Ưu đãi ở Bắc Cực của Nga có đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

10:28 | 06/08/2020

|
(PetroTimes) - Ý tưởng về việc cho phép các nhà đầu tư tư nhân khai thác tại thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga đã được thảo luận từ lâu. Bây giờ ý tưởng này đang được khơi lại.

Trong cuộc họp báo với hãng thông tin Interfax gần đây, Phó Thủ tướng, Đại diện toàn quyền Tổng thống LB Nga tại vùng Viễn Đông và Bắc Cực Yuri Trutnev thông báo, các cơ quan chức năng nhà nước gần như đã giải quyết được những bất đồng về mặt luật pháp trong tự do hóa tiếp cận vùng Bắc Cực, chỉ còn tồn tại sự khác biệt giữa Bộ Năng lượng và Cơ quan chống độc quyền liên bang (FAS).

Ông Trutnev cho biết đã đề xuất trong quá trình thành lập một tập đoàn phụ trách khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên ở thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga, nhà nước sẽ nắm giữ 25%+1 cổ phần, Bộ Năng lượng sẽ nắm giữ 50%+1 cổ phần. Ông cũng cho biết thêm, việc tiếp nhận đơn đăng ký trở thành công dân Bắc Cực sẽ bắt đầu từ ngày 28/8 tới đây. Ngoài ra, ông Trutnev thừa nhận, tình hình kinh tế vĩ mô của Nga hiện nay không thuận lợi cho sự phát triển của thềm lục địa Bắc Cực, nhưng nếu các dự luật có liên quan được thông qua, điều này sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư đã được hứa những gì?

uu dai o bac cuc cua nga co du hap dan nha dau tu nuoc ngoai

Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực cho biết, nhờ áp dụng gói các luật về hệ thống ưu đãi, vùng Bắc Cực Nga đang trở thành đặc khu kinh tế lớn nhất thế giới với diện tích gần 5 triệu km2 với một loạt các ưu đãi cạnh tranh cho các nhà đầu tư.

Được biết hệ thống ưu đãi dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/8 sẽ cung cấp những ưu đãi cho các dự án mới gồm: thuế khai thác tài nguyên bằng 1/2 mức hiện thuế hiện hành áp dụng cho các mỏ khai thác mới trong vòng 12 năm (từ ngày 1/1/2021 đến 31/12/2032). Tuy nhiên, tổng mức ưu đãi sẽ không được vượt quá khối lượng đầu tư tư nhân vào đảm bảo cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất, tinh chế tài nguyên. Bên cạnh đó, những ưu đãi phi thuế quan cũng được áp dụng cho các công dân Bắc Cực. Ví dụ, có thể áp dụng đơn giản hóa thủ tục hải quan trên diện tích đất của công dân Bắc Cực. Điều này mở ra cơ hội nhập khẩu thiết bị miễn thuế và xuất khẩu thành phẩm đối với các nhà đầu tư tại đây.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho hoạt động đầu tư và hoàn trả một phần các khoản vay bằng thu nhập từ trái phiếu nếu nhà đầu tư phát hành trái phiếu như một hoạt động của dự án đầu tư.

Một công dân Bắc Cực thậm chí có quyền nộp đơn cho Tập đoàn Phát triển Viễn Đông để đại diện cho lợi ích của mình nếu có tranh chấp với chính quyền liên bang. Để thuận tiện cho các dự án đầu tư tại thềm lục địa Bắc Cực, công tác kiểm định môi trường nhà nước sẽ thực hiện đồng thời với công tác thiết kế của dự án. Điều này được dự đoán sẽ rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 60 đến 75 ngày cho dự án đầu tư.

Tất nhiên, tất cả các chính sách ưu đãi thực tiễn nêu trên có thể được tính là một giải pháp hiệu quả thu hút các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài, sở hữu công nghệ tiên tiến và nguồn tài chính lớn cho các hoạt động tại thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trutnev đã không đề cập đến tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn hiện nay. Kinh tế thế giới bất ổn định vì đại dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt của Mỹ/EU nhằm vào Nga cũng như biến động mạnh giá dầu. Đây không phải là thời điểm thuận lợi mà phía Nga có thể dễ dàng tìm được nhà đầu tư, đặc biệt là khai thác ở thềm lục địa Bắc Cực.

