Nigeria đặc biệt muốn hút đầu tư từ Trung Quốc
![]() |
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng sau lễ khai mạc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 9 năm 2024. Ảnh: AFP |
Tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Nigeria Tinubu đã tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) tại Bắc Kinh và có chuyến thăm cấp nhà nước tới nước này. Kể từ đó, hơn 200 công ty Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào Nigeria. Trong số này, 74 công ty đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực dầu khí.
Theo Jaafaru Yakubu, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Nigeria - Trung Quốc của Hạ viện Nigeria, điều này đánh dấu bước tiến lớn đối với ngành năng lượng nước này.
Vì sao Trung Quốc quan tâm đến Nigeria?
Trung Quốc hiện có nhiều nguồn cung dầu gần hơn, chẳng hạn như từ Nga và Trung Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự quan tâm ngày càng tăng của nước này đối với Nigeria không chỉ giới hạn trong dầu khí, mà còn bao gồm các dự án hạ tầng quy mô lớn và thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng tại quốc gia Tây Phi này.
Lauren Johnston, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Châu Phi và giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Sydney, nhận định: “Không có nhiều sản phẩm dầu khí của Nigeria được chế biến trong nước. Đây có thể là lĩnh vực mà Trung Quốc có thể giúp Nigeria tăng giá trị xuất khẩu, một cách tương đối dễ dàng”.
Mặc dù là nước khai thác dầu lớn nhất châu Phi, Nigeria vẫn phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu tinh chế. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thay đổi nhờ siêu nhà máy lọc dầu Dangote – do tỷ phú giàu nhất châu Phi Aliko Dangote sở hữu – với công suất 650.000 thùng dầu/ngày.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ Nigeria, nhưng việc đầu tư vào ngành dầu khí Nigeria có thể mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho cả hai bên, thay vì chỉ phục vụ thương mại với Trung Quốc.
Nigeria cần Trung Quốc để phát triển hạ tầng
Là nền kinh tế lớn nhất Tây Phi, Nigeria đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt hạ tầng nghiêm trọng. Chính phủ nước này đã phải nhờ đến Trung Quốc để tài trợ nâng cấp các cơ sở dầu khí, đường sắt, cao tốc và cảng biển.
Xuất khẩu dầu khí chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nigeria, nhưng do thiếu vốn đầu tư, sản lượng dầu đã giảm từ mức cao 2 triệu thùng/ngày trong những năm 1980 xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong những năm gần đây.
Bên cạnh nguồn tài nguyên dầu mỏ, Nigeria còn hấp dẫn các công ty Trung Quốc nhờ quy mô thị trường khổng lồ. Với hơn 227 triệu dân, Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi, đồng thời là thị trường tiêu dùng lớn nhất khu vực này, với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Yu Dunhai, Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria: “Nigeria là thị trường lớn nhất của các hợp đồng kỹ thuật Trung Quốc tại châu Phi. Nhiều công ty xây dựng Trung Quốc đang phát triển mạnh tại đây”.
Lợi ích của Trung Quốc khi đầu tư vào Nigeria
Theo Charlie Robertson, chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu châu Phi, các công ty và ngân hàng Trung Quốc thường có xu hướng đầu tư vào những nơi có dòng tiền ổn định. “Điều này có nghĩa là họ thích hợp tác với các công ty hoặc quốc gia có nguồn thu ngoại tệ đáng tin cậy. Các công ty dầu khí của Nigeria đáp ứng tiêu chí này”, ông nói.
Rõ ràng, với lợi thế về dầu khí và thị trường tiêu dùng rộng lớn, Nigeria đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Theo John Calabrese, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, sự quan tâm của các công ty Trung Quốc đối với Nigeria không chỉ đơn thuần là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, mà còn nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa quy mô lớn.
Ông cho biết, với các dự án như Khu công nghiệp Cách mạng Khí đốt Ogidigben, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đang góp phần định hình lại ngành năng lượng bằng cách tài trợ hạ tầng hiện đại và đặt nền móng cho sự phát triển công nghiệp đa dạng.
Tháng 1 năm nay, Alpha Grip Management Company (AGMC) – công ty con của tập đoàn Alpha có trụ sở tại UAE – đã hợp tác với Tập đoàn Kỹ thuật Hóa chất Quốc tế Trung Quốc (CNCEC) để phát triển, xây dựng và tài trợ khu công nghiệp trị giá 20 tỷ USD tại Ogidigben, bang Delta.
Ông Calabrese nhấn mạnh: “Ngoài lĩnh vực dầu khí, thỏa thuận hợp tác Nigeria - Trung Quốc còn mở ra cơ hội mở rộng sang các lĩnh vực khác như khai thác, giao thông và viễn thông, giúp Nigeria đa dạng hóa nền kinh tế với sự hỗ trợ từ Trung Quốc”.
Nigeria lo ngại về cán cân thương mại nghiêng về Trung Quốc
Dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, Nigeria ngày càng lo ngại về sự mất cân đối thương mại nghiêm trọng nghiêng về Bắc Kinh, theo Ovigwe Eguegu, chuyên gia phân tích chính sách tại Development Reimagined. Vấn đề này đã trở thành trọng tâm trong các cuộc họp song phương cấp Bộ trưởng gần đây, khi Chính phủ Nigeria tìm cách thay đổi mô hình xuất khẩu, chuyển từ việc bán nguyên liệu thô sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Eguegu cho biết: “Dầu khí và tài nguyên thiên nhiên là cách nhanh nhất để Nigeria tăng xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Chính phủ Nigeria đang nhấn mạnh vào việc chế biến khoáng sản, chẳng hạn như lithium. Hiện tại, một nhà máy tinh chế lithium có vốn đầu tư từ Trung Quốc đang được xây dựng tại trung tâm Nigeria.
Ngoài ra, Nigeria cũng đang triển khai dự án hydro xanh trị giá 7,9 tỷ USD với vốn đầu tư từ Trung Quốc. Dự án này dự kiến sẽ khai thác 1,2 triệu tấn methanol từ hydro xanh mỗi năm để xuất khẩu, ông Eguegu cho biết.
Cán cân thương mại và lợi ích chiến lược của Trung Quốc
Trung Quốc luôn duy trì thặng dư thương mại lớn với Nigeria do nước này phụ thuộc nhiều vào hàng hóa khai thác từ Trung Quốc, theo Lauren Johnston, chuyên gia về Trung Quốc - Châu Phi.
Năm 2023, Nigeria xuất khẩu dầu thô trị giá 43,5 tỷ USD, trong đó: 4,73 tỷ USD sang Mỹ, 4,38 tỷ USD sang Pháp và 3,73 tỷ USD sang Hà Lan. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô của Nigeria sang Trung Quốc chỉ đạt 409 triệu USD, còn khí đốt là 995 triệu USD, theo dữ liệu của Observatory of Economic Complexity (OEC).
Ngược lại, năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu sang Nigeria tới 18,9 tỷ USD hàng hóa, trong khi nhập khẩu từ Nigeria (bao gồm dầu khí) chỉ đạt 2,98 tỷ USD, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Bà Johnston cho rằng Trung Quốc vẫn muốn đầu tư vào Nigeria, bởi điều này không chỉ giúp cải thiện cán cân thương mại, mà còn tận dụng nguồn nhân lực và tiềm năng công nghiệp của quốc gia này. “Nigeria là một trong số ít quốc gia châu Phi có thị trường tiêu dùng nội địa lớn, đồng thời sở hữu hệ sinh thái công nghiệp và nhân tài quy mô đáng kể”, bà nhận xét.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP