Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

15:17 | 13/12/2020

|
(PetroTimes) - Equinor sẽ mua tài sản với giá khoảng 550 triệu USD của Rosneft ở Siberia; Aramco bán cổ phần để huy động tiền mặt; Gazprom Neft đầu tư 4-5 tỷ rúp cho phát triển công nghệ số; Chevron lên kế hoạch cắt giảm đầu tư năm 2021... là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Một thỏa thuận được ký kết giữa Rosneft và Equinor cho biết tập đoàn Na Uy sẽ tiếp quản 49% cổ phần trong công ty LLC KrasGeoNaC (KGN), công ty nắm giữ 12 giấy phép khai thác-sản xuất trên đất liền ở phía đông Siberia. Một trong 12 giấy phép đó, dự án North Danilovsky đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2020 và dự kiến ​​sẽ bơm 40.000 thùng dầu mỗi ngày vào năm 2024, sau đó là 70.000 thùng, Equinor cho biết trong một thông cáo. 67% thuộc sở hữu của Nhà nước Na Uy, Equinor đã có mặt từ 28 năm qua tại Nga. Tuy nhiên cho đến nay, các hoạt động của công ty này chỉ giới hạn với sản lượng tương đương 10.000 thùng dầu mỗi ngày ở Nga.

Aramco Saudi đã thuê Moelis & Co. đưa ra kế hoạch bán cổ phần tại các đường ống dẫn dầu của họ với mục tiêu thu về gần 10 tỷ USD. Ngân sách của Ả Rập Xê-út đang gặp khó khăn với giá dầu thấp và gánh nặng cắt giảm sản lượng dầu do thỏa thuận OPEC+. Trước đó, Aramco đã báo cáo lợi nhuận giảm 44,6% trong quý III năm nay, xuống còn 11,9 tỷ USD, từ mức 21,29 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Là doanh nghiệp đóng góp lớn cho chính phủ Ả Rập Xê-út, tình trạng tài chính của Aramco ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Ả Rập Xê-út. Việc Aramco chấp nhận bán cổ phần để huy động tiền mặt là một lời cảnh báo nghiệt ngã đối với thị trường dầu mỏ, vốn có số phận gắn liền với diễn biến của đại dịch Covid-19, một thực tế vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cả Ả Rập Xê-út và OPEC+. Aramco đã cắt giảm chi tiêu vốn và việc bán cổ phần sẽ là bước đi tiếp theo.

Gazprom Neft đang đầu tư 4-5 tỷ rúp cho phát triển công nghệ mỗi năm, trong đó hiệu quả kinh tế từ ứng dụng công nghệ sẽ ở mức 7 tỷ rúp trong năm 2020. Việc ứng dụng các công nghệ mới của hãng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế 15 tỷ rúp mỗi năm từ năm 2023. Hãng đã triển khai và hoàn thành 70 giải pháp công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đại diện của hãng cho biết, Gazprom Neft đang lên kế hoạch thành lập một số liên doanh công nghệ để phát triển các mỏ dầu phi truyền thống và các công nghệ hóa học trong tăng cường công nghệ thu hồi dầu.

ExxonMobil có thể phải đối mặt với áp lực từ phía liên minh cổ đông thiểu số yêu cầu công ty điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng thân thiện môi trường hơn. Một nhóm cổ đông bao gồm công ty đầu tư Engine No.1 và Quỹ hưu trí giáo viên bang California (sở hữu khoảng 340 triệu USD cổ phiếu Exxon) đã gửi thư đề cử 4 ứng cử viên độc lập (4/10 thành viên) vào Hội đồng quản trị. Mặc dù số lượng cổ phiếu nắm giữ quá nhỏ để hy vọng vào thành công, tuy nhiên, nếu sáng kiến này được các nhà đầu tư lớn như Vanguard Group, BlackRock và State Street (kiểm soát khoảng 20% cổ phần Exxon) ủng hộ, thì kế hoạch kêu gọi Exxon thay đổi có thể trở thành hiện thực. Cụ thể: sẽ đưa các thành viên độc lập có nhiều kinh nghiệm trong ngành năng lượng vào Hội đồng quản trị, giảm tỷ lệ đầu tư vào các dự án năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Động thái này có thể là phản ứng với quyết định của ExxonMobil trong việc trì hoãn vô thời hạn phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 - dự án CCS LaBarge với tổng mức đầu tư 260 triệu USD (chỉ gần 1% ngân sách đầu tư năm 2020) trong khi công ty tiếp tục tăng đầu tư 9 tỷ USD vào mở rộng công suất dự án dầu khí Guyana. Dự án CCS LaBarge cho phép giảm thiểu khoảng 2 triệu tấn CO2/năm và chưa mang lại lợi nhuận đáng để Exxon phải nghiêm túc chú ý đến việc mở rộng quy mô.

Rosneft đang đàm phán với liên danh Ấn Độ bao gồm ONGC Videsh, Oil India, Indian Oil Corporation và Bharat Petroresources sở hữu 49,9% cổ phần mỏ Vankor (sản lượng 14 triệu tấn/năm) trong liên doanh Vankorneft về việc đổi lấy cổ phần tại dự án Vostok Oil, công ty dự kiến giữ lại 50,1% và quyền điều hành, số còn lại bán cho các nhà đầu tư (10% đã bán cho Trafigura). Nếu đạt được thỏa thuận, Rosneft sẽ chuyển thêm 3 mỏ của mình (Suzunskoye, Tagulskoye và Lodochnoye) tại cụm Vankor vào bảng cân đối tài sản Vostok Oil.

Bên cạnh đó, Rosneft có kế hoạch bán các mỏ dầu cạn kiệt ở Tây Siberia, Viễn Đông (có những mỏ đã ngừng khai thác) và tại khu vực Volga, bao gồm các mỏ thuộc sở hữu của RN-Sakhalinmorneftegaz, Varieganneftegaz, RN-North Oil, Talina Field, và Orenburgneft và Samaraneftegaz. Rosneft buộc phải bán tài sản do cần nguồn tài chính để phát triển dự án Vostok Oil, một số mỏ không mang lại lợi nhuận và Rosneft đã buộc phải cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận OPEC+. Tổng cộng, Rosneft có thể bán/loại bỏ đến 10% sản lượng hàng năm.

Chevron lên kế hoạch cắt giảm đầu tư năm 2021 xuống 14 tỷ USD, ngang với mức thực hiện năm nay. Trong năm 2021, công ty dự kiến chi 5 tỷ USD cho lĩnh vực E&P tại Mỹ và 6,5 tỷ USD cho các dự án nước ngoài. Đối với lĩnh vực downstream, Chevron sẽ phân bổ 1,2 tỷ USD tại Mỹ và 900 triệu USD quốc tế. Trong năm 2020, Chevron đã cắt giảm 6 tỷ USD đầu tư so với kế hoạch ban đầu, chưa bao gồm khoản 5 tỷ USD mua lại công ty Noble Energy.

Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021
Các tập đoàn dầu khí thế giới đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng tái tạo là dấu ấn tuần quaCác tập đoàn dầu khí thế giới đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng tái tạo là dấu ấn tuần qua
Ngành công nghiệp dầu khí thế giới hứa hẹn sẽ minh bạch hơnNgành công nghiệp dầu khí thế giới hứa hẹn sẽ minh bạch hơn
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Nh.Thạch

AFP