Vietsovpetro là trường 'đại học" của tôi - Tiếp theo và hết

11:00 | 21/08/2022

|
(PetroTimes) - Có lần người ta phát hiện ra vết dầu bẩn trên cát tại khu vực bãi tắm Vũng Tàu. Chính quyền sở tại, với những lý do dễ hiểu, đã đưa ra cảnh báo và đến gặp chúng tôi khiếu nại. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng các biện pháp an toàn của mình, chúng tôi bác bỏ lời cáo buộc là Xí nghiệp Liên doanh có lỗi.
Vietsovpetro là trường Vietsovpetro là trường "đại học" Việt Nam của tôi
Công đoàn Vietsovpetro long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lậpCông đoàn Vietsovpetro long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
Vietsovpetro - Những tháng ngày gian khó - Tiếp theo và hếtVietsovpetro - Những tháng ngày gian khó - Tiếp theo và hết
Vietsovpetro là trường 'đại học
Ông V.S.VOVK

Chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn được bảo lưu, nhưng phần bao cấp của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đột ngột bị cắt giảm và các doanh nghiệp bây giờ phải tự lo đến việc tiêu thụ sản phẩm và lợi nhuận của chính mình. Chính điều này góp phần cải thiện thực sự các chỉ tiêu kinh tế và củng cố được vị thế đơn vị tiền tệ trong nước là đồng Việt Nam. Ngoài ra, chính sách đại đoàn kết dân tộc được thực hiện, những người trước kia di tản theo người Mỹ bắt đầu quay lại Việt Nam. Kinh doanh tư nhân nhỏ khởi sắc, xuất hiện các chi nhánh ngân hàng phương Tây và những đặc trưng thị trường khác. Hiện nay hợp tác quốc tế đã đa dạng hóa, nhiều công ty dầu khí quốc tế thuộc hàng lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong những năm hoạt động đầu tiên, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã buộc phải dựa vào chính các nguồn lực của mình và nguồn cung ứng từ Liên Xô. Các nhà cung cấp chính của chúng tôi lúc đó là Nhà máy Vyborg ở ngoại ô Leningrad, các nhà máy ở Astrakhan, Nikolaev trên sông Amur và Kerch. Cứ ba, bốn ngày lại có một chuyến tàu chuyên chở các vật tư, thiết bị cần thiết đến. Trong khuôn khổ các quan hệ đã thiết lập, mọi việc đều diễn ra bình thường. Phức tạp duy nhất mà chúng tôi gặp phải trong việc cung ứng là lệnh cấm vận của Mỹ, gây khó khăn cho việc cung cấp số thiết bị cần thiết từ các nước thứ ba. Tuy nhiên, phần thiết bị phải nhập khẩu cũng không đáng kể lắm.

Rắc rối bắt đầu nảy sinh khi các hợp đồng đã ký kết bị ngừng thực hiện. Liên Xô bắt đầu chịu đà suy thoái kinh tế, chu trình quản lý kinh tế bị phá vỡ. Thời điểm đó chúng tôi vấp phải những khó khăn lớn: Phải đưa tuyến đường ống vào vận hành, nhưng không có và không kiếm đâu ra lớp chống ăn mòn. Toàn bộ công tác sản xuất tại xưởng, công việc của các nhà thầu và nhà thầu phụ bị ngưng trệ do phải chờ đợi chi tiết nhỏ này. Lúc ấy mùa mưa bão đã đến gần, mọi công tác thi công xây dựng buộc phải hoàn tất vào tháng 9. Đành phải gạt các nhà cung cấp trong nước ra và tiến hành các đợt đấu thầu đầu tiên – việc mà chúng tôi còn chưa rành rẽ - và chọn nhà thầu cung cấp thiết bị.

Mặt khác, chúng tôi cố gắng trông cậy nhiều hơn vào ngành công nghiệp của địa phương, dù có đôi lúc ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Thật vậy, lần đầu tiên, khi đưa tàu Neftegaz – 28 đi sửa ở nhà máy sửa chữa tàu biển TP HCM, chúng tôi đã mua các phụ tùng cần thiết mang đến và lập biên bản bàn giao cho họ, thế nhưng các phụ tùng vẫn bị thất thoát. Nếu chúng tôi đưa tàu đi sửa ở Singapore thì chẳng phải bận tâm gì đến việc sửa chữa bên đó. Nhưng kết quả như các bạn thấy đấy: Bây giờ người Việt Nam đã biết đóng những giàn biển tuyệt vời.

