Con đường trở thành cường quốc vùng cực Bắc của Trung Quốc (Phần I)

15:00 | 22/08/2020

|
(PetroTimes) - Tạp chí năng lượng "TEK Russia" thuộc Bộ Năng lượng Nga mới đây vừa đăng tải bài phân tích về tham vọng cũng như con đường trở thành cường quốc tại Bắc Cực của Trung Quốc, trong đó tập trung vào khía cạnh tăng cường hợp tác với Nga trong khai thác nguồn tài nguyên, phát triển thương mại, hậu cần, khoa học tại khu vực Bắc Cực thuộc Nga.
con duong tro thanh cuong quoc vung cuc bac cua trung quoc phan iTrung Quốc công bố kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo ở đảo Hải Nam đến năm 2035
con duong tro thanh cuong quoc vung cuc bac cua trung quoc phan iNga động thổ dự án hóa dầu khổng lồ gần Trung Quốc

Đây là cách thức tiếp cận các nguồn tài nguyên và lợi ích địa chính trị tại Bắc Cực phù hợp với Trung Quốc do quốc gia này không tiếp giáp với Bắc Cực, nhằm dần dần khẳng định vị trí và bảo vệ các lợi ích của mình tại đây.

con duong tro thanh cuong quoc vung cuc bac cua trung quoc phan i

Các lợi ích của Trung Quốc có liên quan đến triển vọng sử dụng tài nguyên dầu khí của nước này và mở rộng các tuyến đường vận tải hàng hóa. Các mỏ dầu khí ở khu vực Bắc Cực có thể góp phần tăng đáng kể nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc. Sự phát triển vận tải biển dọc theo Tuyến HHPB mở ra cơ hội kinh tế mới cho Trung Quốc cũng như các mục tiêu chiến lược khác.

Quan điểm của Trung Quốc về tình trạng pháp lý của Bắc Cực tương tự như Mỹ, Anh, Ấn Độ và Nhật Bản. Nước này tự coi mình là quốc gia nằm gần khu vực Bắc Cực, nơi phải được coi là tài sản của cả nhân loại. Ở Nga, khu vực Bắc Cực được coi là cơ sở tài nguyên chiến lược và thềm lục địa Bắc Cực là một kho chứa khổng lồ tài nguyên năng lượng. Vì vậy mà ngay từ năm 2013, Chính phủ Nga đã phê duyệt Chiến lược phát triển khu vực Bắc Cực thuộc Liên bang Nga và đảm bảo an ninh quốc gia đến năm 2020.

Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc cũng đã thông qua chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc vào năm 2018. Chiến lược này được gọi là Sách trắng về chính sách Bắc Cực của nước này. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc công bố về vấn đề Bắc Cực. Ý tưởng chính sách của Sách trắng xuất phát từ tình hình ở Bắc Cực đang có những thay đổi sâu sắc. Điều này đặt ra những thách thức mới cho Trung Quốc. Đó là đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quản lý khu vực Bắc Cực.

Có thể nói, các điều khoản quan trọng nhất trong chiến lược của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực mâu thuẫn trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều không nhấn mạnh điều này ở cấp độ chính trị. Hơn nữa, Trung Quốc và Nga gần đây đang có quan hệ tương tác ngày càng chặt chẽ trên cơ sở trùng khớp về mặt lợi ích, thể hiện tính chất của mối quan hệ đối tác chiến lược.

