Châu Âu tài trợ 4,8 tỷ USD cho các dự án công nghệ sạch và hydro tái tạo

11:12 | 06/12/2024

|
(PetroTimes) - Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các khoản tài trợ, bao gồm 3,4 tỷ EUR (3,58 tỷ USD) dành cho các công nghệ giảm phát thải carbon và 1,2 tỷ EUR (1,26 tỷ USD) cho đợt đấu giá thứ hai của Ngân hàng Hydro Châu Âu, với tổng số tiền là 4,6 tỷ EUR (4,84 tỷ USD) từ Quỹ Đổi mới của Liên minh Châu Âu.
Châu Âu tài trợ 4,8 tỷ USD cho các dự án công nghệ sạch và hydro tái tạo
Hình minh họa

Một chương trình gọi vốn chung cho các công nghệ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (IF24) sẽ cung cấp 2,4 tỷ EUR để hỗ trợ “các dự án có quy mô khác nhau, cũng như các dự án tập trung vào sản xuất linh kiện cho năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, máy bơm nhiệt và sản xuất hydro”, EC cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài ra, một chương trình gọi vốn IF24 trị giá 1 tỷ EUR được dành riêng cho các dự án sản xuất pin cho xe điện (EV). IF24 Battery hỗ trợ “các dự án có thể sản xuất các tế bào pin EV sáng tạo hoặc triển khai các kỹ thuật, quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến”, theo thông cáo từ EC.

Cùng lúc đó, EC và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) đã công bố quan hệ đối tác cung cấp khoản bảo lãnh vay trị giá 200 triệu EUR từ Quỹ Đổi mới để tài trợ sản xuất pin thông qua chương trình InvestEU.

Khoản bảo lãnh này sẽ giúp các công ty “giải quyết những thách thức tài chính bằng cách hỗ trợ các khoản nợ mạo hiểm từ EIB trong vòng ba năm tới”, thông cáo chung cho biết.

“Hỗ trợ sẽ hướng tới nhiều công nghệ pin khác nhau, bao gồm phát triển vật liệu tiên tiến, sản xuất linh kiện hoặc các kỹ thuật tái chế sáng tạo”, EC và EIB nói thêm. “Quỹ sẽ ưu tiên các đổi mới công nghệ vượt xa các công đoạn lắp ráp pin cơ bản và không bao gồm các hoạt động khai thác và chiết xuất”, họ bổ sung.

Chủ sở hữu dự án có thời hạn đến ngày 24/4/2025 để nộp hồ sơ tham gia các chương trình IF24 chung và IF24 Battery.

Số tiền còn lại, 1,2 tỷ EUR từ tổng 4,6 tỷ EUR, sẽ được sử dụng cho vòng đấu giá thứ hai của chương trình tài trợ EU nhằm mở rộng quy mô sản xuất hydro.

“Với ngân sách tăng thêm 400 triệu EUR so với đợt đấu giá IF23 đầu tiên, chương trình đấu giá IF24 mới sẽ hỗ trợ các dự án sản xuất hydro tái tạo bất kể lĩnh vực tiêu thụ, với ngân sách dành riêng là 1 tỷ EUR, cũng như các dự án sản xuất hydro phục vụ ngành hàng hải, với ngân sách 200 triệu EUR”, EC cho biết.

Ngoài ngân sách khu vực cho chương trình đấu giá, ước tính khoảng 700 triệu EUR được cung cấp bởi Áo, Lithuania và Tây Ban Nha để tài trợ cho các dự án sản xuất hydro tái tạo không được chọn trong đấu giá lần thứ hai của Ngân hàng Hydro Châu Âu.

Ba quốc gia này sẽ sử dụng cơ chế “đấu giá như một dịch vụ” (Auctions-as-a-Service) của Ngân hàng Hydro Châu Âu. Cơ chế này cho phép các quốc gia chọn các dự án đã tham gia đấu giá nhưng không nhận được tài trợ từ EU. Nhờ đó, các quốc gia thành viên có thể chọn lọc các dự án để tài trợ bằng ngân sách nội địa mà không cần tổ chức một cuộc đấu giá riêng biệt.

Tây Ban Nha đang tài trợ từ 280 triệu đến 400 triệu EUR, sử dụng ngân sách từ Kế hoạch Phục hồi và Phát triển Bền vững (RRP). “Tổng mức hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào số tiền từ chương trình hỗ trợ nhà nước hiện có của quốc gia này dành cho các cụm và khu vực khai thác hydro, cũng được tài trợ từ nguồn RRP”, tuyên bố chung của ba nước và EC vào ngày 18/11 cho biết. Tây Ban Nha dự kiến sẽ xác nhận mức hỗ trợ cuối cùng vào mùa xuân năm 2025.

Áo cam kết chi 400 triệu EUR từ ngân sách quốc gia. Các nhà sản xuất được chọn sẽ nhận khoản tài trợ tối đa 200 triệu EUR cho mỗi dự án. Để đáp ứng đủ điều kiện, mỗi dự án phải có công suất tối đa 300 MW.

Lithuania đã phân bổ 36 triệu EUR từ Quỹ Hiện đại hóa EU. “Việc tham gia cơ chế Auctions-as-a-Service sẽ giúp nước này đạt mục tiêu quốc gia về 1,3 GW công suất điện phân và 129 kiloton hydro tái tạo mỗi năm vào năm 2030”, tuyên bố cho biết.

Các ứng viên có thời hạn đến ngày 20/2/2025 để nộp hồ sơ.

“Bằng cách đầu tư hơn 4,5 tỷ EUR vào các công nghệ sạch ngay từ đầu nhiệm kỳ, EC đang thể hiện cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon và hỗ trợ khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng”, bà Teresa Ribera, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách chuyển đổi công bằng và cạnh tranh của EC, cho biết.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với một nhóm ủy viên mới từ ngày 1/12.

UAE thành lập liên doanh về hydro tái tạoUAE thành lập liên doanh về hydro tái tạo
Úc công bố dự thảo Luật khuyến khích sản xuất hydro tái tạoÚc công bố dự thảo Luật khuyến khích sản xuất hydro tái tạo
Đức đẩy nhanh chứng nhận hydro tái tạo: Một bước tiến quan trọngĐức đẩy nhanh chứng nhận hydro tái tạo: Một bước tiến quan trọng

Nh.Thạch

AFP