Chuyên gia phân tích tính toán mới của Trung Quốc trên Biển Đông, đoán định nguy cơ "cọ xát" Mỹ-Trung

15:19 | 07/04/2023

|
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, việc Trung Quốc gia tăng triển khai tàu ngầm trên Biển Đông có thể làm tăng cọ xát Mỹ-Trung trong khu vực.
Chuyên gia phân tích tính toán mới của Trung Quốc trên Biển Đông, đoán định nguy cơ 'cọ xát' Mỹ-Trung
Mỹ điều các tàu chiến hải quân tới Biển Đông. (Nguồn: National Interest)

Nhiều bước tiến mới về quân sự

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, lần đầu tiên Trung Quốc liên tục duy trì trên biển ít nhất một tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo, gây thêm áp lực cho Mỹ và các đồng minh trong bối cảnh các nước này đang nỗ lực kiềm chế các bước đi quyết đoán của Bắc Kinh.

Tài liệu đánh giá về quân đội Trung Quốc cho biết, hạm đội gồm 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin của Trung Quốc đang tiến hành tuần tra “gần như liên tục” từ đảo Hải Nam tới Biển Đông mà theo các nhà phân tích, được trang bị tên lửa đạn đạo mới với tầm bắn xa hơn, những tàu ngầm này hoàn toàn có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Ngay cả khi Liên minh quân sự giữa 3 nước Anh - Mỹ - Australia (AUKUS) sẽ giúp Australia triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trong 2 thập kỷ tới, việc Trung Quốc liên tục tuần tra trên biển bằng các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo sẽ gây căng thẳng cho các nguồn lực của Mỹ và đồng minh.

Các cuộc tuần tra mới của Trung Quốc cho thấy nước này đã đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hậu cần, chỉ huy và kiểm soát vũ khí. Trung Quốc bắt đầu vận hành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của họ giống như cách mà Mỹ, Nga, Anh và Pháp đã làm trong nhiều thập kỷ.

Tướng Anthony Cotton, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 3 rằng các tàu ngầm Trung Quốc hiện đang được trang bị tên lửa thế hệ thứ ba - JL-3.

Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km và mang theo nhiều đầu đạn, JL-3 cho phép Trung Quốc lần đầu tiên có thể từ vùng ven biển của nước này vươn tới được lục địa Mỹ.

Các báo cáo trước đó nói rằng JL-3 dự kiến sẽ không được triển khai cho đến khi Trung Quốc hạ thủy các tàu ngầm Type-096 thế hệ tiếp theo trong những năm tới.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không đáp lại yêu cầu bình luận về báo cáo của Lầu Năm Góc và việc triển khai tàu ngầm của nước này.

Theo Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ duy trì khoảng 20 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân trên khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả ở đảo Guam và Hawaii.

Trong khuôn khổ AUKUS, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Anh sẽ được triển khai ở ngoài khơi phía Tây Australia từ năm 2027.

Các tàu ngầm như vậy là vũ khí cốt lõi để săn các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, được hỗ trợ bởi các tàu hoạt động trên mặt nước và máy bay giám sát P-8 Poseidon. Mỹ cũng có các cảm biến đáy biển ở các tuyến đường biển quan trọng để giúp phát hiện tàu ngầm.

Tính toán của Bắc Kinh

Ông Timothy Wright, nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở London cho rằng, lực lượng Mỹ có thể đối phó với tình hình hiện nay, nhưng sẽ phải triển khai nhiều tài sản quân sự hơn trong 10-15 năm tới, khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm Type-096 khó phát hiện hơn.

Chuyên gia Timothy Wright nói thêm, việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng hạt nhân đồng nghĩa với việc các chiến lược gia Mỹ lần đầu tiên phải đối đầu với hai "đối thủ hạt nhân ngang hàng" là Nga và Trung Quốc.

“Điều đó sẽ gây ra lo ngại cho Mỹ, bởi vì nó sẽ khiến hệ thống phòng thủ của Mỹ bị kéo căng, khiến nhiều mục tiêu của Mỹ phải đối mặt với rủi ro và chúng sẽ cần giải quyết bằng các tăng cường cả năng lực thông thường và năng lực hạt nhân”, ông Timothy Wright nhận định.

Các nhà phân tích của Mỹ cho rằng hải quân Trung Quốc trong nhiều năm được cho là có khả năng tuần tra răn đe, nhưng các vấn đề về chỉ huy, kiểm soát và liên lạc đã làm chậm quá trình triển khai của họ.

Đối với các tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo, vấn đề liên lạc rất quan trọng và phức tạp, vốn cần phải được giấu kín trong khi thực hiện nhiệm vụ. Theo các chuyên gia quân sự của Mỹ, các tàu ngầm lớp Jin, dự kiến sẽ được Trung Quốc thay thế bằng các tàu ngầm Type-096 trong thập kỷ tới, tương đối ồn ào và dễ bị phát hiện.

Theo ông Hans Kristensen, Giám đốc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc đang trong quá trình giải quyết các vấn đề liên lạc và chỉ huy.

Ông Kristensen và nhiều nhà phân tích khác tin rằng, với sự ra đời của tên lửa JL-3, Trung Quốc sẽ giữ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của họ ở vùng nước sâu của Biển Đông - nơi Trung Quốc đã xây dựng một loạt các căn cứ (phi pháp - PV) thay vì mạo hiểm tuần tra ở Tây Thái Bình Dương.

Hiện nay, Nga đang triển khai nhiều tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo ở các căn cứ ngoài khơi bờ biển Bắc Cực, trong khi các tàu của Mỹ, Pháp và Anh được triển khai rộng rãi hơn.

Ông Kristensen cho rằng việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu ngầm hơn có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ có thể ngày càng "cọ xát" với nhau nhiều hơn, làm tăng khả năng vô tình xảy ra xung đột.

Theo Vy Anh (Báo Quốc tế)

Biển Đông: Đức nêu cao luật pháp quốc tế, Australia tiếp nối Mỹ muốn chung hành động với PhilippinesBiển Đông: Đức nêu cao luật pháp quốc tế, Australia tiếp nối Mỹ muốn chung hành động với Philippines
Mỹ ra cam kết đồng hành với Philippines ở Biển ĐôngMỹ ra cam kết đồng hành với Philippines ở Biển Đông
Biển Đông: Thủ tướng Malaysia cảnh báo Trung Quốc, Bắc Kinh nhẹ giọng muốn đối thoạiBiển Đông: Thủ tướng Malaysia cảnh báo Trung Quốc, Bắc Kinh nhẹ giọng muốn đối thoại