Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry thăm Ấn Độ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch

09:55 | 09/04/2021

|
(PetroTimes) - AP, Reuters, AFP ngày 8/4 đưa tin về chuyến thăm Ấn Độ của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry từ ngày 6-8/4/2021. Ấn Độ là nước có khí thải nhà kính lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ, tuy tỷ lệ tính theo đầu người thấp hơn nhiều so với hai nước trên.
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry thăm Ấn Độ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi.Nguồn: Tư liệu (Reuters)

Đặc phái viên Kerry đã có cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman, tham dự Hội nghị Cấp cao về Lãnh đạo Năng lượng của Phụ nữ Nam Á, gặp gỡ các tổ chức NGO,thúc đẩy cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu tham vọng hơn, ủng hộ nỗ lực giảm khí thải, phi các-bon hóa nền kinh tế, tăng đầu tư sạch, các-bon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo. Đặc phái viên Mỹ đặc biệt nhấn mạnh Ấn Độ “đóng vai trò quan trọng trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu.”

Đặc phái viên Mỹ Kerry đã có cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ ngày 7/4, ngay trước khi Tổng thống Biden chủ trì Hội nghị Cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu ở Washington ngày 22/4/2021. Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ cam kết thực hiện những thỏa thuận của Ấn Độ về biến đổi khí hậu; cam kết tăng năng lực sản xuất nhiên liệu không hóa thạch từ 28% năm 2015 lên 40% vào năm 2030, tăng đáng kể diện tích che phủ rừng để giảm khí các-bon; nhấn mạnh hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo tài chính, triển khai nhanh công nghệ xanh, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các nước khác. Thủ tướng Ấn Độ cho biết Ấn Độ muốn mở rộng năng lượng tái tạo lên 450 GW vào năm 2030, gần gấp 5 lần năng lực hiện nay.

Ông Kerry ca ngợi Ấn Độ có sự “chuyển đổi năng lượng ấn tượng”, “lãnh đạo thế giới trong vấn đề triển khai năng lượng tái tạo”; Mỹ ủng hộ những mục tiêu của Ấn Độ về biến đổi khí hậu bằng cam kết tiếp cận công nghệ xanh và tài chính ưu đãi (các khoản vay với điều kiện thấp hơn hơn so với tỷ giá thị trường) cho các đầu tư thương mại, nhanh chóng sản xuất nhiên liệu thay thế; mong muốn Ấn Độ cắt giảm nhanh hơn việc sử dụng than đá; tăng năng lượng tái tạo nhanh lên gấp 6 lần; chuyển đổi sang sử dụng xe điện nhanh lên gấp 22 lần.

Trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết của các nước phát triển giữ cam kết hàng năm cấp tài chính 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển để xử lý vấn đề trái đất ấm lên.

Hiện nay Ấn Độ đang chịu áp lực từ Mỹ và Anh muốn Ấn Độ cam kết mục tiêu phi các-bon nền kinh tế vào năm 2050. Các nguồn tin nói với Reuters rằng Ấn Độ không muốn bị ràng buộc với mục tiêu 2050 vì nhu cầu năng lượng của Ấn Độ dự kiến tăng nhanh hơn bất cứ nước nào trên thế giới trong 2 thập kỷ tới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để Ấn Độ đi vào “con đường phát triển bền vững” trong 20 năm tới, cần nguồn tài chính tới 1,4 nghìn tỷ USD, 70% hơn nữa so với những chính sách hiện nay cho phép; khí thải các-bon của Ấn Độ đang trên đà tăng lên 50% vào năm 2040, đủ để xóa bỏ các nỗ lực của châu Âu cắt giảm khí thải vào cùng thời điểm./.

Thanh Bình