Điều gì sẽ xảy ra sau khi Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt?

11:13 | 31/05/2021

|
(PetroTimes) - Truyền thông phương Tây đang rộ lên tin rằng, Iran và Mỹ sắp ký kết một thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền của cựu Tổng thống D.Trump đã áp đặt đối với quốc gia Hồi giáo này. Những người tham gia thị trường kỳ vọng xuất khẩu dầu của Iran sẽ được nối lại và giúp giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn cung dầu từ Iran chưa bao giờ ngừng “chảy” ra thị trường bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mới đây ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý IV năm nay.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt?

Chờ đợi giao dịch

Các cuộc đàm phán đã tiếp tục diễn ra tại Vienna vào thứ ba tuần qua giữa các bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran - JCPOA, được ký kết vào tháng 7/2015 giữa Iran và sáu quốc gia gồm: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga để đưa chương trình hạt nhân của Iran đặt dưới sự kiểm soát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Sự kiểm soát của IAEA sẽ đảm bảo cho cộng đồng quốc tế rằng, chương trình hạt nhân của Iran sẽ hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình.

Năm 2018, dưới thời của cựu Tổng thống D.Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA. Phía Iran bị cáo buộc vi phạm JCPOA và tiếp tục các nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Tổng thống Biden - người đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran đã được tái khởi động với mục đích gia hạn JCPOA. Trong vòng đàm phán thứ tư giữa các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các bên có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề cơ bản. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, chính quyền Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, song một số chi tiết cần được thảo luận. Ông Rouhani nhấn mạnh, có một số vấn đề vẫn đang được giải quyết, nhưng phía Mỹ đã đồng ý hủy bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến dầu mỏ, hóa dầu, vận tải biển, bảo hiểm, ngân hàng.

Vòng đàm phán thứ năm bắt đầu vào tuần vừa qua sẽ là vòng cuối cùng. Thỏa thuận JCPOA dự kiến sẽ được nối lại và phía Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Các bên tham gia thị trường lo ngại rằng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến nguồn cung tăng mạnh và giá dầu giảm.

Lệnh cấm xuất khẩu không có ảnh hưởng

Vào tháng 5/2018, khi phía Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, sản lượng xuất khẩu dầu khí của Iran lên tới 3,2 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, trong đó xuất khẩu dầu thô đạt 2,4 triệu thùng/ngày. Sáu tháng sau khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt, nguồn cung dầu mỏ của Iran ra thị trường đã giảm xuống còn 1,2 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, bao gồm 952.000 thùng dầu thô/ngày. Theo các chuyên gia phương tây, vào tháng 02/2020, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm xuống mức thấp nhất 606.000 thùng dầu quy đổi/ngày, trong đó có 137.000 thùng dầu thô/ngày.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran lâm vào suy thoái. Tình hình trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phía Mỹ đã không đạt được mục đích của mình là chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Iran. Iran đã bí mật xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài và không cung cấp thông tin về khối lượng xuất khẩu. Một số cơ quan, tổ chức thị trường chỉ có thể ước tính khối lượng trên dựa trên những dữ liệu về sản xuất, dự trữ dầu, sản lượng vận chuyển và khối lượng nhập khẩu của các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, xuất khẩu dầu mỏ của Iran ra thị trường đã bắt đầu tăng trưởng ổn định kể từ giữa năm 2020 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Theo nhóm tư vấn FGE (Mỹ) vào tháng 3/2021, khối lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã đạt tối đa 1,7 triệu thùng/ngày kể từ khi phía Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt năm 2018.

Các khách hàng mua dầu chính của Iran là các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc. Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, những khách hàng này sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong các điều khoản giao hàng hấp dẫn và chiết khấu lớn do phía Iran cung cấp. Sự hấp dẫn của dầu thô Iran đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc lớn đến mức, họ bất chấp những lời đe dọa trừng phạt trực tiếp từ chính quyền Mỹ đối với bất kỳ công ty nào vi phạm lệnh cấm của Mỹ.

