Xung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giới

15:35 | 23/10/2023

|
(PetroTimes) - Cuộc chiến Israel-Hamas đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, có thể lôi kéo Iran và các phe phái khác trong khu vực.
Trung Quốc giữ vững “ngôi vương” nhập khẩu dầu thôTrung Quốc giữ vững “ngôi vương” nhập khẩu dầu thô
Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (16-21/10)Những con số về dầu khí đáng chú ý trong tuần (16-21/10)
Xung đột ở Trung Đông đe dọa an ninh huyết mạch dầu quan trọng nhất thế giới
Tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz

Các nhà phân tích và quan sát thị trường cho rằng cuộc xung đột có thể khiến Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, điều này có thể khiến Tehran thực hiện hành động trả đũa đối với các tàu đi qua eo biển Hormuz.

Tuần trước, cơ quan đăng ký quần đảo Marshall, một trong những cơ quan vận chuyển hàng đầu thế giới, đã cảnh báo các tàu có liên kết với Israel hay Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với mối đe dọa tấn công ngày càng cao trong vùng lãnh hải của Israel, Vịnh Trung Đông, eo biển Hormuz, Vịnh Ô-man và Khu vực Biển Đỏ.

Dưới đây là thông tin chi tiết về eo biển Hormuz:

Eo biển Hormuz

- Nằm giữa Oman và Iran.

- Nối Vịnh phía bắc của nó với Vịnh Ô-man ở phía nam và biển Ả Rập.

- Rộng 21 dặm (33 km) tại điểm hẹp nhất, với tuyến đường vận chuyển chỉ rộng 2 dặm (3 km) ở cả hai hướng.

- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê-út đã tìm các tuyến đường khác để vượt qua eo biển, bao gồm cả việc xây dựng thêm đường ống dẫn dầu.

Tại sao nó quan trọng?

- Khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới đi qua eo biển này hằng ngày. Dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa cho thấy trung bình 20,5 triệu thùng mỗi ngày (bpd) dầu thô, condensate và các sản phẩm dầu đi qua Hormuz trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023.

- Các thành viên OPEC là Ả Rập Xê-út, Iran, UAE, Kuwait và Iraq xuất khẩu phần lớn dầu thô của họ qua eo biển này.

- Qatar, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vận chuyển gần như toàn bộ LNG của mình qua Hormuz .

- Khoảng 80 triệu tấn, tương đương 20% lượng LNG toàn cầu đi qua eo biển này mỗi năm, Vortexa cho biết.

- “Nếu xung đột mở rộng, dẫn đến đóng cửa eo biển Hormuz - kênh vận chuyển dầu nhộn nhịp nhất thế giới - nó sẽ đóng cửa hoạt động buôn bán dầu mỏ trong khu vực này, khiến giá dầu tăng vọt", JP Morgan cho biết trong một lưu ý vào tuần trước.

Ngân hàng này cho biết thêm: “Điều quan trọng là mặc dù Iran đã đe dọa phong tỏa eo biển này trong nhiều năm nhưng nước này chưa bao giờ thực hiện”.

Tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ

- Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.

- Iran đe dọa sẽ làm gián đoạn các chuyến hàng dầu qua eo biển Hormuz nếu Mỹ cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế của nước này.

- Hạm đội thứ năm của Mỹ, có trụ sở tại Bahrain, được giao nhiệm vụ bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại trong khu vực này.

Căng thẳng gia tăng

- Quân đội Israel chuẩn bị tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas, làm tăng nguy cơ xung đột rộng hơn.

- Ngày 18/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt khác đối với Israel, nhưng các nguồn tin của OPEC đã bác bỏ kịch bản như vậy.

- Năm 1973, các nhà khai thác Ả Rập do Ả Rập Xê-út dẫn đầu đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với những nước phương Tây ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Ai Cập. Lệnh cấm vận này nhắm vào Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Anh và Mỹ.

- Trong khi các nước phương Tây là khách hàng chính mua dầu thô do các nước Ả Rập khai thác vào thời điểm đó, thì ngày nay châu Á là khách hàng chính mua dầu thô của OPEC.

Sự cố trước đây

- Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980-1988, hai bên đã tìm cách làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu của nhau trong cái gọi là Chiến tranh tàu chở dầu.

- Vào tháng 7/1988, tàu chiến Vincennes của Mỹ đã bắn hạ một máy bay chở khách của Iran, khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng, điều mà Washington nói là một vụ tai nạn và Tehran cho rằng đó là một cuộc tấn công có chủ ý.

- Đầu năm 2008, Mỹ cho biết tàu Iran đe dọa 3 tàu hải quân Mỹ ở eo biển này.

- Vào tháng 7/2010, tàu chở dầu M Star của Nhật Bản đã bị tấn công ở eo biển này bởi một nhóm chiến binh có tên là Lữ đoàn Abdullah Azzam.

- Vào tháng 1/2012, Iran đe dọa phong tỏa eo biển này để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào doanh thu từ dầu mỏ của nước này, nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

- Vào tháng 5/2015, các tàu Iran đã bắt giữ một tàu container ở eo biển này và bắn súng vào một tàu chở dầu treo cờ Singapore mà Iran cho rằng nó đã làm hư hại một giàn khoan dầu của họ.

- Vào tháng 7/2018, Tổng thống Hassan Rouhani ám chỉ Iran có thể làm gián đoạn hoạt động buôn bán dầu qua eo biển này, để đáp lại lời kêu gọi của Mỹ nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0.

- Vào tháng 5/2019, 4 tàu - trong đó có 2 tàu chở dầu của Ả Rập Xê-út - đã bị tấn công ngoài khơi bờ biển UAE gần Fujairah, một trong những trung tâm tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới, ngay bên ngoài eo biển Hormuz.

- Vào tháng 1/2021, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc ở vùng biển Vùng Vịnh và giam giữ thủy thủ đoàn của tàu này.

- Vào tháng 12/2022, quân đội Mỹ cho biết một tàu hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã áp sát tàu chiến Mỹ trong phạm vi 150 thước ở eo biển.

- Tháng 5/2023, Iran bắt giữ 2 tàu chở dầu khi đi qua eo biển này.

- Tháng 7/2023, hải quân Mỹ cho biết đã can thiệp để ngăn chặn Iran bắt giữ 2 tàu chở dầu thương mại ở Vịnh Oman. Một tuyên bố của hải quân Mỹ cho biết kể từ năm 2021, Iran đã "quấy rối, tấn công, bắt giữ gần 20 tàu buôn mang cờ quốc tế".

Yến Anh

Reuters