Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

09:00 | 06/12/2020

|
(PetroTimes) - Rosneft phát hiện mỏ khí 1,3 tỷ m3 trên biển Kara, Bắc Cực; Gazprom đang xem xét khả năng bán cổ phần ra thị trường; ExxonMobil đánh tụt giá trị tài sản lớn; CNOOC của Trung Quốc rơi vào danh sách đen của Mỹ... là những điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty dầu khí lớn tuần qua.
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Ngày 4/12, Rosneft tuyên bố phát hiện ra 2 mỏ khí đốt mới tại biển Kara với trữ lượng sơ bộ khoảng 1.300 tỷ m3 sau khi thực hiện khoan thăm dò tại lô cấp phép Vostochno-Prinovozemelsky-1 và 2, kết quả kiểm tra xác nhận năng suất trầm tích kỷ Jura. Các tài liệu mỏ mới đã được gửi cho Cơ quan quản lý tài nguyên liên bang Rosnedra, sau khi hoàn tất tái kiểm định vào tháng 12 này, sẽ ra quyết định đưa vào bảng cân đối trữ lượng quốc gia.

Cũng liên quan đến Rosneft, ngày 3/12, tập đoàn cho biết cùng với việc thông qua quyết định bán 10% cổ phần dự án Vostok Oil cho Trafigura, Hội đồng quản trị Rosneft cũng đã thông qua quyết định mua lại mỏ Payakhskoye từ công ty Neftegazholding thuộc sở hữu của ông E. Khudainatov - nguyên Tổng giám đốc Rosneft những năm 2008-2012, trước thời I. Sechin. Giá trị thương vụ không được công bố, theo nguồn tin không chính thức khoảng 5 tỷ USD. Rosneft dự định sẽ thanh toán một phần tiền mặt, phần còn lại bằng tài sản (cổ phần) đang khai thác hoặc trong quá trình phát triển như công ty Orenburgneft (sản lượng năm 2019 - 14,5 triệu tấn), Samaraneftegaz (12,6 triệu tấn), RN-Sakhalinmorneftegaz (1,2 triệu tấn), Varyoganneftegaz (6,3 triệu tấn), RN-Severnaya Neft (2,66 triệu tấn) và mỏ Talinskoye (trữ lượng thu hồi 4 triệu tấn). Sau khi hoàn tất thương vụ, cơ sở tài nguyên dự án Vostok Oil sẽ tăng thêm hơn 1,2 tỷ thùng dầu quy đổi, đồng thời cho phép bên bán - Neftegazholding thanh toán hết nợ nần và trở thành nhà sản xuất dầu khí độc lập lớn thứ 2 tại Nga, tăng gấp 10 lần sản lượng lên 20-22 triệu tấn/năm, chỉ đứng sau Lukoil.

Gazprom đang xem xét khả năng bán ra thị trường 5,68% cổ phần của công ty Gazprom Neft trong số 95,68% hiện do công ty mẹ Gazprom đang nắm giữ để bổ sung dòng tiền trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 không được tốt. Nếu thương vụ được thông qua, tỷ lệ nắm giữ của Gazprom sẽ giảm xuống 90%, và như vậy, lần đầu tiên trong ban điều hành, Hội đồng quản trị sẽ xuất hiện đại diện cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, theo Reuters, Gazprom Neft hôm thứ Ba tuần này đã phủ nhận những thông tin cho rằng Gazprom đang thảo luận về khả năng bán một số cổ phiếu của Gazprom Neft trên thị trường.

ExxonMobil, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hôm thứ Hai tuần này đã quyết định từ bỏ các dự án được coi là kém chiến lược hơn và có kế hoạch tính phí tổn thất tài sản từ 17 đến 20 tỷ đô la trong quý 4. Tập đoàn Mỹ, vừa trải qua quý thứ ba liên tiếp thua lỗ, muốn tập trung vào các dự án có lợi nhất: Những dự án đang được phát triển ngoài khơi Guyana và trong lưu vực Permi ở Hoa Kỳ, cũng như những dự án đang thăm dò ở Brazil hoặc trong lĩnh vực hóa chất hiệu suất cao. Trong số các tài sản bị loại bỏ có các chương trình khí đốt ở Hoa Kỳ - ở dãy núi Appalachian và Rocky, Oklahoma, Texas, Louisiana và Arkansas - ở miền tây Canada và ở Argentina, ExxonMobil cho biết thông tin chi tiết trong một thông cáo báo chí. Một số trong số chúng có thể sẽ được bán lại.

Để điều chỉnh mức thu nhập giảm và tiếp tục trả cổ tức cho các cổ đông, công ty lớn đã cắt giảm lực lượng lao động, ước tính rằng số lượng nhân viên trên thế giới sẽ giảm 15% vào cuối năm 2022, so với cuối năm 2019. Công ty cũng đã giảm đáng kể chi tiêu vốn: Sau khi đã giảm đầu tư vào năm 2020 từ 33 xuống 23 tỷ đô la, giờ đây họ dự kiến ​​chỉ chi từ 16 đến 19 tỷ trong năm 2021. Sau đó, ExxonMobil dự kiến ​​sẽ chi từ 20 đến 25 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2025.

