Giải mã tình hình năng lượng của Ấn Độ

12:44 | 05/02/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 10-1-2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo về chính sách năng lượng của Ấn Độ (India 2020: Energy Policy Review), quốc gia có gần 1,4 tỉ dân.

Than - nhiên liệu “vua” ở Ấn Độ

Ở Ấn Độ, hệ thống năng lượng “chủ yếu dựa vào việc sử dụng than để sản xuất điện, dùng dầu mỏ cho giao thông và cho công nghiệp và dùng sinh khối để sưởi ấm và nấu nướng dân dụng”, IEA cho biết. Nhưng trong đó, than chiếm ưu thế trong hỗn hợp năng lượng của Ấn Độ: nhiên liệu này vẫn chiếm hơn một nửa mức tiêu thụ năng lượng cơ bản (55,9% vào năm 2018) và dùng để sản xuất ba phần tư sản lượng điện của đất nước.

giai ma tinh hinh nang luong cua an do
Việc điện hóa ở Ấn Độ đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong những năm qua

Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới (5,2 triệu thùng dầu mỗi ngày năm 2018) sau Hoa Kỳ và Trung Quốc và là quốc gia có sản lượng dầu tinh chế lớn thứ 4 trên thế giới. “Mức tăng trưởng tiêu thụ dầu của Ấn Độ có thể “tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác”, IEA ước tính. Theo IEA, sự tăng trưởng tiêu thụ dầu của Ấn Độ sẽ vượt xa Trung Quốc vào giữa những năm 2020, “điều này sẽ khiến nước này trở thành một thị trường hấp dẫn để đầu tư vào lọc dầu”. Chính vì vậy, IEA khuyên chính phủ Ấn Độ nên coi việc cải thiện an ninh năng lượng là ưu tiên quốc gia. Với trữ lượng dầu hạn chế, Ấn Độ đã phụ thuộc vào hơn 80% lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của mình và tỷ lệ này sẽ tăng đáng kể trong những thập kỷ tới. Trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của Ấn Độ là 4.500 triệu thùng vào cuối năm 2018, chỉ bằng gần một nửa trữ lượng của Na Uy. Ấn Độ đã tăng đầu tư vào các mỏ dầu ở Trung Đông và châu Phi, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp và có lẽ đang tìm cách tăng dự trữ dầu chiến lược (hiện đã lên tới 40 triệu thùng, tương đương với hơn 10 ngày nhập khẩu ròng của nước này).

Ấn Độ cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ khí trong hỗn hợp năng lượng của mình lên 15% vào năm 2030 (so với khoảng 6% hiện nay). Đất nước này đã có 5 trạm tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và có thể nâng con số này lên 11 trong 7 năm tới. IEA cho rằng vai trò của khí đốt ở Ấn Độ trong lĩnh vực dân dụng và giao thông đã tăng lên nhưng vai trò đó lại giảm trong sản xuất điện, do sự cạnh tranh từ than giá rẻ và các nguồn năng lượng tái tạo.

Liên quan đến năng lượng tái tạo, Ấn Độ đã đặt mục tiêu đầy tham vọng: 175 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2022, trong đó 100 GW công suất quang điện (60 GW từ các trung tâm điện mặt trời và 40 GW từ điện mặt trời áp mái), 60 GW công suất điện gió, 10 GW điện sinh học và 5 GW thủy điện nhỏ. Vào tháng 9-2019, Thủ tướng Shri Narendra Modi đã nêu ra mục tiêu mới 450 GW công suất tái tạo. Vào tháng 12-2019, tổng công suất năng lượng tái tạo được kết nối với lưới điện lên tới 84 GW, theo IEA.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng Ấn Độ có 22 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động (đang xây dựng thêm 7 lò phản ứng mới). Năm 2018, hơn 85% mức tiêu thụ năng lượng cơ bản của Ấn Độ vẫn dựa vào than và dầu.

Tiêu thụ năng lượng tăng gấp đôi vào năm 2040?

