Anh tăng đầu tư dầu khí: Thuốc trị bách bệnh?

13:33 | 28/09/2022

|
Thủ tướng Vương quốc Anh Liz Truss có kế hoạch thúc đẩy sản xuất dầu và khí đốt mới ở Biển Bắc và dỡ bỏ lệnh cấm khai thác mỏ, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, ý tưởng đó khó có khả năng làm dịu bớt cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với vấn đề hóa đơn năng lượng tăng vọt, bà Liz Truss đã đưa an ninh năng lượng Anh làm trọng tâm trong các mục tiêu cần giải quyết của chính phủ. Mới đây, bà Liz Truss đã công bố áp trần hóa đơn năng lượng tiêu dùng trong 2 năm và chi hàng tỉ USD để hỗ trợ cho các công ty điện lực.

Chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra khiến chi phí nhiên liệu tăng vọt, Anh nói riêng và các quốc gia khác ở châu Âu nói chung, buộc phải thực hiện các biện pháp trị giá hàng tỉ euro để củng cố tài chính của các công ty điện lực và bảo vệ các hộ gia đình.

Anh tăng đầu tư dầu khí: Thuốc trị bách bệnh?
Thủ tướng Anh Liz Truss có kế hoạch thúc đẩy sản xuất dầu và khí đốt mới ở Biển Bắc

Bà Liz Truss cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến. Làm vỡ đá bằng nước áp suất cao và hóa chất, hoạt động khai thác khí đá phiến đã gây ra nhiều đợt địa chấn, khiến dân địa phương phản đối quyết liệt.

Đồng thời, dự kiến sẽ có hơn 100 giấy phép thăm dò dầu khí mới ở Biển Bắc được công bố vào tuần tới. Nhưng không có biện pháp nào trong số này sẽ có tác động ngay lập tức. Thông thường, sau giai đoạn thăm dò, một mỏ dầu khí mới cần 5-10 năm để bắt đầu khai thác, đòi hỏi cam kết cụ thể và lâu dài từ các doanh nghiệp.

Theo OEUK, từ nay đến năm 2030, nếu không có khoản đầu tư mới, Anh sẽ phải nhập khẩu khoảng 80% lượng khí đốt và khoảng 70% lượng dầu, so với mức 60% và 25% hiện nay.

Jon Clark - Trưởng ban Chiến lược và giao dịch dầu khí tại tổ chức tư vấn EY EMEIA Oil & Gas - cho biết: “Đợt cấp phép mới sẽ không giải quyết được vấn đề nguồn cung năng lượng trong một sớm một chiều”.

Trong những năm gần đây, nhằm giữ cam kết mục tiêu không phát thải ròng carbon trong năm 2050, hoạt động đầu tư vào các dự án dầu khí mới ở Biển Bắc đã chậm lại. Nhiều doanh nghiệp dần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để đáp ứng các mục tiêu chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải carbon.

Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt mức thuế 25% lên các nhà sản xuất ở Biển Bắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp và định hướng tập trung vào lợi nhuận của cổ đông trong thời gian hậu Covid-19.

Tương tự, các ngân hàng đã giảm đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải.

Theo Cơ quan công nghiệp ngoài khơi Offshore Energies UK (OEUK), sản lượng dầu và khí đốt của nước ở Anh đã giảm 2/3 trong 20 năm qua.

Cuộc chiến ở Ukraine và việc hạn chế nhập khẩu dầu khí từ Nga đã đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục, khiến các nước châu Âu tập trung củng cố an ninh nguồn cung và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

OEUK cho biết, từ nay đến năm 2030, nếu không có khoản đầu tư mới, Anh sẽ phải nhập khẩu khoảng 80% lượng khí đốt và khoảng 70% lượng dầu, so với mức 60% và 25% hiện nay.

Ông Nathan Piper - nhà phân tích thuộc Ngân hàng Investec - cho biết: “Duy trì và trẻ hóa vùng Biển Bắc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục các hoạt động khai thác và thăm dò, mở ra các chu kỳ cấp phép thường xuyên và có lịch trình hơn nhằm giúp các công ty của Anh phát triển triển vọng mỏ dầu khí và thực hiện kế hoạch khoan giếng. Nhìn chung, nếu có chính sách rõ ràng nhằm hỗ trợ đầu tư vào Biển Bắc, những công ty hoạt động mạnh trong khu vực này như Harbour Energy và Serica Energy sẽ tham gia tích cực hơn”.

