Cuộc chiến ở Dải Gaza đã phá hủy những nỗ lực thương mại và năng lượng của Israel với thế giới Ả rập

12:44 | 16/05/2021

|
Bầu trời thành phố Tel Aviv và tại Dải Gaza “nhuộm đỏ” bởi rocket và tên lửa suốt cả tuần qua giữa Israel và lực lượng Hamas đã phá vỡ những cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả rập, phá vỡ những kết quả mà Mỹ và Israel đã đạt được trong suốt thời gian qua.
Cuộc chiến ở Dải Gaza đã phá hủy những nỗ lực thương mại và năng lượng của Israel với thế giới Ả rập

Hơn 130 người ở Gaza trong đó có hàng chục trẻ em đã thiệt mạng, hàng ngàn rocket đã phá hủy tàn nhẫn. Hamas sử dụng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo, Israel cũng đáp trả bằng các vụ không kích, pháo kích với cường độ lớn hơn trước. Israel và phong trào Hamas tại Palestine đang rơi vào tình trạng bạo lực tồi tệ nhất những năm qua, gây chấn động khu vực Dải Gaza.

Năm ngoái, Israel thông qua Mỹ làm trung gian, đã đạt được một loạt các thỏa thuận ngoại giao, được gọi là Hiệp định Abraham, với hy vọng Hiệp định và các thỏa thuận thương mại sau đó sẽ tái định hình vị thế của Israel trong một khu vực từ lâu đã xa lánh Israel, giúp nước này kiềm chế Iran và bắt đầu tạo dựng các mối quan hệ thương mại mới.

Israel, UAE và Bahrain ký Hiệp định Abraham với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Trump
Israel, UAE và Bahrain ký Hiệp định Abraham với sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Trump

Sự kiện Israel và UAE đạt thỏa thuận công nhận ngoại giao lẫn nhau dưới sự bảo trợ của Mỹ tạo ra một thực tại địa chính trị mới ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Thỏa thuận này mang tính lịch sử sau nhiều thập kỷ nỗ lực ngoại giao nhằm bảo tồn một nhà nước Palestine trong tương lai thông qua một giải pháp hai nhà nước được thương lượng.

Với thiện chí từ phía Israel, đây cũng có thể là điểm khởi đầu cho một chương mới trong lịch sử.

Đây là một thỏa thuận lớn và tầm quan trọng thực sự của thỏa thuận hòa bình này là những cơ hội kinh tế.

Trên thực tế, tuy Israel và UAE không đối đầu nhau trong chiến đấu, nhưng UAE đã từ chối công nhận nền độc lập của Israel kể từ khi UAE thành lập năm 1971. Giờ đây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên chính thức hóa quan hệ với Israel.

Thỏa thuận thương mại chiến lược đầu tiên giữa hai nước đã được ký kết ngày 15/8/2020, mối quan hệ giữa Israel và UAE đang được khuấy động bởi rất nhiều dự án hợp tác, nhiều dự án hợp tác về Y tế và Quốc phòng cũng đã được 2 bên công bố.

Israel lên kế hoạch chuẩn bị mở đường bay thẳng đến 2 thành phố lớn của UAE. Và điều đáng chú ý, các đường bay này sẽ bay qua không phận của Saudi Arabia – một quốc gia chưa công nhận Israel.

Chính Israel đã công nhận rằng đây là một cuộc cách mạng lớn, đường bay thẳng giữa 2 nước sẽ làm thay đổi ngành hàng không và nền kinh tế Israel, dự kiến sẽ thu hút được những khoản đầu tư khổng lồ. Hiện nay, nhiều người dân ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đang rất quan tâm đến việc đầu tư vào Israel, đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghệ.

Các tiểu vương quốc Arập thống nhất cũng sẽ được hưởng lợi trong các lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp của Israel.

Quốc gia Ả rập này còn có thể khai thác thị trường du lịch, bất động sản của Israel. Nếu Emirates hoặc Etihad bắt đầu các chuyến bay đến Tel Aviv, các kết nối hiện có của họ đến nhiều thành phố ở Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á thông qua Dubai và Abu Dhabi có thể được du khách Israel săn đón. Ai cũng biết tới chất xám và công nghệ của Israel, điều mà UAE có thể tận dụng cho các lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhìn về phương diện năng lượng, dầu khí, hiệp định này có ý nghĩa đối với cả hai quốc gia. Dầu từ UAE sẽ là một cơ hội kinh tế và chiến lược lớn cho Israel.

Israel có nền kinh tế phi dầu khí lớn nhất ở Trung Đông, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm gần đây, Israel tiêu thụ 240.000 thùng/ngày. Các nước Ả Rập vùng Vịnh luôn từ chối bán cho Israel, ngay cả khi công ty dầu mỏ của Ả Rập Xê Út có cổ phần của các công ty Mỹ. Thỏa thuận lịch sử này giúp cho ADNOC - Công ty dầu quốc gia của UAE có thêm thị trường, nhất là vào thời điểm khó khăn này. Đây là một cơ hội tuyệt vời để UAE trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên khai thác nền kinh tế và thị trường Israel.

Israel đã đạt được một Thỏa thuận sơ bộ để vận chuyển dầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đến châu Âu thông qua một đường ống nối liền thành phố Biển Đỏ Eilat và cảng Ashkelon ở Địa Trung Hải.

Israel và UAE ký Thỏa thuận vận chuyển dầu
Israel và UAE ký Thỏa thuận vận chuyển dầu

Israel và UAE thiết lập con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất vận chuyển dầu đến Châu Âu, nếu được hoàn tất, thỏa thuận sẽ là một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất cho đến nay kể từ khi Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bình thường hóa quan hệ.

