Các thương nhân giảm giá bán dầu khi nhu cầu của Trung Quốc suy giảm

14:50 | 27/07/2020

|
(PetroTimes) - Các nhà sản xuất dầu như Iraq, Nga và UAE đang hạ giá dầu thô để có thể bán được vì nhu cầu từ thị trường châu Á còn yếu.
cac thuong nhan giam gia ban dau khi nhu cau cua trung quoc suy giam

Mới đây, hai lô dầu Basra Light của Iraq, mà BP và China National United Oil Corp đã phải bán với giá giảm sâu vì không tìm được khách hàng sẵn sàng mua. Trước đó, các lô dầu thô của Nga và UAE cũng phải giảm giá để tìm được người mua.

Thông tin này rất đáng lo ngại vì hầu hết các bài báo gần đây về Trung Quốc đều thể hiện sự lạc quan về công suất lọc dầu kỷ lục và mức nhập khẩu kỷ lục của nước này. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, các thông tin trái chiều đã bắt đầu xuất hiện, cho thấy cơn khát của nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đối với mặt hàng này có lẽ đang suy yếu dần.

Trước đó, những người mua dầu Trung Quốc đã dự trữ dầu thô giá rẻ kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, điều này đã đẩy giá thậm chí xuống thấp hơn so với cuộc chiến giá do Ả Rập Xê-út khởi xướng. Tuy nhiên, công suất kho chứa là có hạn và nhu cầu nhiên liệu tại thị trường trong nước không phục hồi nhanh và mạnh như nhiều người đã hy vọng.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể mở rộng kho chứa của mình để chứa nhiều dầu thô hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là vô tận. Và nếu nhập khẩu đang tăng nhanh hơn nhu cầu nhiên liệu trong nước, thì chỗ chứa này sẽ được lấp đầy, làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu thô.

Đây là tin xấu đối với các nhà sản xuất dầu lớn, vốn đã đặt hy vọng vào Trung Quốc, theo Bloomberg.

Tại Trung Đông, các nhà sản xuất gồm Iraq và UAE thậm chí đã nâng giá bán chính thức cho tháng 8 vì dự đoán nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng, song những gì họ đang nhận được hoàn toàn ngược lại.

Bloomberg lưu ý rằng, các nhà máy lọc dầu tư nhân đang bắt đầu giảm công suất sau khi đạt mức cao kỷ lục 14,08 triệu thùng/ngày hồi tháng Sáu.

Nhà máy lọc dầu nhà nước Sinopec cũng đang cắt giảm công suất vì tình hình lũ lụt.

Bình An

Bloomberg