Giá dầu tuần qua và dự báo tiếp theo

10:18 | 20/07/2020

|
(PetroTimes) - Giá Brent (tháng 9) trong tuần giao dịch 13 - 17/7 biến động trong biên độ 41,87 - 43,76 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 43,12 USD/thùng.    
gia dau tuan qua va du bao tiep theoGiá dầu hôm nay giảm do số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục tại Mỹ
gia dau tuan qua va du bao tiep theoGazprom thua lỗ lần đầu tiên trong nhiều năm
gia dau tuan qua va du bao tiep theo

Mở cửa tuần giao dịch ngày 13/7, Brent biến động trái chiều, đầu ngày chịu tác động tiêu cực về số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tăng mạnh (đặc biệt tại Mỹ) và một số vùng/bang tái áp dụng các biện pháp cách ly đã khiến giá giảm trên 1% xuống 42,47 USD/thùng. OPEC ra báo cáo thị trường tháng 7, trong đó nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới thêm 130.000 bpd trong năm 2020 lên 90,6 triệu bpd, nhu cầu năm 2021 sẽ tiếp tục tăng thêm 7 triệu bpd đã hỗ trợ Brent tăng trở lại mức 43,3 USD/thùng. Ngày 14/7, Brent giảm mạnh trên 3% do căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, lo ngại OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm dẫn đến tăng nguồn cung. Từ ngày 15/7 đến cuối tuần, Brent phục hồi trở lại mốc trên 43 USD/thùng do một số thông tin hỗ trợ như: các thành viên chưa tuân thủ đầy đủ hạn ngạch OPEC+ cam kết bù đắp 842.000 bpd trong quý 3 góp phần hạn chế nguồn cung; xuất khẩu Libya tiếp tục gián đoạn; trữ lượng dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 7,49 triệu thùng/tuần; kỳ vọng sắp có vaccine chống Covid-19, doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 6 tăng 7,5%.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ - EU - Nga liên quan đến Nord Stream 2, Mỹ - Trung Quốc, Ấn Độ - Trung Quốc cùng với tốc độ lây lan dịch bệnh Covid-19 thế giới gia tăng nhanh (trên 260.000 ca/ngày) đã khiến một số khu vực châu Âu, một số tiểu bang Mỹ tái áp dụng các biện pháp hạn chế, Ấn Độ xem xét khả năng tái cách ly hoàn toàn diện rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và đà phục hồi kinh tế thế giới. Hơn nữa, thống kê thị trường lao động Mỹ tuần vừa qua cho thấy số đơn xin mới và số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm không đáng kể, đồng thời chỉ số vận chuyển hàng không giảm 1% cho thấy đà phục hồi nền kinh tế số 1 đang có dấu hiệu chững lại.

Động lực đẩy giá dầu trong thời gian qua là Trung Quốc, nay đã quay đầu bán dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược, trước mắt là 1 triệu thùng. Nếu Trung Quốc trở thành một lái buôn lớn trên thị trường dầu thế giới, OPEC+ có thể sẽ phải xem xét lại các quyết định của mình trong tương lai. Thị trường chờ đợi dòng tiền mới từ chính sách hỗ trợ kinh tế tiếp theo của Mỹ, EU, đến nay, các yếu tố hỗ trợ giá dầu đã phát huy hết hiệu quả.

Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 40 - 45 USD/thùng, có xu hướng giảm trong tương lai gần.

Viễn Đông