Trước đó, ExxonMobil đã ngừng bán tài sản dầu khí hàng tỷ đô la tiềm năng của mình ở Eo biển Bass của Úc. Gã dầu mỏ Hoa Kỳ đưa ra quyết định trên chỉ sáu tuần sau hạn cuối của việc đấu thầu tài sản này. ExxonMobil quyết định giữ lại tài sản sản xuất này mà công ty hoạt động ở Lưu vực Gippsland sau khi đánh giá xong quy mô thị trường, phát ngôn viên thuộc chi nhánh của công ty tại Úc Esso Australia nói với Reuters trong một email.

Hôm 3/12, Chính quyền Trump bổ sung 4 công ty Trung Quốc vào danh sách liên quan đến quân đội. Danh sách này gồm Công ty Công nghệ xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc, Công ty Sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC), và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). CNOOC là nhà khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc. GIàn khoan Hải Dương 981 là một trong những tài sản thuộc sở hữu của CNOOC. Đến nay, có tổng cộng 35 công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen có dính líu với quân đội. Các công ty này sẽ bị hạn chế khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư Mỹ.

Công ty điều hành việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 (Nord Stream 2 AG) có kế hoạch tiếp tục công việc xây dựng đường ống này vào tháng 12 năm nay, công ty nói với TASS. Trước đó, đài NDR đã đưa tin dẫn lời người đại diện của Nord Stream 2 AG rằng việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 sẽ được tiếp tục vào đầu tháng 12 sau thời gian tạm nghỉ kéo dài một năm. Aleksey Grivach, phó giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia cho biết, nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 có khả năng hoàn thành dự án trong bối cảnh các lệnh trừng phạt trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. "Sẽ không mất nhiều thời gian. Chỉ còn 160 km đường ống cần hoàn thành. Có thể mất từ ​​vài tuần đến vài tháng", theo TASS.

Exxon MobilTotal cùng phát triển mỏ khí khổng lồ tại Mozambique. Exxon muốn tăng tỷ lệ khai thác khí rẻ (từ nguồn tập trung) để có cơ sở thuyết phục nhà đầu tư đưa ra quyết định (FID) cho nhà máy Rovuma LNG công suất 15,2 triệu tấn/năm trị giá 30 tỷ USD. Trong khi đó Total đã đưa ra FID đối với nhà máy Mozambique LNG công suất 12,9 triệu tấn/năm trị giá 20 tỷ USD của mình vào tháng 6/2019. Theo thỏa thuận hiện nay, ký bởi Eni và Anadarko vào năm 2017 sau đó bán lại cho Total và Exxon, trong giai đoạn đầu khối lượng khai thác sẽ đạt 24 TCF (680 tỷ m3) từ nguồn trữ lượng tập trung/phi tập trung với tỷ lệ 50/50. Exxon muốn đàm phán nâng tỷ lệ này lên 70/30. Chính phủ Mozambique thông qua công ty dầu khí quốc gia ENH sở hữu 10% dự án Rovuma LNG và 15% Mozambique LNG.

Repsol (Tây Ban Nha) có kế hoạch cắt giảm mạnh ngân sách đầu tư vào lĩnh vực E&P trong 5 năm tới, đồng thời tăng đầu tư vào lĩnh vực low carbon. Đầu tư vào lĩnh vực upstream sẽ giảm xuống còn 1,6 tỷ EUR/năm so với mức 2,4 tỷ EUR năm 2019 và chỉ chiếm khoảng 44% ngân sách đầu tư của công ty, trong khi đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học sẽ lên tới 5,5 tỷ EUR (30%). Mặc dù Repsol cắt giảm chi phí thăm dò và tiếp tục bán các tài sản upstream tại những khu vực ít có sự hiện diện, sau khi đã rút khỏi Papua New Guinea, Việt Nam, Ecuador, nhưng công ty vẫn có kế hoạch duy trì sản lượng khoảng 650.000 boe/d trong giai đoạn 2021-2025, tương đương mức hiện nay. Kế hoạch phát triển của Repsol dựa trên dự báo giá dầu Brent ở mức 50 USD/thùng và khí đốt sàn Henry ở mức 2,5 USD/MBtu. Đối với năng lượng tái tạo, công ty có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trên toàn cầu, tăng công suất phát điện xanh từ 7,5GW năm 2025 lên 15GW vào năm 2030, tập trung vào phát triển 7 khu công nghiệp lớn tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Peru.

Bản tin Dầu khí 3/12: Xuất khẩu dầu của Venezuela tăng mạnhBản tin Dầu khí 3/12: Xuất khẩu dầu của Venezuela tăng mạnh
Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021Các nhà phân tích đưa ra dự báo trái chiều về thị trường dầu thế giới 2021
Các tập đoàn dầu khí thế giới đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng tái tạo là dấu ấn tuần quaCác tập đoàn dầu khí thế giới đầu tư nhiều tỷ đô-la cho năng lượng tái tạo là dấu ấn tuần qua
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Nh.Thạch

AFP