Vietsovpetro là trường "đại học" Việt Nam của tôi

17:01 | 20/08/2022

|
(PetroTimes) - Cho đến nay, ngành khai thác dầu khí biển ở các quốc gia thời hậu Xô Viết vẫn còn rất ít cán bộ có tay nghề, mặc dù thăm dò, khai thác thềm lục địa là ưu tiên số một trong phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Đại bộ phận kỹ sư thăm dò khai thác thềm lục địa Việt Nam hiện nay đã kinh qua “trường học” của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. May mắn thay tôi cũng vinh dự được trai qua lớp học này.
Vietsovpetro là trường

Ông V.S.VOVK

Tôi khởi đầu sự nghiệp Kỹ sư Dầu khí biển của mình tại Liên đoàn Địa chất biển Krưm thuộc Bộ Địa chất Liên Xô cũ. Cuối năm 1974, dù còn là một chuyên gia trẻ, tôi đã được chỉ định làm Đội trưởng phụ trách Đội Khoan biển – một đơn vị khá lớn, quy tụ gần 200 chuyên gia, một căn cứ đội tàu và các thợ xây dựng lắp ráp công trình biển. Chính ở đó tôi trải qua “trường học sơ khai” của mình.

Trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX, các mỏ dầu ngoài khơi ở vùng biển Caxpi do các xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Dầu dưới thời V.Đ.Sasin đứng ra khai thác. Trước khi thành lập Vietsovpetro đầu những năm 80, ngoài các xí nghiệp dầu, Bộ Địa chất Liên Xô cũng tiến hành khai thác thềm lục địa. Các đơn vị này tiến hành tìm kiếm tại vùng biển Azov và biển Đen, Liên đoàn Địa chất vùng Nam Sakhalin lúc đó mới thành lập đã bắt tay ngay vào nghiên cứu thềm lục địa Sakhalin. Thời gian này, Liên Xô cũng triển khai các dự án chung với các nước khác. Để hoạt động trên thềm lục địa biển Baltic, chúng tôi đã thành lập Xí nghiệp Liên doanh Petrobaltic gồm các phía tham gia là Ba Lan, Liên Xô, CHDC Đức và thực hiện một số hoạt động ở Bungary. Những năm 70-80, các chuyên gia địa chất thuộc Bộ Công nghiệp Khí dưới sự lãnh đạo của ông O.O.Seremeta đã thực hiện công tác đánh giá tài liệu thăm dò địa chất do các công ty nước ngoài tiến hành khảo sát trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, ngành khai thác dầu ngoài khơi của Liên Xô cũng chưa phát triển và chủ yếu là chưa có một tổ chức duy nhất để liên kết các đơn vị khai thác và thăm dò địa chất trên biển nằm rải rác ở các bộ khác nhau lại.

Ngày 24-8-1978, A.N.Kosưghin đã ký Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về việc thành lập Tổng cục Dầu khí biển trực thuộc Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô – một tổng cục chuyên về hoạt động dầu khí ngoài khơi và từ đó tất cả các xí nghiệp nêu trên đều nằm dưới quyền quản lý của Tổng cục. Tổng cục mới thành lập một liên hiệp để thực hiện các dự án thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở nước ngoài lấy tên là “Liên hiệp Công nghiệp dầu khí ngoài khơi nước ngoài”, khi ấy người ta vẫn gọi đùa là “Liên hiệp 26 chữ cái”.

Ngày 19-6-1981, Hiệp định Liên Chính phủ về việc thành lập một xí nghiệp liên doanh lấy tên là Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã được ký kết. Đơn vị này chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Dầu khí biển. Trong Hiệp định quy định Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô là đại diện phía Nhà nước Liên Xô, phía Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Tổng cục Dầu khí Việt Nam, sau này đổi tên thành Petrovietnam. Suốt 7 năm Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro nằm trong cơ cấu của Bộ Công nghiệp Khí. Đó là thời gian hình thành phức tạp nhất và chúng ta không được phép quên những đóng góp của Bộ Công nghiệp Khí lúc bấy giờ.

Nửa đầu thập niên 80 là giai đoạn khó khăn của những người làm dầu khí. Nhịp độ phát triển ngành công nghiệp dầu đi xuống, các chỉ tiêu kế hoạch kém đi. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí V.A.Đinkov được bổ nhiệm làm lãnh đạo ngành công nghiệp dầu. Về sau này, ông V.S.Checnômứcđin – người được điều về Bộ Công nghiệp Khí thay thế vị trí của ông V.A.Đinkov – có nhắc lại rằng, gần như chỉ trong một đêm, Tổng cục Dầu khí biển được chuyển từ Bộ Công nghiệp Khí sang Bộ Công nghiệp Dầu. Đó là vào cuối năm 1987 và việc chuyển đổi phải thực hiện xong trước ngày 1-4-1988.