Thỏa thuận bao gồm việc lưu trữ và chuyển dầu và các sản phẩm dầu thông qua mạng lưới đường ống EAPC và các bể chứa, từ UAE và các thị trường phương Đông khác đến phương Tây, và từ Địa Trung Hải đến Viễn Đông.

Đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất về chi phí để vận chuyển hàng hóa từ Trung Đông sang thị trường châu Âu thông qua đường ống dài 245km, công suất 30 triệu tấn/năm, nối biển Địa Trung Hải với biển Đỏ tại 2 cảng Eilat và Ashkelon của Israel. Cảng Eilat có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu lên đến 350.000 tấn, hệ thống kho chứa lên đến 1,4 triệu m3, cảng Ashkelon có khả năng tiếp nhận tàu chở dầu tới 250.000 tấn và kho chứa 2,3 triệu m3. Ngoài ra, EAPC sở hữu thêm 3 đường ống khác, cho phép tiếp cận đến khu vực Biển Đen.

Theo Reuters, nếu được hoàn tất, nó có thể trị giá 700 - 800 triệu USD trong vài năm và nguồn cung có thể bắt đầu vào đầu năm 2021.

Cũng trong năm 2020, sáu quốc gia ven biển Địa Trung Hải, bao gồm Ai Cập, Israel, Hy Lạp, Cyprus, Jordan và Ý đã ký hiến chương thành lập Diễn đàn khí Đông Địa Trung Hải (East Mediterranean Gas Forum - EMGF) nhằm thúc đẩy xuất khẩu khí đốt từ khu vực này và dầu thô từ UAE qua Ả rập Saudi đến Israel và sang nam Âu trong bối cảnh các quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel và phát hiện trữ lượng khí thương mại mới.

Tuyến đường vận chuyển dầu thô mới cho phép bỏ qua kênh đào Suez và vịnh Ba Tư. Palestin là thành viên thứ 7 của diễn đàn, trong khi Pháp đang đệ đơn ra nhập, EU và Mỹ có tư cách quan sát viên. Khởi đầu quá trình hợp tác, Israel sẽ bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập và Jordan, nơi có sẵn 2 nhà máy sản xuất LNG với mục đích tái xuất sang châu Âu. Liên minh mới cạnh tranh trực tiếp với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm khí đốt Địa Trung Hải (kể cả hợp tác với Libya), đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến Gazprom (2 đường ống dẫn khí Turkey Stream và Blue Stream tổng công suất 49 tỷ m3/năm dự kiến cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và thị trường nam Âu).

Quan hệ song phương vừa được khai thông, thời gian chưa đủ để đạt được lòng tin với nhau thì giờ đây, cuộc chiến ở dải Gaza đã khiến cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ của Israel với người Palestine lại một lần nữa trở lại.

Các quan chức từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Maroc - tất cả các quốc gia bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020 - đã chỉ trích các chính sách của Israel trong tuần này. Ngay cả những người ủng hộ hiệp định cũng nhận ra thách thức ngày càng sâu sắc đối với Israel trong việc giành được sự chấp nhận ở một khu vực mà việc chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine không được đồng tình.

UAE đã tự khẳng định mình là một đồng minh nhiệt tình của Israel kể từ khi trở thành quốc gia đầu tiên tham gia các hiệp định do Nhà Trắng Trump đàm phán vào năm ngoái. Nhưng kể từ khi bạo lực ở Gaza bắt đầu, một số quan chức Tiểu vương quốc đã nhắc lại lập trường ủng hộ người Palestine của họ. Các quan chức vùng Vịnh đã cố gắng tách sự ủng hộ của họ đối với người Palestine khỏi bất kỳ mối liên hệ nào với Hamas, một nhóm mà hầu hết các chính phủ trong khu vực luôn giữ kín.

Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên thực hiện hòa bình với Israel, vào năm 1979, đã cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, nhóm vũ trang Palestine cai trị Gaza. Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết họ không nhận được phản hồi nào từ Israel về đề xuất hòa giải.

Đối thủ của Israel là Iran cũng tố cáo các hành động của Israel ở Jerusalem, với ngoại trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bán quân sự cảnh báo Mỹ về Hiệp định Abraham, mà họ cho rằng đã “lừa dối” các nước Ả Rập và “kích hoạt” Israel.

Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc Trung Đông khác có mối quan hệ lâu đời với Israel, đã cố gắng tập hợp một nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào người Palestine và kêu gọi các quốc gia Hồi giáo phải đứng lên theo lời kêu gọi của người dân Palestine.

Các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine cũng diễn ra ở Lebanon, Tunisia và Iraq. Oman và Sudan cũng lên án Israel.

Vậy ai được lợi từ cuộc chiến này và họ được gì. Khi cuộc xung đột ăn miếng trả miếng mới giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang, những phân tích cho thấy: về tổng thể Palestine sẽ không nhận được gì ngoại trừ sự đồng cảm từ những người ủng hộ đã đồng cảm, Israel sẽ không đạt được gì mặc dù họ có thể củng cố sự ủng hộ trong nước đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng những quốc gia muốn phá hủy chiến lược 'bình thường hóa quan hệ' mới ra đời do Mỹ-Israel lãnh đạo sẽ có thể đạt được những gì họ muốn.

Kính mời độc giả đón đọc “Kẻ hưởng lợi từ cuộc chiến ở dải Gaza” đăng trên nangluongquocte.petrotimes.vn

Ngọc Linh