Dựa trên các chính sách hiện tại, mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ vẫn có thể “tăng gấp đôi vào năm 2040 và mức tiêu thụ điện của nước này có thể tăng gấp ba vào thời điểm đó”, theo IEA, đặc biệt là do nhu cầu làm mát tăng lên (1 tỉ máy điều hòa không khí dự kiến vào năm 2050). Trong báo cáo của mình, IEA cho biết tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người ở Ấn Độ hiện tương đương với gần một phần ba mức trung bình của thế giới. 0,44 tep trên mỗi người dân/năm, so với mức trung bình 1,9 tep người/năm của thế giới.

IEA thừa nhận “những tiến bộ ấn tượng” của Ấn Độ trong những năm gần đây trong việc cải thiện khả năng tiếp cận điện và nấu ăn “sạch”. Đây là hai ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị của Ấn Độ. Từ năm 2000 đến 2019, gần 750 triệu người Ấn Độ đã tiếp cận được nguồn điện. Theo IEA, kinh nghiệm của Ấn Độ trong điện hóa có thể là một mô hình tốt cho các nước châu Phi.

Để chống ô nhiễm không khí, Chính phủ New Delhi đã hỗ trợ phát triển LPG để nấu ăn, thay thế sinh khối truyền thống. Ấn Độ cũng đã có “các bước quan trọng trong cải thiện hiệu quả năng lượng như triển khai đèn thay thế đèn LED ở quy mô rất lớn, cung cấp chứng chỉ hiệu quả năng lượng v.v... Điều này giúp tránh được mức tăng thêm 15% trong tiêu thụ năng lượng và giảm 300 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm trong giai đoạn 2000-2018”.

IEA khuyến nghị Ấn Độ đặc biệt chú ý đến ngành điện, cụ thể là ít sử dụng các nhà máy điện than thay vào đó là tăng cường sử dụng khí đốt và tăng cường các ngành năng lượng tái tạo. Năm 2018, Ấn Độ đã đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời so với tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch khác dùng trong sản xuất điện. Ở một số bang của Ấn Độ, tỷ lệ của các ngành này đã cao hơn 15%. Để có được mức độ này cần thiết phải có các chính sách đặc thù để đảm bảo sự tích hợp tốt của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện chung. IEA đánh giá rằng việc tạo ra một thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ rất quan trọng để cải thiện hoạt động của ngành điện ở Ấn Độ, với các công cụ linh hoạt (lưu trữ, lưới điện thông minh v.v...). Sáng kiến “Make in India” chính là nhằm thu hút các công ty sản xuất các tấm pin mặt trời, pin lithium và cơ sở hạ tầng sạc điện khác ở Ấn Độ.

Lưu ý rằng Liên Hiệp Quốc, trong các dự báo mới nhất về nhân khẩu học thế giới, cho rằng Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, trước cả Trung Quốc vào khoảng năm 2027.

Hợp tác phát triển hạt nhân dân sự ở châu Phi

Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở châu Phi - đặc biệt là Ethiopia - và Trung Đông, sẽ là “kỷ nguyên hợp tác mới” về năng lượng hạt nhân giữa Nga và Ấn Độ, đại sứ Ấn Độ tại Moscow Venkatesh Varma cho biết.

“Ngoài ra, Nga và Ấn Độ còn đang muốn hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Chúng tôi đang cùng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở Bangladesh. Nga ngày nay có nhiều dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Đông và châu Phi. Điều này mở ra một con đường hợp tác mới”, Đại sứ Varma nói thêm. Theo ông, Nga và Ấn Độ có thể khởi động các dự án như nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở châu Phi.

“Nga đã có các thỏa thuận trong lĩnh vực này với một số nước châu Phi và Trung Đông. Sắp tới những dự án như vậy của Nga sẽ có sự tham gia của Ấn Độ. Các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành, nhưng chúng tôi hy vọng rằng đó sẽ là một kỷ nguyên hợp tác mới giữa Nga và Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân”, đại sứ Ấn Độ tại Moscow nói.

Nga là một trong những đối tác chính của Ấn Độ trong năng lượng hạt nhân dân sự. Chẳng hạn, Moscow và New Delhi đang hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở Bangladesh. Dự kiến, lò phản ứng đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân này sẽ đi vào hoạt động năm 2023 và lò thứ hai vào năm 2024.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới (5,2 triệu thùng dầu mỗi ngày năm 2018) sau Hoa Kỳ và Trung Quốc và là quốc gia có sản lượng dầu tinh chế lớn thứ 4 trên thế giới.

S.P