Bộ Công nghiệp Dầu lúc đó cũng đã có Liên hiệp Kinh tế đối ngoại Nga Zarubezhneft và Liên hiệp Công nghiệp Dầu khí ngoài khơi nước ngoài được cơ cấu sang thành phần của Zarubezhneft. Lịch sử của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro dưới sự lãnh đạo của Zarubezhneft đã khởi đầu như vậy.

Vietsovpetro là trường
Vietsovpetro là trường "đại học" Việt Nam của tôi

Tôi đến Việt Nam năm 1984, sau 10 năm làm lãnh đạo phụ trách công tác phát triển mỏ ngoài khơi của Liên hiệp sản xuất Chernomorneftegazprom. Vietsovpetro đã bắt đầu thi công những giàn khoan đầu tiên, lãnh đạo xí nghiệp lúc đó là Đ.M.Mameđov. Tôi biết ông khi tôi còn là phó phụ trách công tác khoan của Liên hiệp Chernomorneftegazprom và ông cũng giữ chức vụ này tại Liên hiệp Caspmorneftgazprom. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau trong các buổi họp hàng quý. Ông là một kỹ sư giỏi, cần cù và là một người rất trí thức.

Tổng giám đốc thứ hai, ông Ph.G.Ajanov, là người có tư chất khác hẳn. Ông là một lãnh đạo rất khắt khe, khiến lúc đầu những người dưới quyền như chúng tôi thấy hơi lạ lẫm. Ph.G.Ajanov có thời là Chánh kỹ sư của Cục Dầu khí vùng Chiumen và chúng tôi cho rằng, cái nghiêm khắc trong lãnh đạo của ông có ảnh hưởng từ vị trí công tác trước đây. Khi đã quen với cách thức giao tiếp của ông, chúng tôi đánh giá cao những phẩm chất nghề nghiệp mà Tổng giám đốc của chúng tôi có. Ông khá nổi tiếng ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô và Bộ Công nghiệp Dầu. Tôi cho rằng, bằng nghị lực phi thường và ý chí bền bỉ, Ph.G.Ajanov đã đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Trong đợt công tác này, tôi trải qua một trường học khá khắc nghiệt. Lấy ví dụ, như tôi còn nhớ, chúng tôi đã triển khai thi công giàn đầu tiên của Vietsovpetro ngay sau buổi mít tinh kỷ niệm ngày chiến thắng. Chúng tôi rời tàu lên một sàn sắt trống, chịu gió giật hơn một ngày đêm vì biển có bão và vì thuyền viên không biết xoay xở làm sao.

Có lẽ, quan trọng nhất trong đợt công cán này của tôi là việc khoan giếng nổi tiếng trên giàn số 1, giếng đã phát hiện ra dầu trong tầng móng granite. Lúc đó tôi đang phụ trách mảng công tác khoan của Xí nghiệp Liên doanh.

Giếng đã được khoan sâu đến chiều sâu thiết kế. Như thường lệ thì việc còn lại là lấy mẫu từ đáy giếng lên. Chúng tôi khoan còn cách mức kế hoạch khoảng 20-30m, choòng khoan chưa mòn và chúng tôi quyết định khoan tiếp. Khi đã khoan đến tầng móng, phát sinh hiện tượng mất dung dịch khoan. Để ngăn chặn việc mất dung dịch, chúng tôi bắt đầu dùng các phương tiện sẵn có trong tay như vỏ trấu - khi nở trương trong nước, trấu sẽ lấp đầy các vết nứt và ngăn được sự cố.

Khi tất cả mọi việc đều ổn rồi, chúng tôi triển khai phân tích tình hình. Nếu dung dịch khoan bị mất như thế, nghĩa là có các vết nứt có khả năng chứa dầu. Khi bàn đến các công việc phải làm tiếp theo chúng tôi vấp phải những ý kiến trái ngược nhau. Một số chuyên gia địa chất giỏi đã phản đối việc khoan vào tầng móng, nhưng chúng tôi vẫn vừa liều vừa sợ, khoan sâu thêm khoảng hơn 20m nữa, “làm mòn” choòng, rồi thử vỉa… nhưng không thu được gì. Chúng tôi thử đi, thử lại nhiều lần mà vẫn không được: vỏ trấu chèn đầy trong packer. Chúng tôi trám xi măng giếng, lại thử, thu được lưu lượng dầu ở mức 86m3/ngày đêm từ tầng dầu Mioxen dưới vào, thời đó thì kết quả như vậy là khả quan và bình tâm lại.

Cũng trong thời gian đó, V.S.Chernomyrdin (sau này làm Thủ tướng Nga từ 1992-1998) sang thăm Việt Nam và đề nghị tôi về lãnh đạo Liên hiệp Chernomorneftegas, tôi đồng ý ngay. Trước khi về nước tôi đã khuyên người kế nhiệm là A.Funtov nên khoan giếng tiếp theo cho đến khi thành công mới thôi, vì tôi cho rằng trong tầng móng dứt khoát là có dầu.

Sau hai năm ở Việt Nam, thật tình mà nói, tôi rất vui được rời khỏi đất nước này, cũng như suy nghĩ của phần lớn các chuyên gia khác thời kỳ này. Vì ở đây công việc phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lịch công tác căng thẳng, mà lương thì quá ít.

Tôi lúc sắp được đề bạt làm Tổng giám đốc một xí nghiệp mà chỉ có 316 USD tiền lương, vừa vặn bằng lương của một chị tạp vụ ở Đại sứ quán hoặc Phòng Đại diện thương mại. Gia đình vợ con thì vẫn ở Liên Xô, mãi sau này vợ tôi và hai đứa con đang đi học mới sang được, mà cũng đứa bé sang trước, đứa lớn sang sau. Thông tin liên lạc thì quá tồi, thư từ chậm vài tháng, báo chí thì không. Ngày làm việc theo luật là từ 7giờ sáng đến 6giờ tối, nhưng thực tế ngày nào cũng đến cơ quan lúc 6giờ, 6 giờ 30 phút, mà đóng cửa ra về lúc 21giờ. Tôi còn nhớ, lúc đó chúng tôi đã có ăng ten vệ tinh để xem tivi nhưng chẳng khi nào tôi kịp về xem chương trình thời sự cả.

Hai năm tôi làm Giám đốc Liên hiệp Công nghiệp Dầu khí biển Đen, cũng như mọi người “an phận” khác, tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, vì điều kiện sinh hoạt đầy đủ, khí hậu tốt, công việc đúng ngành nghề. Nhưng năm 1988, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô V.I.Đolghich gọi tôi lên gặp và đề nghị tôi làm lãnh đạo Vietsovpetro.

Quay trở lại Việt Nam, tôi rất rõ, những khó khăn, thuận lợi nào đang chờ đợi tôi trên cương vị Tổng giám đốc. Từ năm 1981 đến hết năm 1988, không ít tiền tài vật lực đã đổ vào Xí nghiệp Liên doanh, ước tính khoảng 1.500 triệu USD. Các chuyên gia dày dạn nhất của ngành công nghiệp dầu khí và của các viện nghiên cứu khoa học đang khai thác thềm lục địa Liên Xô đã được biệt phái sang làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Từ khắp Việt Nam, những chuyên gia kỹ thuật công trình đã tốt nghiệp các trường địa chất và dầu khí Liên Xô, đã qua thực tập tại Liên Xô cũng được điều về Xí nghiệp. Tập thể Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro có trên 6.000 cán bộ công nhân viên. Các phía tham gia kỳ vọng Xí nghiệp Liên doanh hoạt động hiệu quả, nhưng niềm mong ước này chỉ có thể thực hiện được khi gia tăng đáng kể sản lượng khai thác dầu. Trong giai đoạn này, đáng tiếc là sản lượng khai thác dầu từ mỏ Bạch Hổ là rất khiêm tốn và với mức sản lượng như thế thì lẽ dĩ nhiên là hoạt động của Xí nghiệp Liên doanh không thể sinh lời được. Cần phải có những biện pháp thật cương quyết để thay đổi tình huống. Nếu không giải quyết được những vấn đề này, Xí nghiệp Liên doanh rất có thể sẽ bị giải thể do hoạt động kém hiệu quả và thua lỗ. Vì vậy, khi tôi trở lại làm việc, theo lẽ tự nhiên, tôi đã tìm hiểu ngay tình hình công việc ở giếng khoan thứ nhất. Lưu lượng giếng lúc đó là khoảng 7 tấn dầu/ngày đêm, giếng bị coi là “giếng khô”. Lần này, tôi đã có toàn quyền quyết định trong tay, không bị cấm cản gì nữa việc thử lại giếng số 1 mỏ Bạch Hổ, như lúc tôi về nước năm 1986. Tôi đã chỉ đạo lập kế hoạch khoan và tiếp tục thử giếng. Khoan hết một choòng, đo khảo sát địa vật lý không phát hiện được gì. Phải làm gì đây? – Phải khoan tiếp! Đến 3 giờ sáng có tiếng chuông điện thoại: “Giếng hoạt động rồi, áp suất gần 120at”. Ngay sáng hôm đó chúng tôi bay ra giàn, xem xét kỹ tình hình, nhanh chóng chuẩn bị và lắp đặt ống liên kết rồi đưa giếng vào khai thác trong tình trạng hiện thời của giếng: cùng cần khoan và chòng trong đó. Sau 1giờ, giếng cho lưu lượng 1.200 tấn dầu nguyên chất nhất. Chỉ 4 tháng sau chúng tôi đã chuyển được giếng từ sơ đồ khai thác tạm thời sang sơ đồ khai thác thường xuyên.