Theo Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia (NIK) Sergei Pravosudov, vấn đề nằm ở chỗ thực tế không có khu vực tự do nào tại thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga. Phần lớn diện tích đã được chia cho Rosneft và Gazprom. Hai tập đoàn này đang nỗ lực thu hút các công ty nước ngoài, nhưng dưới tác động của các lệnh trừng phạt chống Nga, các đối tác này tạm thời từ chối hợp tác. Theo ông Trutnev, Nga sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu vực còn sót lại tại đây. Nhưng một điều chắc chắn là với giá dầu hiện tại, các công ty nước ngoài sẽ không xếp hàng hợp tác với Nga. Phía Nga chỉ có thể thu hút các tập đoàn, công ty không hỗ trợ các lệnh trừng phạt, nhưng hiện tại không có công ty nào. Hơn thế nữa, chi phí khai thác dầu thô tại Bắc Cực rất cao. Điều này một lần nữa đưa chúng ta quay trở lại vấn đề giá dầu thấp, trong đó các hoạt động khai thác dầu khí tại Bắc Cực hoàn toàn không có lợi. Có lẽ tốt hơn hết là đợi cho đến khi tình hình thị trường dầu khí có nhiều khởi sắc hơn.

uu dai o bac cuc cua nga co du hap dan nha dau tu nuoc ngoai

Xét về khía cạnh công nghệ khai thác dầu ở Bắc Cực, theo chuyên gia Sergei Pravosudov, tại thềm lục địa hiện nay đã có giàn khai thác Prirazlomnoye của Gazprom Neft hoạt động. Để xây dựng được giàn khai thác này, Gazprom Neft đã phải nhập khẩu các thiết bị và công nghệ tiên tiến nước ngoài. Do đó, để khai thác dài hạn nguồn tài nguyên Bắc Cực sẽ phải tính đến việc hợp tác với nước ngoài về mặt công nghệ. Song song với đó là cần phải phát triển nội địa hóa, tiến tới thay thế các thiết bị và công nghệ nằm trong danh sách bị cấm vận. Vấn đề là với giá dầu hiện nay, khai thác dầu tại Bắc Cực không có lãi, song triển vọng là có. Các dự án đóng tàu đang được thực hiện tại thềm lục địa Bắc Cực, trong đó có việc xây dựng các giàn khoan, giàn khai thác. Phát triển thềm lục địa Bắc Cực vốn là vấn đề khó, nhất là trong điều kiện Nga bị Mỹ/EU cấm vận. Cộng thêm điều kiện giá dầu thấp thì phương hướng thu hút đầu tư tại thời điểm này không phải là tối ưu.

Nga mở cửa Bắc Cực để làm gì?

Chắc chắn ý tưởng cho phép nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tiếp cận khu vực Bắc Cực phải được kiểm soát bởi các cơ quan nhà nước Nga. Bộ Phát triển kinh tế đã đề xuất sử dụng công cụ đặc biệt để kiểm soát hoạt động này. Đó là một tổ chức, doanh nghiệp sẽ đại diện cổ phần nhà nước trong các dự án ở thềm lục địa Bắc Cực. Trước đây đó là Rosshelf và bây giờ là Quỹ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực. Bất kỳ công ty nước ngoài nào muốn hoạt động tại thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga phải tính đến thực tế là trong bất kỳ dự án nào, một phần cổ phần sẽ nằm trong Quỹ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực. Quỹ này sẽ được điều hành bởi một ủy ban đặc biệt của chính phủ, đứng đầu là Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhiều khả năng các biện pháp như vậy sẽ trở thành "bộ lọc" để có thể lọc bỏ các công ty nước ngoài vi phạm pháp luật Liên bang Nga hay các điều khoản của hợp đồng. Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nguồn tài nguyên Bắc Cực thuộc Nga không chỉ dừng lại ở thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khai thác tài nguyên ở thềm lục địa cần những công nghệ đặc thù. Do đó, phía Nga cần các nhà đầu tư có tiềm lực và năng lực về công nghệ.