Từ trước khi có những cải cách thị trường cơ bản nhất, chúng tôi đã quyết định tái tổ chức một phần và thay đổi cơ cấu quản lý nhằm giữ nguyên số biên chế tập thể Vietsovpetro khi xí nghiệp phát triển mạnh hơn. Lúc đó, Xí nghiệp Liên doanh có khoảng 6.500 cán bộ, công nhân viên. Chúng tôi lập tức tách khỏi các bộ phận phụ trợ. Các doanh nghiệp địa phương dần dần thay thế chúng tôi thâu tóm lĩnh vực ăn uống và dịch vụ (như dọn dẹp, giặt giũ và tẩy hấp), cung ứng, công việc bốc dỡ và xếp kho hàng hóa trong cảng. Thiếu mảng này thì công việc không trôi được, nhưng tất cả những dịch vụ đó làm chúng tôi mất tập trung vào công tác sản xuất chính và làm phình biên chế. Tuy nhiên, khi thực hiện các đợt cắt giảm biên chế, chúng tôi đã cố gắng đến mức tối đa để giữ lại chỗ làm việc cho người Việt. Chúng tôi tối giản nhiều phòng, ban có chức năng trùng lặp. Nhưng trong chiều hướng cắt giảm chung chúng tôi vẫn thuyết phục được các đối tác phía Việt Nam sự cần thiết phải thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế của riêng mình, bởi vì để phát triển kỹ thuật và công nghệ trong tương lai đòi hỏi phải có hệ thống hoạt động khoa học nhanh nhạy, chất lượng và hiệu quả đi kèm.

Chúng tôi đã nỗ lực tối ưu hóa công tác xây dựng mỏ Bạch Hổ bằng cách thay thế một số các giàn cố định đã thiết kế bằng các giàn nhẹ. Trong quá trình khoan, chúng tôi gia tăng độ lệch thân giếng. Các giàn tiêu chuẩn vốn thiết kế cho 16 giếng, chúng tôi đã triển khai 22 giếng. Chúng tôi triển khai áp dụng các phương pháp thi công công nghiệp trên biển, nghĩa là chế tạo các block-module trên bờ và chỉ việc lắp ráp các khối này ngoài khơi. Trong hai năm 1991-1992, mỗi mùa thi công chúng tôi đã xây dựng được hai giàn.

Tuy nhiên, theo tôi thì cuộc “cách mạng” lớn nhất đã bảo toàn cho hai nước chúng ta hàng tỉ đôla Mỹ là công trình xây dựng Tổ hợp xử lý dầu. Theo thiết kế xây dựng đầu tiên thì để thi công tổ hợp xử lý dầu cần phải lắp đặt 125km đường ống dọc biển, sau đó còn 42km dọc các ao đầm và đồng lúa trên bờ. Ngoài tổ hợp chính còn phải xây dựng nguyên một thị trấn cho công nhân xây dựng và công nhân vận hành ở, đắp ven sông một con đê lớn dài 11km, làm đường và các công trình ngầm trên đó. Tiếp đến, phải đào sâu lòng lạch, dẫu chỉ đủ để các tàu dầu cỡ nhỏ ra vào, thi công các trạm xuất dầu và lập kế hoạch lưu thông cho tàu thuyền, có tính đến các đợt thủy triều lên và xuống. Với sơ đồ công nghệ như thế, chúng tôi còn phải nghĩ cách chống lại việc dầu có hàm lượng paraffin cao bị đông đặc trong những đoạn ống ngầm dưới biển (nhiệt độ đông là 320C), tận dụng nước dằn của các tàu dầu, hệ thống làm sạch bùn đọng và các vật cản khác cho vùng nước tàu ra vào, chuyển sản phẩm đã xử lý từ tàu dầu nhỏ ra các tàu lớn hơn… Về tổng thể, chi phí thực hiện Dự án Tổ hợp xử lý dầu rất lớn - trên 1 tỉ USD. Thậm chí vào những thời buổi sung túc, kiếm được số tiền như thế cũng đã rất vất vả, huống nữa là vào năm 1989 thì việc này nhìn chung là bất khả thi. Ngoài ra, lúc đó ở Việt Nam chưa có Bộ Xây dựng Dầu khí, các đơn vị xây dựng thì ít ỏi và đơn sơ. Ai sẽ xây cất tất cả những công trình này đây?!

Nhận thức được mọi khó khăn phức tạp, sau khi phân tích sơ bộ, chúng tôi quyết định thử một sơ đồ tạm thời như sau. Bên cạnh mỏ, chúng tôi cho đặt ngoài biển tàu dầu Krưm tải trọng 150 nghìn tấn trên phao nổi, đóng cọc 700 tấn quanh tàu, chăng xích và gia cố tàu chắc chắn tại vị trí. Bằng cách đó, chúng tôi từ bỏ phương án xây dựng tổ hợp cố định xử lý dầu, dùng các tàu dầu cỡ lớn thực hiện chức năng của tổ hợp và tiết kiệm được cho hai nhà nước khoản tiền rất lớn. Chúng tôi chuyển sơ đồ tạm thời thành sơ đồ cố định và mua thêm 2 tàu dầu nữa của Na Uy.