Chinh phục kiểu "leo bậc thang"

Sự tương tác ở Bắc Cực của Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Nga, vốn cản trở phần lớn khả năng hợp tác với các công ty Mỹ/phương Tây trong lĩnh vực sản xuất dầu khí, chủ yếu ở thềm lục địa Bắc Cực. Do đó, Nga phải tìm kiếm các đối tác khác sở hữu hoặc có khả năng thu hút công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này trên thềm lục địa Bắc Cực trong điều kiện băng giá vĩnh cửu. Các đối tác này chủ yếu ở châu Á. Các tập đoàn Nhật Bản là Mitsui và JOGMEG đã tham gia vào dự án Arctic LNG 2 vào năm 2019. Trong năm 2020, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Ấn Độ có thể trở thành quốc gia đầu tiên không thuộc Bắc Cực tham gia khai thác tài nguyên ở Bắc Cực. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đang trở thành đối tác kinh tế và công nghệ chính của Nga trong việc sản xuất và chế biến dầu khí ở Bắc Cực. Chiến thuật của Trung Quốc là tiến dần đến lợi ích của mình ở Bắc Cực và chờ đợi những điều kiện thuận lợi hơn.

con duong tro thanh cuong quoc vung cuc bac cua trung quoc phan i

Tại Mỹ, những hoạt động của Nga ở Bắc Cực và sự thâm nhập dần dần của Trung Quốc vào khu vực này được coi là mối đe dọa đối với phương Tây. Theo quan điểm này, Trung Quốc đang phát triển bành trướng theo hướng Tây, dần dần thâm nhập vào nền kinh tế Nga để sau đó bắt đầu khai thác tài nguyên dầu khí. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, đang có sự chinh phục kiểu "leo bậc thang" của Trung Quốc tại Bắc Cực. Kết quả là, nước này sẽ tiếp cận được các nguồn tài nguyên khu vực và đổi lại sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc.

Đối tác quan trọng nhưng không phải là duy nhất

Đối thoại chính thức về Bắc Cực giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2013. Sau đó, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực. Tổ chức này bao gồm tám quốc gia trong khu vực gồm: Canada, Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga và Thụy Điển, cũng như 13 quốc gia quan sát viên đang tìm cách quốc tế hóa việc quản lý khu vực.

Nga trở thành một trong những quốc gia sáng lập Hội đồng Bắc Cực vào năm 1996 để bảo vệ chủ quyền trong khu vực. Quan điểm của Nga là các quốc gia Bắc Cực giải quyết các vấn đề quan trọng nhất trực tiếp với nhau. Đối với Trung Quốc, Nga là một đối tác quan trọng nhưng không phải là duy nhất ở Bắc Cực. Giới doanh nghiệp Trung Quốc tích cực đầu tư vào đảo Greenland (Đan Mạch) cũng như ở Iceland và coi lãnh thổ Đan Mạch, Iceland là công cụ để củng cố sự hiện diện của mình tại khu vực. Theo báo cáo của Trung tâm phân tích hải quân (CNA), đầu tư của Trung Quốc tại hai lãnh thổ trên lần lượt là 6% GDP của Iceland và 11% GDP của Greenland.

Trong hợp tác với các quốc gia có đường biên giới với Bắc Cực, Trung Quốc đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau ở mức nhất định trong quan hệ với Nga. Vấn đề của Nga là sự tụt hậu tương đối về công nghệ trong lĩnh vực sản xuất thiết bị dầu khí để thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa trong điều kiện băng vĩnh cửu cũng như không thể tiếp cận các công nghệ từ các nhà cung cấp Mỹ/phương Tây do các lệnh trừng phạt.

Các công ty khoan Trung Quốc ở thềm lục địa Bắc Cực

Thiết bị và công nghệ dầu khí của Trung Quốc đã được sử dụng tích cực ở vùng Bắc Cực thuộc Nga trong những năm gần đây. Ví dụ, giàn khoan Nan Hai Ba Hao của công ty China Oilfield Service Limited sở hữu và điều hành đã phát hiện một số mỏ lớn ngoài khơi Bắc Cực thuộc Nga. Theo đơn đặt hàng của Gazprom, mũi khoan đầu tiên đã được China Oilfield Service thực hiện ở Bắc Cực vào năm 2017 tại Lô Leningradskoe trên biển Karsk. Kết quả đã giúp gia tăng trữ lượng khí đốt tại lô dầu khí này hơn 850 triệu m3 lên 1,9 nghìn tỷ m3. Một năm sau, công tác khoan tiếp tục được tiến hành tại Lô Rusanovskoe liền kề, phát hiện trữ lượng 390,2 tỷ m3.

