Wood Mac điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu

09:34 | 01/03/2024

|
(PetroTimes) - Wood Mackenzie đã điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm 1 triệu thùng/ngày xuống 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024, với nhu cầu tăng mạnh nhất đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Wood Mac điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu

Trích dẫn cuộc họp báo của Wood Mac tại hội nghị của Viện Năng lượng ở London, Phó Giám đốc nghiên cứu dầu mỏ của Wood Mac, Alan Gelder, tuyên bố dự báo của hãng phần lớn phù hợp với ước tính của OPEC trong năm nay.

Hồi tháng 1, Wood Mac cho biết họ dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục lập kỷ lục trong năm nay, tăng gần 2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, trong đó Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 25% mức tăng trưởng đó.

Ở thời điểm đó, Wood Mac dự kiến tổng nhu cầu dầu toàn cầu đạt trung bình 103,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, với phần lớn sự tăng trưởng đó diễn ra trong nửa cuối năm nay. OPEC dự kiến nhu cầu tăng trưởng 2,25 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến tăng trưởng chỉ 1,22 triệu thùng/ngày và đạt mức cao nhất vào năm 2030.

Mới đây nhất, Vitol Group, công ty kinh doanh độc lập lớn nhất thế giới, phát biểu tại hội nghị năng lượng ở London rằng nhu cầu dầu "vẫn còn tăng trong vài năm nữa… trước khi ổn định" vì quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra với tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.

Theo Giám đốc điều hành của Vitol, tổng nhu cầu dầu toàn cầu, khí tự nhiên và than sẽ đạt đỉnh muộn hơn dự kiến do quá trình chuyển đổi năng lượng đang tiến triển chậm hơn so với suy nghĩ ban đầu. Quan điểm của Vitol về nhu cầu dầu đạt đỉnh muộn hơn vài năm so với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh hơn và đã khẳng định trong nửa năm nay rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030.

Giá dầu giữ ổn định trong phiên giao dịch ngày 29/2, với nguồn cung vượt qua rủi ro địa chính trị ở Trung Đông do dữ liệu lạm phát tháng 1 của Mỹ cho thấy rằng vẫn còn dư địa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 6.

Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân của Mỹ (không bao gồm năng lượng và thực phẩm) đã tăng 0,3% trong tháng 1, trong khi lạm phát cơ bản (bao gồm năng lượng và thực phẩm) tăng 0,4%.

Những con số này có khả năng báo hiệu sự kết thúc của tình trạng giá hạ nhiệt, do đó có thể khiến Fed cắt giảm lãi suất nhanh hơn.

Bình An

OP/REU