Serica Energy cho biết sẽ xem xét tham gia vào các đợt cấp phép phù hợp với mô hình kinh doanh, đồng thời khẳng định doanh nghiệp “luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư”.

Anh tăng đầu tư dầu khí: Thuốc trị bách bệnh?
Một giàn khoan dầu ở Biển Bắc

Ông lớn dầu khí Shell (thuộc Vương quốc Anh) cho biết: “Chúng tôi đang làm việc hết mình để đánh bại thách thức trong việc giữ an ninh nguồn cung năng lượng của Anh. Điều này bao gồm việc đẩy nhanh phát triển và áp dụng các công nghệ tái tạo như điện gió ngoài khơi và tối ưu hóa tần suất sử dụng dầu khí trong toàn nước Anh. Chúng tôi tin rằng những điều đó hoàn toàn tương thích với mục tiêu không phát thải ròng của quốc gia”.

Theo OEUK, các cơ hội mới có thể tạo ra 26 tỉ bảng Anh (30 tỉ USD) vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí từ nay cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến (fracking), áp dụng từ năm 2019, đã đặt ra câu hỏi: Bao nhiêu khí đốt có thể được thu hồi?

Công ty khai thác dầu khí Cuadrilla (Anh) - nhà sở hữu các mỏ fracking lâu đời nhất - cho biết, công ty đã thăm dò được thêm một mỏ khí đá phiến tự nhiên mới, nhưng lệnh cấm fracking không cho phép công ty thử nghiệm lưu lượng.

Ông Francis Egan - Giám đốc điều hành của Cuadrilla - cho hay: “Gỡ lệnh cấm fracking là một động thái hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm an ninh nguồn cung toàn Vương quốc Anh và vượt qua được tình trạng khủng hoảng năng lượng hiện nay”.

Tập đoàn hóa chất và năng lượng khổng lồ INEOS đã gia hạn một gói thầu được thực hiện từ đầu năm 2022 để phát triển một địa điểm thử nghiệm khí đá phiến ở Anh nhằm chứng minh với chính phủ rằng quá trình fracking có thể được thực hiện một cách an toàn.

Ông Tom Crotty - Giám đốc INEOS - nói: “Vương quốc Anh cần khí đốt trong ít nhất 30 năm tới. Việc chúng ta nên sử dụng khí đốt của chính mình thay vì nhập khẩu từ nước ngoài là chuyện quá rõ ràng”.

Michael Grubb - giáo sư năng lượng và biến đổi khí hậu tại University College London - nhận xét: “Việc dỡ bỏ lệnh cấm fracking và việc thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí đầu tư trên quy mô lớn không giống nhau. Đá phiến là một nguồn tài nguyên phát triển chậm, gây tranh cãi và hữu hạn”.

Trước khi rời nhiệm sở, ông cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng ông không tin “fracking sẽ là liều thuốc chữa bách bệnh mà một số người đang đề xuất” để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đồng thời, các nhóm hoạt động xanh khẳng định, việc tìm kiếm các nguồn hydrocarbon mới đi ngược với mục tiêu khí hậu là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay cho đến năm 2050.

Các nhà phê bình cũng nhìn nhận, tăng sản xuất khí đốt có thể sẽ không xoa dịu giá năng lượng, vì thị trường thế giới quyết định giá cả.

Bà Georgia Whitaker - nhà vận động dầu khí của Tổ chức Green Peace - cho biết: “Tăng đầu tư hydrocarbon sẽ không làm giảm tiền hóa đơn, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường khí đốt đầy biến động hay giảm lượng khí thải carbon trên toàn Vương quốc Anh”.

Chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Úc Chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của Úc
Không đầu tư vào dầu khí sẽ là “con đường đến địa ngục của nước Mỹ” Không đầu tư vào dầu khí sẽ là “con đường đến địa ngục của nước Mỹ”
Tổng thống Nga Putin cấm chuyển nhượng tài sản dầu khí Tổng thống Nga Putin cấm chuyển nhượng tài sản dầu khí

Song Phương (tổng hợp)