Chúng tôi không chịu sự giám sát về kỹ thuật của Nhà nước hay ban, ngành chức năng, nói chung lúc đó ở Việt Nam chưa hề có những ban kiểm tra như vậy. Nhưng dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng việc kiểm tra là cần thiết cho bất kỳ ai, thậm chí cả với kỹ sư am hiểu công việc nhất. Như ở Liên Xô, chúng tôi có các phòng kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường thuộc các cục khác nhau, nhưng vì trực thuộc lãnh đạo các cục nên họ hoạt động chưa được hiệu quả. Trong khi đó chúng tôi cần có một hệ thống kiểm soát hiệu quả, vì khi sự cố xảy ra chúng tôi không thể trông mong gì vào các cơ quan chuyên trách trường hợp khẩn cấp được, vì chưa có các cơ quan này. Chúng tôi quyết định ghép hết tất cả những phòng kỹ thuật an toàn rải rác ở các cục trong Xí nghiệp Liên doanh thành

Ban Đảm bảo an toàn công tác, đảm nhận các chức năng của một ban kiểm tra giám sát và chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tổng giám đốc. Ông V.G.Kalinichuk, Anh hùng Lao động, kỹ sư khoan, làm việc từ thời V.I.Muravlenko, được bổ nhiệm làm Trưởng ban.

Chúng tôi trang bị cho ban thiết bị huấn luyện các loại và máy móc kỹ thuật tốt. Chúng tôi là một đơn vị đầu tiên trong ngành mua phao quây dầu, thiết bị của Đức dùng để bơm hút dầu tràn, xây dựng trên bờ một kho riêng chứa thiết bị cứu hộ sự cố. Để phục vụ nhu cầu tác chiến linh hoạt, chúng tôi đã xây một cầu tàu riêng, làm đường ray dẫn ra cầu tàu, thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện diễn tập cứu hộ sự cố. Các chuyên gia nước ngoài có mặt trong một buổi huấn luyện, sau khi thấy được năng lực của chúng tôi, đã đề nghị chúng tôi ký hợp đồng làm dịch vụ an toàn cho sản xuất của công ty họ. Dần dần, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã xây dựng được một ban an toàn lao động và bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Có lần người ta phát hiện ra vết dầu bẩn trên cát tại khu vực bãi tắm Vũng Tàu. Chính quyền sở tại, với những lý do dễ hiểu, đã đưa ra cảnh báo và đến gặp chúng tôi khiếu nại. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng các biện pháp an toàn của mình, chúng tôi bác bỏ lời cáo buộc là Xí nghiệp Liên doanh có lỗi. Chúng tôi lấy mẫu đem đi thử và xác định được rằng, nguyên nhân xuất hiện vết dầu đó không phải là do dầu thô, mà là sản phẩm dầu đã qua chế biến. Hóa ra có tàu dầu nào đó trước khi ghé vào Vũng Tàu đã rửa khoang tàu và vô tình hay cố ý, đem xả cặn dầu ra biển. Biến cố bất thường xảy ra như vậy đó.

Một lần, khi đang bơm dầu thì ống mềm cấp dầu lên tàu chở dầu bị tuột, nhưng nhờ camlock chất lượng tốt, nên khi ống bị sút, dầu bị chặn lại, không rơi vãi giọt dầu nào ra ngoài. Việc này phải cảm ơn nhà sản xuất thiết bị.

Trên toàn thế giới, dung dịch khoan đã dùng rồi thường được xả ra biển. Còn chúng tôi thì chuyển về bờ đưa vào kho chứa riêng. Quanh các giàn của chúng tôi, nước sạch đến độ cá bơi nhan nhản. Đó chính là bằng chứng khách quan nhất chứng minh môi trường sinh thái trong lành ở biển.

Việc bán dầu của chúng tôi là do Công ty Ngoại thương Việt Nam Petechim thực hiện. Chúng tôi đã lập một hệ thống kiểm soát gắt gao và đăng ký phương thức chất hàng rõ ràng. Có chuyên gia độc lập đến, xem xét các tàu dầu, kiểm tra các thiết bị đo, thực hiện các lần đo phù hợp. Doanh thu từ mỗi tàu dầu đã xuất bán được chia thành các khoản thanh toán đã quy định trong hợp đồng: 18% thuế tài nguyên, 25-35% số tiền còn lại chi dùng cho hoạt động phát triển xí nghiệp, sau đó là trả thuế lợi tức (trong những năm đầu hoạt động, Xí nghiệp không phải chịu thuế này), phần doanh thu còn lại chia đều cho hai nhà nước. Hoa hồng bán dầu là 0,2-0,3% doanh thu. Họ nhận tiền với tư cách nhà điều hành và phân chia tiền trả các khoản như trên. Thực tế chúng tôi và các đồng nghiệp Việt Nam xây dựng mối quan hệ tương hỗ theo tinh thần của hợp đồng phân chia sản phẩm.