Chuyên gia Aleksei Fadeev của Viện các vấn đề kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga mang tên Luzina cho biết, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, hợp tác quốc tế có thể là chìa khóa cho phát triển công nghệ khai thác tài nguyên ở Bắc Cực. Phó Thủ tướng Trutnev chỉ đơn giản là đề xuất sử dụng mô hình của Na Uy mà trong 40-50 năm đã biến một đất nước chủ yếu phụ thuộc vào ngành đánh cá trở thành một đế chế quyền lực trong phát triển các mỏ dầu khí ngoài khơi. Các hoạt động dầu khí ngoài khơi ở nước này cơ bản nằm trong khuôn khổ của một tập đoàn đại diện nhà nước. Ở Na Uy, không có một mỏ dầu khí nào chỉ được phát triển bởi một nhà điều hành duy nhất. Tập đoàn Equinor (trước đây là Statoil) của Na Uy có thể nắm giữ ít nhất 51% trong dự án phát triển, bên cạnh việc kêu gọi các đối tác khác tham gia dự án. Tất cả điều này được thực hiện để phân phối gánh nặng tài chính, chia sẻ các rủi ro và thu hút các mô hình thực tiễn tốt nhất thế giới trong ngành dầu khí. Một mô hình như vậy có thể được áp dụng tại Nga, tất nhiên chỉ với điều kiện hợp tác trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Liên bang Nga.

Chuyên gia Fadeev cho biết, Na Uy đã nhận được các công nghệ dầu khí hiện đại do thực hiện chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Bất kỳ công ty nào tham gia khai thác tại thềm lục địa của Na Uy đều có nghĩa vụ phải xây dựng liên doanh với các công ty Na Uy và sử dụng các nguồn lao động địa phương. Bất kỳ kết quả nghiên cứu phát triển (R&D) nào của liên doanh cũng sẽ trở thành tài sản trí tuệ nhà nước. Trong quá trình phát triển mỏ, Na Uy đã tích cực thu hút ngành công nghiệp địa phương và phát triển các khu vực ven biển, để đạt được những hiệu quả theo cấp số nhân. Ví dụ như các nghiên cứu cho thấy, trong một dự án, doanh thu của ngành chế tạo máy địa phương cao gấp 2 lần doanh thu bán dầu mỏ. Ở Na Uy cũng áp thuế đối với khai thác dầu, nhưng tổng kết lại thì loại thuế này không cản trở các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu công tác khảo sát và thẩm định cho kết quả giếng khô, nhà nước sẽ bồi thường tới 80% chi phí hoa hồng. Điều này kích thích các công ty khảo sát tại thềm lục địa.

Các biện pháp cấm vận đối với các công ty năng lượng của Nga ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hút đầu tư các công ty Phương Tây vào Nga, trong đó có Na Uy. Các công ty Na Uy muốn hoạt động tại Nga nhưng bị giới hạn bởi các biện pháp cấm vận. Trong hoàn cảnh đó đã kích thích phát triển thị trường dịch vụ dầu khí quốc gia. Một số nghiên cứu và sáng chế của Nga không thua kém các nghiên cứu của thế giới mà thậm chí còn vượt trội hơn ở một số mặt cụ thể. Tại Nga đang phát triển các thiết bị, công nghệ thay thế nhập khẩu cho các hoạt động thăm dò địa chấn, công nghệ xây dựng giếng, công nghệ bơm ép. Tất nhiên có cả chuỗi các hoạt động kinh tế cần tính đến nghiên cứu khai thác, song các lệnh trừng phạt đã tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận thị trường công nghệ cao của các công ty Nga.

Kế hoạch dài hạn của Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực

Chuyên gia phân tích của hãng phân tích thị trường A-Market Artem Deev cho biết, việc cung cấp quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên trên thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga cho các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả ở nước ngoài, là một sáng kiến phù hợp với ngành dầu khí Nga. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, nó đang gặp phải trở ngại như khủng hoảng đại dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt đối với Nga, giá dầu thấp sẽ không cho phép thu hút công nghệ, nhân lực và vốn cần thiết cho việc thăm dò và phát triển tài nguyên mới ở Bắc Cực trong tương lai gần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải từ bỏ ý định phát triển thềm lục địa Bắc Cực. Sản xuất dầu khí tại Bắc Cực là cần thiết để duy trì sản xuất dầu khí của Nga trong dài hạn.

