Chống biến đổi khí hậu: Cơ hội làm giàu

16:06 | 14/02/2024

|
(PetroTimes) - Báo Le Monde của Pháp đã có cuộc trao đổi với bà Hélène Gelas - Luật sư chuyên về lắp đặt năng lượng tái tạo tại văn phòng luật Jeantet, để hiểu rõ hơn về 4 dự án nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh (Green Deal) mà Liên minh Châu Âu đã thông qua vào năm ngoái.
Chống biến đổi khí hậu: Cơ hội làm giàu
Bà Hélène Gelas. Ảnh AFP

Le Monde: Vào cuối tháng 4/2023, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua 4 dự án trọng điểm thuộc khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu. Đầu tiên là việc áp dụng thuế carbon: Chính sách này có những nguyên tắc nào và nó sẽ giúp Liên minh châu Âu loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế bằng cách nào?

Bà Hélène Gelas: Thật vậy, vào ngày 25/04/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua nhiều đạo luật khác nhau, đặt một bước chân mới trong việc theo đuổi chương trình "Fit for 55" (bắt buộc giảm 55% cường độ phát thải vào năm 2030 trên toàn bộ EU). Một nội dung trong số đó là quy định thiết lập cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, thường được gọi là thuế carbon.

Cơ chế này tập trung vào vấn đề nhập khẩu sản phẩm trong những ngành phát thải nhiều carbon. Cụ thể, EU sẽ mở đầu cơ chế bằng cách yêu cầu khai báo lượng khí thải carbon của những sản phẩm nhập khẩu. Doanh nghiệp sẽ không phải đóng thuế carbon cho đến cuối năm 2025. Sau đó, EU sẽ tiến hành loại bỏ hạn ngạch miễn thuế của những lĩnh vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của cơ chế này bắt đầu từ năm 2026 cho đến năm 2034.

Liên minh châu Âu cần phải khử carbon khỏi ngành công nghiệp bằng cách tái cân bằng cạnh tranh giữa những doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài châu Âu. Do đó, EU cần phải tìm ra một giải pháp tương thích với những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Cụ thể, EU cần phải tránh để sản phẩm nhập khẩu áp đảo hàng châu Âu, do khác biệt tiêu chuẩn giữa nội bộ Liên minh châu Âu với bên ngoài thế giới. Những khu vực khác trên thế giới sẽ tiếp tục sử dụng những tiêu chuẩn khác nhau về môi trường. Nhưng châu Âu sẽ theo đuổi một chiến lược tái cân bằng, thông qua sáng kiến đánh thuế lượng khí thải carbon của hàng hóa đi vào Lục địa già.

Chống biến đổi khí hậu: Cơ hội làm giàu
Chống biến đổi khí hậu là cơ hội làm giàu cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh AFP

Le Monde: Dự án thứ hai là điều chỉnh lại Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh Châu Âu (ETS). Những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dự án này?

Bà Hélène Gelas: Nếu mở rộng ETS, lĩnh vực hàng không sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu. Lĩnh vực vận tải hàng hải cũng sẽ dần dần từ bỏ hạn ngạch. Một cơ chế chuyển tiếp sẽ được lên kế hoạch cho đến năm 2027.

Đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng sẽ là những lò đốt rác thải sinh hoạt, trong giai đoạn năm 2028 - năm 2030.

Chúng ta có thể thấy rằng, từng chút một, ta đang tiếp cận được những lĩnh vực phát thải mạnh nhất, và khó bị chuyển đổi nhất. Đây là điều cần thiết, ngay cả khi tiến độ có vẻ chậm, và lỗ hỏng có thể xuất hiện trong ngắn hạn. Dù sao đi nữa, đây vẫn là một yếu tố quan trọng trong quá trình khử carbon khỏi ngành công nghiệp.

Le Monde: Liên minh Châu Âu cũng đã thông qua nguyên tắc về thị trường carbon thứ hai đối với khí thải từ giao thông đường bộ và xây dựng (ETS2). Thị trường này có gì khác biệt với thị trường chính, và nó sẽ có tác động gì đến người tiêu dùng cá nhân?

Bà Hélène Gelas: Thị trường ETS2 sẽ được thành lập từ năm 2027, với khả năng bị trì hoãn cho đến năm 2028, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế. Nhìn chung, thị trường sẽ đề ra mức giá trần cho mỗi tấn carbon phát thải ra môi trường cho đến năm 2030. Vấn đề của thị trường thứ hai này, là nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến những hộ gia đình và người dân, với khả năng tăng giá xăng hoặc chi phí sưởi ấm. Đây là vấn đề xã hội phát sinh từ cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Vấn đề trở nên phức tạp hóa hơn vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng nhìn chung, khủng hoảng khí hậu vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Do đó, chúng ta phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu về khí hậu và có điều chỉnh ở mức khiêm tốn nhất. Đây là nhiệm vụ của quỹ xã hội vì khí hậu. Một sự cân bằng khó khăn, nhưng cần thiết.

Le Monde: Dự án thứ tư là “quỹ xã hội vì khí hậu”. Theo bà, nó có đáp ứng được nhu cầu dung hòa công bằng xã hội với quá trình chuyển dịch năng lượng không?

Hélène Gelas: Rõ ràng, vấn đề với loại quỹ này là mức độ tham vọng. Không chỉ đơn giản là thông báo suông, chúng ta phải đương đầu với nhiều thách thức. Sự dung hòa này là cần thiết, vì nó là một yếu tố quan trọng để thắng được sự ủng hộ của địa phương.

Ta không nên nghĩ rằng đây là nỗ lực vô ích, mà phải tạo cơ hội và hỗ trợ dự án. Việc thực hiện sẽ không đơn giản, vì các quốc gia thành viên phải đệ trình một kế hoạch xã hội vì khí hậu và giải pháp huy động tài chính. Hơn nữa, quỹ chỉ nên can thiệp một phần, còn phần còn lại nên được tài trợ. Cuối cùng, ta cần phải thống nhất định nghĩa trên toàn châu Âu và tại một quốc gia. Ví dụ như, thế nào là tình trạng bấp bênh; những đối tượng công dân hoặc hộ gia đình nào thuộc diện dễ bị tổn thương.

Le Monde: Chương trình “Fit for 55” của EU cũng sẽ chấm dứt hạn ngạch phát thải miễn phí cho một số lĩnh vực. Những công ty bị ảnh hưởng sẽ phản ứng thế nào với cập nhật này?

Hélène Gelas: Đây chẳng phải là điều bất ngờ đối với những công ty bị ảnh hưởng, vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời hạn sắp tới. Chưa kể, ta sẽ có những giai đoạn chuyển tiếp. Về mặt lý thuyết, bối cảnh hiện tại khá thuận lợi cho cho chương trình di dời địa điểm hoạt động công nghiệp. Ví dụ, “tái công nghiệp hóa” ở Pháp, là chủ đề trọng tâm trong những tuần tới, nhất là với dự luật Công nghiệp Xanh. Những luật mới này là một cơ hội để EU chuyển mình, vì biến đổi khí hậu và tình trạng khủng hoảng hiện tại không cho ta lựa chọn nào khác.

Nh.Thạch

AFP