Dù chỉ nhận được khoản hoa hồng rất nhỏ, Công ty Petechim cũng đã làm rất tốt công việc của mình. Họ là những nhân viên bán hàng đẳng cấp, đấu tranh dành từng đồng xu chân chính. Tôi mạn phép kể một trường hợp thế này: Thông thường, một nhân viên bán hàng giỏi ngay trong tháng Chín, thậm chí còn giỏi hơn, khi vào tháng Tám, đã ký kết được các hợp đồng sơ bộ bán dầu cho năm sau và các giao dịch định kỳ. Thế mà tháng Hai năm đó, khi chúng tôi hỏi về tình hình bán dầu thì được biết là hợp đồng vẫn chưa ký. Hỏi tới lãnh đạo công ty, thì hóa ra là khách hàng yêu cầu mua với giá 17,23USD/thùng, còn Petechim đòi giá mỗi thùng là 17,26USD. Mất một tháng rưỡi để đòi cho được 3cent. Cuối cùng bên Việt Nam thắng, nhân viên công ty thường nói với chúng tôi là họ học được cách buôn bán ở bên “Xuất khẩu dầu” của chúng tôi đấy.

Vietsovpetro là trường 'đại học
Giàn khoan của Vietsovpetro tại Mỏ Bạch Hổ

Trong suốt quãng thời gian hoạt động của mình, Xí nghiệp Liên doanh đã mang về cho mỗi phía hơn 8 tỉ USD lợi nhuận. Nhưng giá trị của xí nghiệp này không chỉ nằm trong con số lợi nhuận. Hiện nay, kinh nghiệm của Vietsovpetro có giá trị rất lớn, không chỉ về mặt kỹ thuật và công nghệ. Ngày nay, kinh nghiệm khai thác thềm lục địa chắc chắn là có tầm quan trọng đặc biệt. Và giá trị quan trọng nhất mà Vietsovpetro đã đem lại trong 30 năm hoạt động chính là đội ngũ cán bộ.

Tôi có một cuốn sách với tựa đề “Học thuyết biển”, là cuốn sách đại loại như một bộ luật biển không chính thức. Trong sách viết rằng, trường học về biển là một tổ hợp kiến thức mà bạn không thể có được trong các lớp học, bạn chỉ có thể học được trên biển mà thôi. Tiên đề này hoàn toàn đúng cả với quá trình khai thác dầu ngoài biển. Ngay cả bây giờ, sinh viên chúng ta cũng không có chỗ nào để đi thực tập, ấy vậy mà gần 10 nghìn chuyên gia đã kinh qua quá trình công tác tại Vietsovpetro hiện đang làm việc cho các dự án mới nhất trong thăm dò, khai thác thềm lục địa Việt Nam và Liên bang Nga. Tôi không hề cường điệu chút nào.

Tôi muốn dành những lời tốt đẹp để ca ngợi người Trưởng ban Cán bộ của chúng tôi – ông Nikolai Ivanovich Voronkov – cựu Trưởng ban Công tác Khoan, người đã từng là chuyên viên Phòng Công nghiệp, Ban Chấp hành Trung ương. Ông đã xây dựng được một cơ chế hoạt động tuyệt vời, khi mà những người làm công tác cán bộ không chỉ tiếp nhận người mới vào làm việc, mà còn bồi dưỡng, đào tạo trau dồi các cán bộ đang làm việc trong xí nghiệp, giúp họ trưởng thành. Và bây giờ, những người xuất thân từ Vietsovpetro hiện đang làm việc trong hầu khắp các công ty đang triển khai hoạt động tích cực trên thềm lục địa như LUKOIL, ROSNEFT, GAZFLOT, Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển Volgagrad, đó là tôi chưa kể đến Zarubezhneft. Còn ở Việt Nam, hầu như tất cả các cán bộ lãnh đạo của Petrovietnam, cựu cũng như tân, đều đã trải qua trường học của xí nghiệp khai thác dầu khí hiện đại và quản lý kinh doanh hiệu quả cao trong Vietsovpetro.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Vietsovpetro, tôi xin chân thành chúc mừng những người đã từng trải qua “trường học Vietsovpetro” và những người bây giờ đang lao động tại đây.

V.S.VOVK - Nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro

* Bài khai thác tư liệu