Biến nhựa phế thải thành nhiên liệu
![]() |
Nhiên liệu được tạo ra từ nhựa thải loại |
Trong hai năm, kỹ sư tin học James Muritu đã có nhiều thử nghiệm. Nghiên cứu này đã giúp ông thành lập nên Progreen Innovations. Câu chuyện diễn ra ngay bên trong vườn nhà ông, nằm cách thủ đô Nairobi của Kenya tầm 50 km. Tại đó, có một lò lửa gắn nhiều thiết bị hình trụ và ống dẫn. Mùi nhựa cháy bốc lên nồng nặc. Ông James Muritu mô tả chi tiết quy trình như sau: “Chúng tôi đang đốt nhựa. Bộ điều khiển nhiệt độ cho biết đây là 500 độ C. Chất lỏng đi qua những đường ống này. Sau đó chúng tôi thu gom chúng tại đây. Ngay chỗ này có dầu thô chảy ra. Chúng ta có thể thấy, nó trông giống như những gì chúng ta lấy ra từ đất. Chất lỏng này sau đó sẽ được tinh chế để tạo ra nhiên liệu”.
Một phương pháp đầy hứa hẹn
Progreen Innovations có thể sản xuất đến 1.000 lít nhiên liệu mỗi tuần bằng phương pháp nhiệt phân mà không cần tiêu thụ điện. Nhiệt được lấy từ sinh khối, chất thải thực vật. Theo ông James, quá trình này tạo ra hai loại nhiên liệu: “Có loại xăng thay thế dành cho động cơ đốt ít, chẳng hạn như máy bơm nước, máy phát điện hoặc máy cắt cỏ. Và động cơ diesel thay thế, phù hợp cho động cơ diesel mạnh hơn, như ô tô. Tôi cũng sử dụng nhiên liệu cho chính tôi”.
Rác thải nhựa được thu thập từ các làng xung quanh và phân loại trước khi đốt. Điều này làm ông James Muritu tự hào, vì hệ thống của ông ngăn không cho những loại nhựa này bị thải ra môi trường. Tuy nhiên, phương pháp nhiệt phân vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
“Còn hơn là ném nhựa xuống biển”
Đây là nhận xét của ông Damien Guironnet - giáo sư hóa học tại Đại học Illinois của Mỹ: “Mục đích tái chế là biến nhựa thành nhựa. Vấn đề của phương pháp nhiệt phân là chúng ta cần sử dụng dầu, cần tạo ra nhựa, làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Sau đó, chúng ta mới biến phần nhựa này thành dầu. Đúng là chúng ta có thể sử dụng dầu nhiệt phân để sản xuất lại nhựa, nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn gây tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Và những gì liên quan đến năng lượng đều đồng nghĩa là giải phóng CO2 vào khí quyển. Tùy thuộc vào loại nhựa mà chúng ta sử dụng trong quá trình nhiệt phân, nhựa vinyl sẽ giải phóng khí HCL cực kỳ có hại cho môi trường. Vì vậy, tuy có những tiến bộ nhỏ này, nhiệt phân bằng sinh khối không phải là giải pháp, nhưng vẫn tốt hơn là ném nhựa xuống đại dương”.
Hiện nay, chỉ có 9% rác thải nhựa trên thế giới đã qua tái chế. Những người bảo vệ môi trường đồng ý: Giải pháp tốt nhất vẫn là hạn chế sản xuất. Chưa kể, nhiên liệu của Progreen Innovation vẫn chưa được bày bán trên thị trường. Trước tiên, chúng phải được Cục Tiêu chuẩn Kenya chứng nhận.
![]() |
![]() |
![]() |
Ngọc Duyên
AFP
- Nhóm nhà khoa học Nga đột phá chiết xuất hydro từ giếng khí đốt tự nhiên
- Hyundai và Pertamina phát triển hệ sinh thái hydro từ rác tại Indonesia
- Nhật Bản cung cấp công nghệ cao phục vụ cho ngành dầu khí Ả Rập Xê Út
- Trữ lượng hydro trắng toàn cầu khơi dậy một cuộc đua khai thác mới
- Trung Quốc xây dựng dự án điện hạt nhân chưa từng có