Theo các chuyên gia độc lập từ Iran, dầu mỏ Iran chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đạt 993.000 thùng/ngày, nhưng trong tháng 4 đã giảm xuống còn 448.000 thùng/ngày. Tiếp sau Trung Quốc, Syria là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Iran. Tiếp đến là các quốc gia UAE và Malaysia. Các thương nhân từ UAE và Malaysia chủ yếu đóng vai trò trung gian. Họ mua dầu từ Iran để bán lại cho các nước khác. Ngay cả các đồng minh thân cận của Mỹ cũng mua dầu của Iran thông qua trung gian. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Christopher Murphy đã từng chia sẻ, thay vì ủng hộ thì các đối tác của Mỹ lại đứng về phía Iran, giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt.

Trong tháng 3/2021, trong cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc tại Anchorage, Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã bày tỏ sự phản đối trước việc Trung Quốc mua dầu từ Iran. Phái đoàn Trung Quốc đã dứt khoát bác bỏ mọi yêu sách và cáo buộc từ phía Mỹ. Vào cuối tháng 3, Trung Quốc đã công khai ký thỏa thuận hợp tác 25 năm với Iran. Theo đó, Trung Quốc cam kết đầu tư 400 tỷ USD vào nền kinh tế Iran để đổi lấy nguồn cung dầu.

Để đảm bảo xuất khẩu dầu mỏ một cách an toàn, Iran đã xây dựng một đường ống dẫn dầu mới dài khoảng 1000 km tới cảng Jask, thuộc vịnh Oman, phía đông eo biển Hormuz. Điều này giúp Iran duy trì nguồn cung ra thị trường nước ngoài trong trường hợp tình hình ở Vịnh Ba Tư trở nên trầm trọng và nhất là rủi ro hoạt động hàng hải tại eo biển Hormuz bị đình trệ. Khoảng 20% tổng lượng dầu sản xuất trên thế giới cung cấp cho thị trường châu u và châu Á phải đi qua eo biển này. Xuất khẩu qua cảng Jask làm cho việc theo dõi các tàu chở dầu của Iran trở nên khó khăn hơn.

Giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD trong quý IV/2021?

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý IV năm nay do nhu cầu năng lượng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, nhu cầu sẽ vượt cung ngay cả khi xuất khẩu dầu Iran phục hồi hoàn toàn. Goldman Sachs đánh giá, khả năng giá dầu tăng là rất cao. Nhu cầu về dầu đang tăng lên khi các chiến dịch tiêm chủng ngày càng phổ biến hơn. Vì vậy, ngay cả khi Iran phục hồi hoàn toàn xuất khẩu dầu ra thị trường vào tháng 7 tới, giá dầu Brent sẽ vẫn tăng lên mức 80 USD/thùng vào quý IV sắp tới trong bối cảnh nhu cầu ở Mỹ và châu u phục hồi nhanh chóng.

Ngoài ra, OPEC+ có thể hoãn việc tăng hạn ngạch sản xuất thêm hai tháng trong nửa cuối năm 2021. Điều này sẽ đảm bảo cân bằng cung và cầu ngay cả khi Iran bắt đầu bán bớt lượng dự trữ tích lũy trên đảo Khark - nơi có cảng xuất khẩu chính và các cơ sở lưu trữ dầu lớn nhất ở Iran. Theo Citigroup, khoảng 65 triệu thùng dầu đã được tích lũy trong các kho nổi gần đảo Khark và 54 triệu thùng khác đang được lưu trữ trên bờ. Một tàu chở dầu lớp VLCC có trọng tải trên 200.000 tấn có thể vận chuyển dầu từ đảo Khark đến Ấn Độ trong vòng 10 ngày và đến Trung Quốc trong vòng 20 ngày. Hai quốc gia này vẫn là thị trường chính của dầu thô Iran.

Theo 1prime

Viễn Đông