Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) và cuộc chiến kiểm soát nguồn năng lượng tại khu vực

14:00 | 20/09/2021

|
(PetroTimes) - Chuyên gia Vanand Meliksetian của trang tin Oilprice mới đây đã có bài viết về cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên khí đốt giữa các nước trong khu vực Đông Địa Trung Hải.
Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) và cuộc chiến kiểm soát nguồn năng lượng tại khu vực

Lịch sử dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên chứa đựng nhiều xung đột và bất ổn cả trong quá khứ và kéo dài đến hiện tại. Khu vực Đông Địa Trung Hải nổi lên như một khu vực năng lượng triển vọng, làm gia tăng căng thẳng hiện có giữa một số quốc gia ven biển trong khu vực, nhưng mặt khác lại thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia khác. Một trong những quốc gia có lợi ích và vai trò đáng kể trong cuộc cạnh tranh nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải là Ai Cập. Việc phê chuẩn hiến chương liên quan Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) càng khẳng định tầm quan trọng của các nước xuất khẩu khí đốt nói chung và Ai Cập nói riêng.

Về phương diện chính trị và kinh tế, Ai Cập đã thành công trong việc củng cố vị thế của mình với tư cách là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn trong khu vực, đồng thời thể hiện vai trò là một trung tâm năng lượng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nội địa lớn, năng lực sản xuất dồi dào, cộng thêm vị trí chiến lược của Ai Cập khiến nước này trở thành ứng cử viên lý tưởng để đặt trụ sở chính EMGF tại thủ đô Cairo.

Bên cạnh logic kinh tế, quy mô dân số ngày càng tăng của Ai Cập đòi hỏi khối lượng nguyên liệu thô ngày càng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Do đó, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng bổ sung là rất quan trọng để cải thiện an ninh năng lượng. Bản thân chính quyền Ai Cập đã rút ra bài học từ những năm 2014 - 2015, khi khí đốt thiên nhiên sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu bị chuyển hướng sang đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong nước. Sau khi trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt vào năm 2015, hai cơ sở sản xuất khí hóa lỏng của nước này ở khu vực Idku en Damietta đã được hiện đại hóa cho phục vụ quá trình tái hóa khí.

EMGF đã tìm cách tập hợp các quốc gia giàu tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải thông qua đối thoại, thiết lập các chính sách, đảm bảo an toàn và tin cậy để tăng đầu tư và hỗ trợ tăng trưởng. Điều lệ được ký và phê chuẩn bởi các thành viên sáng lập, gồm Ai Cập, Síp, Hy Lạp, Israel, Ý, Jordan, Palestine và Pháp. Mỹ và EU đóng vai trò quan sát viên. Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ bị đứng ngoài trong khi hai quốc gia châu Âu không thuộc khu vực này về mặt địa lý là Ý và Pháp lại trở thành thành viên. Điều này phần nào cho thấy thực tế địa chính trị khó khăn, trong đó có sự cô lập Thổ Nhĩ Kỳ.

Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) và cuộc chiến kiểm soát nguồn năng lượng tại khu vực
Các mỏ khí ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Nguồn: tư liệu.

Theo Bộ dầu mỏ Ai Cập, việc đặt trụ sở EMGF tại Cairo là một bước tiến rất quan trọng đối với các nước Đông Địa Trung Hải và là một chiến thắng đặc biệt cho Ai Cập. Ai Cập sẽ trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu khí đốt thiên nhiên của khu vực.

Ngoài việc phê chuẩn điều lệ của EMGF, Tổng thống Síp và Ai Cập gần đây đã tận dụng cơ hội để tái khẳng định những cam kết hợp tác song phương. Lãnh đạo hai nước bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và nông nghiệp. Hai nước chủ yếu chia sẻ sự đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia được cho là có những hành vi thù địch và bị các láng giềng cô lập. Quan trọng hơn, Síp và Ai Cập đã tái khẳng định cam kết của mình đối với việc chia sẻ cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối các nguồn tài nguyên của mình. Một đường ống dưới biển kết nối các mỏ khí ngoài khơi đảo Síp dự kiến được xây dựng vào năm 2024 - 2025 nhằm cung cấp khí đốt cho các cơ sở sản xuất LNG của Ai Cập, sau đó tái xuất khí sang châu Âu. Dự án cũng sẽ củng cố thêm cơ sở nguồn cung cho Ai Cập. Hiện nguồn cung khí đốt của Israel đã được xuất khẩu sang hai cơ sở LNG của Ai Cập trước khi cung cấp cho thị trường châu Âu.

Bên cạnh khí đốt thiên nhiên và EMGF, Ai Cập đang theo đuổi cách tiếp cận ba bên với Síp và Hy Lạp trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ba nước được cho là sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 9 này, mở đường cho việc xây dựng đường dây truyền tải điện ngầm EuroAfrica. Với đường dây truyền tải điện này, EU có thể tận dụng năng lượng đáng kể của Ai Cập trong sản xuất NLTT nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.

Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMGF) và cuộc chiến kiểm soát nguồn năng lượng tại khu vực

Tuy nhiên, con đường hướng tới hội nhập Âu - Phi vẫn còn dài và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những thách thức kỹ thuật và chi phí lớn liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể một lần nữa có những hoạt động mang tính hiếu chiến. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận phân định biên giới với Libya nhằm chống lại tham vọng ba bên Hy Lạp - Síp - Ai Cập. Mặc dù thỏa thuận biên giới này không được quốc tế công nhận, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng nó để gây sự bất ổn.

Giới thương mại luôn tránh sự bất ổn và xung đột. Do đó, vẫn không chắc chắn rằng, liệu các công ty thương mại có sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào một dự án có thể gặp phải sự chậm trễ thậm chí bị hủy bỏ do phức tạp địa chính trị. Ví dụ như những thách thức xuất phát từ hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động gần khu vực các dự án. Tuy nhiên, hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có tác động tích cực, trong đó có thúc đẩy các quốc gia ven biển Đông Địa Trung Hải triển khai các các mô hình hợp tác như EMGF và tăng cường hợp tác.

Tiến Thắng