(PetroTimes) - Các sự kiện nổi bật của năm 2020, bao gồm cuộc chiến giá dầu và đại dịch Covid-19 dường như đang thay đổi quan điểm của Nga về quản lý thị trường dầu mỏ trong dài hạn và tăng cường cam kết với OPEC+.
Bản tin Dầu khí 22/12: Iran muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với NgaBản tin Dầu khí 22/12: Iran muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Nga
Nga và Ả Rập Xê Út thống nhất quan điểm trước hội nghị thượng đỉnh OPEC +Nga và Ả Rập Xê Út thống nhất quan điểm trước hội nghị thượng đỉnh OPEC +
Góc nhìn mới của Nga về liên minh OPEC+

Cuộc chiến giá dầu hồi tháng 3 vừa qua buộc Nga phải thừa nhận sự phụ thuộc của mình vào giá dầu của các công ty, trong đó dự toán ngân sách nhà nước đặt ra ở mức 45-50 USD/thùng để đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng Quỹ phúc lợi của đất nước. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục làm suy giảm nhu cầu cũng như triển vọng tiêu thụ dầu không chắc chắn trong tương lai đã thúc đẩy phía Nga nhận ra rằng, nguồn cung cần được hạn chế lâu hơn so với kế hoạch.

Tháng 3/2020, Nga đã cân nhắc rút khỏi thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu thô trong OPEC+. Điều này cho thấy việc cắt giảm gây tổn hại đến lợi ích quốc gia khi nước này phải nhường thị phần cho ngành dầu đá phiến của Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến giá dầu nổ ra với KSA sau khi nước này từ chối gia hạn thỏa thuận OPEC+ cũ kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu chưa từng có trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền Nga. Đây là lý do quan trọng để Nga tiếp tục ủng hộ thỏa thuận OPEC+ (được ký hồi tháng 4/2020) và tiếp tục giữ vị thế quan trọng khi liên minh OPEC+ quyết định các bước tiếp theo của thỏa thuận trong năm 2021. Theo thỏa thuận, các bên sẽ dần nới lỏng hạn ngạch cắt giảm và đưa sản lượng 500.000 bpd trở lại thị trường vào tháng 01/2021, đồng thời việc nới lỏng hạn ngạch sẽ được thảo luận hàng tháng, cho phép Nga đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 và tăng dự trữ cho Quỹ phúc lợi. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov, Nga cần giá dầu Urals trên 43 USD/thùng để hoàn thành nghĩa vụ ngân sách vào năm 2021. Tổng thống V.Putin, người có tiếng nói cuối cùng về chính sách dầu mỏ của Nga, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giá dầu đối với đất nước, vốn vẫn đang phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô (40% nguồn thu ngân sách đến từ xuất khẩu dầu).

Thỏa thuận OPEC+ hiện nay giải quyết mong muốn của Nga trong việc bảo vệ thị phần khỏi các nhà sản xuất không thuộc OPEC+. Điều này dẫn đến việc Nga ủng hộ việc tăng dần sản lượng bắt đầu từ tháng 01/2021. Trong tuần trước, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, hợp tác trong OPEC+ là “quan trọng nhất”, song vẫn chưa rõ liệu điều đó có dẫn đến cam kết chắc chắn về việc hạn chế sản lượng dài hạn của liên minh hay không. Mặc dù Nga đã sẵn sàng ủng hộ đề xuất của KSA về gia hạn hạn ngạch cắt giảm hiện tại trong ba tháng, song sức hút của giá dầu tiến sát mốc 50 USD/thùng đã khiến Nga từ chối đề xuất của KSA. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi mức độ đầu tư và sản xuất dầu mỏ tại Mỹ, Canada, Brazil, Na Uy và những nước khác bên ngoài OPEC+ khi thị trường phục hồi. Ông Novak vẫn là người chủ chốt trong việc phối hợp với OPEC sau khi được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. Ông cho biết, Nga muốn có đại diện thường trực trong Ban thư ký OPEC và nhấn mạnh rằng, việc củng cố và mở rộng mối quan hệ là một trong những ưu tiên trong chính sách năng lượng đối ngoại của Nga trong Chiến lược năng lượng quốc gia đến năm 2035.

Một số công ty dầu khí của Nga, bao gồm cả tập đoàn dầu khí Rosneft (do nhà nước kiểm soát) đã phản đối chính sách hạn chế sản lượng, điều khiến họ mất thị phần. Tuy nhiên, các kế hoạch đầu tư dài hạn của Nga vào ngành công nghiệp dầu khí dường như không cho thấy rằng việc hạn chế sản xuất sẽ là yếu tố nổi bật trong tương lai. Xuất khẩu của Nga đã giảm nhiều hơn sự sụt giảm sản lượng khai thác trong năm nay. Bên cạnh đó, quyết định đưa dầu thô WTI vào rổ dầu thô của S&P Global Platts, được sử dụng trong các đánh giá giá dầu Brent theo ngày được giới chuyên gia coi là bằng chứng rõ nét về việc xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã thâm nhập sâu vào các thị trường truyền thống của Nga. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shuginov, sản lượng dầu thô và condensate của nước này được dự báo sẽ giảm 8% trong năm nay xuống mức 10,28 triệu thùng/ngày, nhưng xuất khẩu có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn ở mức 16% xuống 4,5 triệu thùng/ngày. Chính quyền Nga đã giảm thuế cho dự án Vostok Oil trị giá hơn 100 tỷ USD của Rosneft ở Bắc Cực. Tuy nhiên chính quyền Nga biết rằng cần phải kiếm tiền từ trữ lượng dầu khí nhanh chóng và có hiệu quả để tránh việc các tài sản dầu khí bị mắc kẹt với triển vọng nhu cầu bị xáo trộn bởi đại dịch và quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Viễn Đông

Theo EnergyIntel