Các nhà máy lọc dầu châu Á đổ hàng tỷ USD vào hóa dầu

16:15 | 26/07/2023

|
(PetroTimes) - Ý tưởng về việc chuyển đổi năng lượng sang một hệ thống năng lượng chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời dường như mâu thuẫn với kế hoạch về một ngành công nghiệp lọc hóa dầu.
Các nhà máy lọc dầu châu Á đổ hàng tỷ USD vào hóa dầu

Tuy nhiên, đây là một mâu thuẫn bề ngoài: Năng lượng gió và mặt trời không thể tồn tại nếu không có quá trình lọc dầu và khí đốt. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc hiện đang tận dụng thực tế này.

Hãng Reuters mới đây đưa tin rằng, các nhà máy hóa dầu ở nền kinh tế số 2 thế giới đang đầu tư hàng chục tỷ USD để mở rộng khả năng sản xuất các sản phẩm cao cấp, được sử dụng trong ngành công nghiệp năng lượng gió và mặt trời.

Các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân đều vội vã khẳng định mình là nhà cung cấp các loại vật liệu như sợi carbon cho cánh tuabin gió, chất đàn hồi polyolefine cho các tấm pin mặt trời và polyetylen cho pin lithium-ion.

Phân khúc hóa dầu của ngành dầu khí trong nhiều năm đã được các nhà phân tích cũng như những người trong ngành coi là phần kinh doanh được đảm bảo duy nhất có cơ hội tồn tại lâu dài trong quá trình chuyển đổi, miễn là nó diễn ra theo đúng kịch bản của những người ủng hộ.

Ngay cả khi điện khí hóa mọi thứ có thể thực hiện được trên thực tế, thế giới vẫn sẽ cần các sản phẩm hóa dầu với số lượng lớn, kể cả vào năm 2050. Nhận thức được điều này, một số công ty lớn, đặc biệt là Aramco, đã sớm chuyển đổi để có được vị thế thuận lợi.

Hồi đầu năm nay, Aramco đã ký kết hai thỏa thuận với các nhà sản xuất hóa dầu Trung Quốc, một trong số đó đã được hoàn tất vào đầu tháng này. Theo đó, tập đoàn dầu khí nhà nước của Ả Rập Xê-út đã mua 10% cổ phần của Công ty Hóa dầu Rongsheng với giá 3,6 tỷ USD. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Aramco sẽ cung cấp 480.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho nhà máy lọc dầu Trung Quốc này trong thời hạn 20 năm.

Được biết, Aramco cũng đang thực thi các biện pháp nhằm tăng trưởng lĩnh vực này trong nước. Tháng trước, Aramco và TotalEnergies của Pháp đã ký một thỏa thuận xây dựng một khu liên hợp hóa dầu mới ở Vương quốc này, trị giá 11 tỷ USD.

Iraq, thành viên OPEC, cũng đang chú ý đến sự tăng trưởng trong lĩnh vực hóa dầu. Đầu năm nay, xuất hiện tin tức rằng dự án tổ hợp hóa dầu Nibras trị giá 8,5 tỷ USD đã xuất hiện trở lại trong các kế hoạch của chính phủ và công việc xây dựng có thể bắt đầu trong thời gian ngắn.

Nhiều quốc gia khác cũng mong muốn tăng cường công suất hóa dầu. Vào đầu năm nay, QatarEnergy đã phê duyệt dự án hóa dầu Ras Laffan, được thực hiện với đối tác Chevron. Dự án có giá trị ước tính khoảng 6 tỷ USD, là khoản đầu tư lớn nhất cho công ty năng lượng nhà nước Qatar và sẽ nâng công suất sản xuất polyetylen của Qatar lên gần 14 triệu tấn mỗi năm.

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cũng không đứng ngoài cuộc. Mangalore Refinery and Petrochemicals Limited (MRPL), công ty con của ONGC, gần đây đã báo hiệu sự thay đổi từ việc mở rộng công suất lọc dầu sang tăng cường năng lực hóa dầu.

Theo công ty, sự thay đổi, có thể tiêu tốn tới 5,7 tỷ USD, sẽ giúp MRPL "giảm thiểu rủi ro" trong một tương lai chuyển đổi năng lượng.

Hãng Reuters dẫn lời một nhà phân tích của Wood Mackenzie cho hay: "Công suất dư thừa và nhu cầu yếu đối với hóa chất hàng hóa, và các ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc như năng lượng mặt trời, xe điện là động lực chính để các công ty mở rộng sang các vật liệu cao cấp, hiệu suất cao".

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều chính sách của các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách bắt kịp Trung Quốc về năng lượng gió và mặt trời, cũng như xe điện... Đó thực sự là một giải pháp an toàn để "giảm thiểu rủi ro" cho tương lai của ngành và đảm bảo nhu cầu dài hạn đối với các sản phẩm dầu khí.

Bình An