Phát hiện này lập tức thay đổi chiến lược tiếp theo. Chúng tôi hủy kế hoạch lập thiết kế khai thác vòm Bắc, ngừng ngay việc di chuyển các giàn từ vòm trung tâm sang xây dựng nơi khác, triển khai lập sơ đồ khai thác mới. Và như vậy, giai đoạn phát triển như vũ bão của Vietsovpetro đã bắt đầu.

Tôi trở thành Tổng giám đốc thứ ba của Xí nghiệp Liên doanh. Vào thời đó, theo Điều lệ của Xí nghiệp thì các vị trí quản lý cao nhất đã phải do người Việt Nam đảm nhận. Ngay lúc đó chính các bạn Việt Nam cũng chưa dám mạnh dạn đảm đương, nhưng lại rất tích cực giúp đỡ chúng tôi làm việc, vì họ thấy rằng chúng tôi cố gắng làm việc không phải vì lo sợ mà vì lương tâm. Chính quyền các cấp hỗ trợ chúng tôi giải quyết ngay các vấn đề từ sản xuất cho đến sinh hoạt ngay khi chúng tôi yêu cầu lần đầu. Tôi thường xuyên phải làm việc với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Đỗ Mười không bao giờ triệu tập chúng tôi đến gặp mình, cứ khoảng ba tháng ông lại thân chinh đến Vũng Tàu một lần và luôn luôn đáp ứng những yêu cầu của chúng tôi. Lãnh đạo các cấp Việt Nam rất quan tâm đến số phận của Vietsovpetro. Nguyên do là vào những năm cuối của thập niên 80, trong phát triển kinh tế Chính phủ Việt Nam đã đầu tư nhiều vào các ngành năng lượng như dầu mỏ và than, nhưng vì ngành than không đáp ứng được kỳ vọng nên hoạt động của chúng tôi tại vùng mỏ Bạch Hổ có ý nghĩa to lớn đối với người Việt Nam.

Đương nhiên chúng tôi biết rằng, mọi vấn đề chủ chốt để phát triển Xí nghiệp Liên doanh đều được báo cáo và thông qua ở cấp cao nhất. Cá nhân tôi cho rằng, việc thông qua một quyết định không dễ dàng đối với Việt Nam lúc đó là giành toàn bộ doanh thu bán một triệu tấn dầu đầu tiên cho Xí nghiệp Liên doanh để phát triển xí nghiệp là một minh chứng cho sự sáng suốt và tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong Hiệp định Liên Chính phủ ký ngày 16-7-1991 về việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, xí nghiệp đã được hưởng những quy định ưu đãi về thuế: Trong năm hoạt động đầu tiên được miễn thuế hoàn toàn, trong năm hoạt động tiếp theo - hưởng mức ưu đãi là 50%.

Giữa các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam hình thành nên mối quan hệ nồng ấm, chân tình, mọi người đối xử tốt với nhau không chỉ trong công việc mà còn trong đời thường – đến chơi nhà nhau, khi trong nhà có việc gì vui họ cũng mời chuyên gia Nga đến chơi… Giữa chúng tôi đã gắn kết một tình hữu nghị quốc tế thực sự, không hề nửa vời.

Các mối quan hệ có thay đổi ít nhiều khi bên chúng ta giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô và tiến hành cải tổ theo hướng thị trường, mà ở Việt Nam vẫn duy trì chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo…

V.S.VOVK - Nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro

(Xem tiếp kỳ sau)

* Bài khai khác tư liệu

Công đoàn Vietsovpetro long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lậpCông đoàn Vietsovpetro long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập
Vietsovpetro - Những tháng ngày gian khó - Tiếp theo và hếtVietsovpetro - Những tháng ngày gian khó - Tiếp theo và hết
Vietsovpetro - Những tháng ngày gian khó (Kỳ 1)Vietsovpetro - Những tháng ngày gian khó (Kỳ 1)
Vietsovpetro: Vững vàng trong giai đoạn mớiVietsovpetro: Vững vàng trong giai đoạn mới