Chiến tranh ảnh hưởng tới nguồn thu từ dầu mỏ ở Sudan như thế nào?

08:41 | 01/04/2024

|
(PetroTimes) - Việc đóng cửa đường ống dẫn dầu chiến lược ở Sudan do chiến sự, có nguy cơ làm cho nước láng giềng Nam Sudan mất ổn định. Nam Sudan là một trong những nước nghèo nhất thế giới, đang phải hứng chịu nhiều bất ổn và bạo lực chính trị-dân tộc kéo dài. Việc đóng cửa đường ống dẫn dầu làm cho nước này mất đi nguồn thu quan trọng để quản lý đất nước.
Chiến tranh ảnh hưởng tới nguồn thu từ dầu mỏ ở Sudan như thế nào?
Hệ thướng đường ống dẫn dầu ở Sudan. Ảnh Reuters

Một lá thư do Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Sudan gửi cho các đối tác Trung Quốc và Malaysia, thông báo rằng có "một vết nứt lớn" trong đường ống dẫn dầu thô từ Nam Sudan đến thành phố Port-Soudan.

"Vết nứt” này, bắt đầu từ tháng 2, xảy ra trong “khu vực hoạt động quân sự” của cuộcxung đột giữa quân đội tướng Abdel Fattah al-Burhane với Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (FSR, bán quân sự) của Tướng Mohammed Hamdane Daglo, từ ngày 15 tháng 4 năm 2023, theo nội dung bức thư mà hãng tin AFP tham khảo.

90% doanh thu

“Giải quyết những vấn đề này rất phức tạp, do điều kiện chiến tranh hiện tại” và “vì vậy, Chính phủ Sudan tuyên bố một tình trạng bất khả kháng, ngăn cản chúng tôi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển dầu thô vào và ra khỏi đường ống", Bộ trưởng kết luận.

Tình huống “bất khả kháng” chỉ một tình huống đặt biệt và chưa từng xảy ra đối với người bị ảnh hưởng, cản trở họ thực hiện hợp đồng.

Cho đến hiện tại, Chính phủ Nam Sudan vẫn giữ im lặng về tình tiết trên, tuy nhiên tin đồn đã làm cho sự cân bằng mong manh của nước này bị rung chuyển. Theo Ngân hàng Thế giới, ngành dầu mỏ đóng góp 90% doanh thu và chiếm gần như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của nước này.

“Khủng hoảng kinh tế sắp diễn ra”

Hôm thứ Ba tuần trước, nghị sĩ Boutros Magaya, người đứng đầu Phân ban Nghị viện về dầu mỏ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: “Chúng ta sắp phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, sau tuyên bố bất khả kháng của Chính phủ Sudan gần đây và việc đóng cửa đường ống dẫn dầu tại quốc gia này”, đồng thời ông cũng trích dẫn các báo cáo chỉ ra rằng "tình hình đóng cửa này có thể kéo dài trong khoảng thời gian một năm”.

Ông nói thêm: “Việc mất phần lớn thu nhập quốc gia khiến chúng ta phải đối mặt với một viễn cảnh đen tối về thảm họa nhân đạo, bất ổn chính trị và vấn đề bất ổn an ninh - thứ vốn đã mong manh tại đất nước ta”.

Theo ông Magaya, tổn thất này có thể lên tới ít nhất 100 triệu USD mỗi tháng (tương đương 92 triệu euro). Ông nhấn mạnh: “Điều này sẽ dẫn đến tổn thất doanh thu đáng kể, giá cả thị trường tăng, thiếu nhiên liệu, mất điện kéo dài, gián đoạn giao thông và các dịch vụ thiết yếu khác, ảnh hưởng đến phúc lợi của nhân dân".

Sự kiện này cũng có thể dẫn đến việc đồng tiền Nam Sudan bị mất giá. Ông Akol Maduok, Giám đốc Khoa kinh tế tại Đại học Juba nhấn mạnh: "Trong hai hoặc ba tháng tới, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, vì Ngân hàng trung ương có thể cạn kiệt ngoại hối dự trữ và không có khả năng cung cấp tiền mặt cho thị trường".

Đây là hậu quả mới của cuộc xung đột ở nước láng giềng Sudan, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và 8 triệu người phải chạy trốn trong năm qua.

Hơn 500.000 người trong số họ đã trốn chạy qua Nam Sudan, làm tình hình nhân đạo vốn đã bi đát trở nên tồi tệ hơn. Theo Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, khoảng 9 triệu người dân ở nước này cần được hỗ trợ.

Đe dọa bầu cử

Ông Boboya James Edison, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Chính sách Xã hội (ISPR), một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Juba, thủ đô của Nam Sudan, cảnh báo sự ổn định của đất nước này đang bị đe doạ.

Ông nhấn mạnh: “Chính phủ đã không trả lương cho công chức gần 9 tháng trước khi đường ống dẫn dầu chưa bị chặn", điều này gợi lên một kịch bản đáng báo động: "Nếu ống dẫn dầu ngừng chạy, chính phủ sẽ sụp đổ, khiến người dân xuống đường biểu tình và quân đội (những người cũng chưa được trả lương trong nhiều tháng) có thể cũng sẽ tham gia.

Nguồn lợi từ dầu mỏ ở nước này bị cắt xén. Nước này bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tham nhũng (thứ 177 trên 180).

Nước này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 12 tới vì đã bị hoãn lại nhiều lần, và vấn đề thiếu nguồn lực tổ chức có khả năng làm cho cuộc bầu cử này bị hoãn thêm, theo ước tính của ông Andrew Smith, nhà phân tích Châu Phi tại Công ty tư vấn đánh giá rủi ro Verisk Maplecroft.

Ông ước lượng: “Từ nay, tất cả nguồn tiền mà chính chủ nhận được để lấp đầy thâm hụt doanh thu từ dầu có lẽ sẽ được sử dụng để xoa dịu giới tinh hoa chính trị, chứ không phải để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vốn đã thiếu nguồn lực”.

Giám đốc điều hành Saudi Aramco: Chiến lược chuyển đổi năng lượng hiện nay là một thất bại!Giám đốc điều hành Saudi Aramco: Chiến lược chuyển đổi năng lượng hiện nay là một thất bại!
Mỹ tấn công vào “hành vi lãng phí” của ngành công nghiệp dầu khíMỹ tấn công vào “hành vi lãng phí” của ngành công nghiệp dầu khí
Phân tích diễn biến thị trường dầu thô thế giới tuần quaPhân tích diễn biến thị trường dầu thô thế giới tuần qua

Nh.Thạch

AFP