Sản lượng dầu dễ thu hồi tại các mỏ đang khai thác tại LB Nga đã giảm, chỉ còn lại các nguồn tài nguyên khó khai thác, bao gồm các tài nguyên ở thềm lục địa, nơi cần các công nghệ tiên tiến nhất và đầu tư quy mô lớn. Vì vậy, Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực đề xuất cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tài nguyên tại đây.

Sự tự do hóa thềm lục địa Bắc Cực ở LB Nga đang phản ánh những gì đang xảy ra trên thế giới. Sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như các biện pháp trừng phạt ngăn chặn truy cập vào thị trường thiết bị, công nghệ cao đối với Nga dường như sẽ còn lâu dài. Điều này có nghĩa là Nga cần tìm kiếm các giải pháp ưu đãi để giữ cho ngành dầu khí của mình ở trạng thái tốt, đặc biệt là trong dài hạn, trong đó có phát triển các khu vực khó khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.

Nhận định

Thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga được xác định là khu vực chiến lược, có tiềm năng tài nguyên dồi dào đối với sự phát triển của ngành năng lượng Nga trong dài hạn. Một chiến lược phát triển vùng Viễn Đông và Bắc Cực phù hợp sẽ giúp nền kinh tế Nga có thêm động lực quan trọng, đồng thời nâng cao vai trò và ảnh hưởng của Nga tại toàn Bắc Cực - Bắc Băng Dương, nơi đang và sẽ là trung tâm của các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên giữa các cường quốc. Phát triển khu vực Bắc Cực thuộc Nga trở thành một đặc khu kinh tế lớn với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài là một giải pháp hợp lý để thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ cao nước ngoài trong phát triển khu vực này. Với vị trí nằm dọc theo tuyến đường hàng hải phương Bắc kết nối châu Á và châu Âu, khu vực Bắc Cực tại Nga cũng hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm thương mại, logistics toàn cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Nga còn gặp nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận kinh tế, công nghệ của Mỹ/EU kéo dài và nhất là suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm đầu tư vào các ngành năng lượng truyền thống vì Covid-19 khiến kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài tại Nga gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai, thậm chí là bất khả thi. Ngay cả trong trường hợp đầu tư năng lượng toàn cầu hồi phục sau đại dịch, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Nga vào thềm lục địa Bắc Cực cũng sẽ gặp phải không ít rào cản: Các lệnh cấm vận tiếp cận tài chính, công nghệ cao của Mỹ/EU kéo dài, trong khi khai thác tài nguyên ở Bắc Cực đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và những công nghệ tiên tiến nhất; Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng trong thời gian đại dịch, nhất là tại khu vực Liên minh châu Âu - đối tác hàng đầu của Nga. Trong khi đó, khai thác tài nguyên tại thềm lục địa Bắc Cực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; rò rỉ lượng lớn khí metan ra môi trường do băng tan hay ô nhiễm hệ sinh thái tự nhiên ở Bắc Cực; Chi phí sản xuất năng lượng, trong đó có dầu khí ở mức cao; hiệu quả kinh tế thấp và tiềm ẩn rủi ro cao nếu giá dầu trên thị trường biến động mạnh trong thời gian vừa qua; Tiềm năng tài nguyên dồi dào nhưng phần lớn không thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Hầu hết các diện tích có tiềm năng dầu khí lớn thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế Nga như Gazprom, Rosneft, Novatek… Phần còn lại nhiều rủi ro và cần vốn và công nghệ cao để thăm dò, phát triển thì dành cho các nhà đầu tư tư khác.

Do đó, để thu hút đầu tư tư nhân, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực và công nghệ cao, phía Nga phải điều chỉnh và tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp với điều kiện thực tế hơn nữa để vừa đảm bảo phát triển tiềm năng Bắc Cực, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước Nga và các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Nga cũng cần tính đến các xu hướng phát triển năng lượng sạch và chuyển dịch dòng vốn đầu tư sau đại dịch và thời điểm triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài mới hậu Covid-19 nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình tự do hóa tiếp cận thềm lục địa Bắc Cực của mình.

Phạm TT