Các nước OPEC hạ giá bán để cạnh tranh thị phần

14:35 | 25/10/2021

|
(PetroTimes) - Các nhà khai thác lớn trong liên minh OPEC+ như Ả Rập Xê-út, Iraq và Iran đang hạ giá bán dầu để tranh giành thị phần, trong bối cảnh nhiều khách hàng ráo riết mua gom dầu.
Các nước OPEC hạ giá bán để cạnh tranh thị phần

Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đang tích cực mua gom dầu thô để giải quyết cú sốc thiếu điện và khí đốt trước khi mùa đông đến. Trong khi đó, OPEC+ vẫn kiên định lập trường không bơm thêm dầu thô ra thị trường bất chấp lời kêu gọi của các khách hàng lớn.

Những yếu tố trên đang định hình lại thị trường, buộc các nhà sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông phải cân nhắc kỹ lưỡng giá bán chính thức cho tháng 11 để gia tăng thị phần.

Theo đó, Saudi Aramco đã giảm giá lô hàng giao tháng 11 cho châu Á khoảng 0,1 - 0,5 USD/thùng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng giảm giá lô hàng tới Tây Âu khoảng 0,5 - 1 USD/thùng và tới Địa Trung Hải khoảng 0,3 - 0,6 USD/thùng.

Đây là động thái chứng tỏ Aramco đã sẵn sàng cạnh tranh để giành thêm thị phần.

Trước đó, Aramco đã hạ giá bán chính thức đối với các lô dầu thô giao cho châu Âu từ tháng 9, cũng là tháng thứ hai mà OPEC+ bắt đầu tăng nguồn cung.

Trên thực tế, tổng lượng hàng mà Ả Rập Xê-út xuất khẩu sang châu Âu vẫn còn hụt khoảng 100.000 - 150.000 thùng/ngày so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Về phía Iraq, Công ty tiếp thị dầu mỏ nhà nước SOMO cũng đã hạ giá bán chính thức cho các lô dầu Basrah giao tháng 11 tới châu Á với mức giảm khoảng 0,4 - 0,5 USD/thùng.

Trong tháng 9, mức chênh lệch giữa dầu Basrah Light của Iraq và dầu Arab Medium của Ả Rập Xê-út đã tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Giới chuyên gia dự báo mức chênh lệch này sẽ duy trì trong tháng 11.

Trong một diễn biến khác, mặc dù ngành dầu mỏ của Iran còn bấp bênh do những diễn biến xoay quanh thỏa thuận hạt nhân, công ty dầu khí quốc gia NIOC vẫn quyết định hạ giá bán chính thức cho các lô hàng giao tháng 11 đến châu Á khoảng 0,35 - 0,4 USD/thùng.

Khoảng 2/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sẽ cập bến Trung Quốc, dù trên thực tế dữ liệu hàng hải cho thấy thị trường tiêu thụ nhiều dầu mỏ của Iran nhất là Malaysia, trung bình đạt khoảng 500.000 thùng/ngày trong hai tháng 7 và 8 vừa qua.

Ả Rập Xê-út: OPEC+ cung cấp thêm dầu cũng không giải quyết được khủng hoảng khí đốt Ả Rập Xê-út: OPEC+ cung cấp thêm dầu cũng không giải quyết được khủng hoảng khí đốt
OPEC+ khai thác dưới hạn ngạch, bất chấp lời kêu gọi tăng nguồn cung OPEC+ khai thác dưới hạn ngạch, bất chấp lời kêu gọi tăng nguồn cung
Tổng thống Nga: Hợp tác OPEC+ có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác Tổng thống Nga: Hợp tác OPEC+ có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác

Bình An