con duong tro thanh cuong quoc vung cuc bac cua trung quoc phan i

Các công ty của Trung Quốc tham gia vào các dự án lớn nhất ở Bắc Cực thuộc Nga. Cuối năm 2019, công ty Wison Offshore & Marine đã bắt đầu sản xuất các module cho dây chuyền tinh chế dầu đầu tiên của tổ hợp Arctic LNG -2. Hãng đã hoàn thành giai đoạn 1 vượt tiến độ. Tại tổ hợp LNG này đang có kế hoạch xây dựng ba dây chuyền công nghệ với công suất mỗi dây chuyền đạt 6,6 triệu tấn/năm. Trong số các cổ đông của dự án có các doanh nghiệp Trung Quốc gồm: Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu 10% cổ phần và Tập đoàn khai thác thác và phát triển dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNODC) sở hữu 10% cổ phần. Dự án Arctic LNG -2 là dự án sản xuất LNG có quy mô lớn thứ hai của Novatek sau Yamal LNG, cũng có cổ đông là doanh nghiệp Trung Quốc. Dự án Yamal LNG có 20% cổ phần thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), 9,9% cổ phần khác thuộc sở hữu của Quỹ Con đường tơ lụa (Silk Road Fund).

Ngoài các khoản đầu tư, các đối tác từ Trung Quốc còn hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Yamal LNG. Năm 2014, tập đoàn Yamgaz SNC đã ký hợp đồng với công ty Offshore Oil Engineering (COOEC) gói thầu sản xuất module đầu tiên cho dự án. Tổng cộng COOEC đã sản xuất 36 module cho quá trình hóa lỏng khí, trị giá 1,6 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất khí đốt ở những vùng khí hậu khắc nghiệt. Điều này cho phép họ sản xuất được các thiết bị đặc thù. Sự quan tâm của Trung Quốc đối với LNG được cho là đến từ nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và tránh việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt.

Sáng kiến "Vành đai, Con đường"

Dự án Yamal LNG là dự án năng lượng đầu tiên tại Bắc Cực được đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai, Con đường". Sáng kiến này được cho là có khả năng thay đổi hiện trạng kinh tế và chính trị của cả lục địa Á-Âu và cán cân quyền lực trên trường quốc tế. Sáng kiến do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, tập trung tạo điều kiện hợp tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền chính trị thế giới. Việc khởi động dự án Yamal LNG đã tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các dự án năng lượng khác ở Bắc Cực và do đó sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ trong khu vực.

Trung Quốc đang cố gắng hoạt động ở các khu vực khác nhau của Bắc Cực. Vì vậy, vào năm 2017, tập đoàn hóa chất Trung Quốc (Sinopec), một tập đoàn đầu tư Trung Quốc, một ngân hàng Trung Quốc và tập đoàn năng lượng Mỹ Alaska Gasline Development đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển một dự án LNG ở Alaska, có công lên tới 20 triệu tấn/năm. Đầu tư của Trung Quốc vào các dự án ở Bắc Cực là bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn trở thành một "cường quốc vùng cực". Thuật ngữ này được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2014. Các kế hoạch phát triển các khu vực thuộc Bắc Cực đã được vạch ra rõ ràng hơn trong Sách trắng về chính sách Bắc Cực của Trung Quốc, mô tả các lợi ích kinh tế của nước này tại đây. Đặc biệt, tài liệu này kêu gọi hợp tác quốc tế để phát triển một tuyến vận tải mới qua Bắc Cực.

(Còn tiếp)

Bài nghiên cứu sử dụng tư liệu của Cơ quan CDU TEK, Bộ Năng lượng Nga.

Phạm TT