Trung Quốc có cứu được môi trường? (Kỳ cuối)

16:39 | 23/10/2019

|
(PetroTimes) - Những bản tổng kết về suy thoái môi trường ở Trung Quốc cho thấy mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và đa dạng sinh học. Nhiều biện pháp bảo vệ môi trường đã được Trung Quốc thực hiện từ đầu những năm 2000, song Trung Quốc liệu có cứu được môi trường đang ô nhiễm nặng nề?

Một xã hội vì môi trường ít được kiểm soát

a) Công dân bị hạn chế trong hành động bảo vệ môi trường

Các vấn đề môi trường đã nổi lên như một mối quan tâm lớn đối với công dân Trung Quốc, đặc biệt là sau các đợt bệnh khí quản và số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Môi trường đã trở thành nguyên nhân đầu tiên của nhiều cuộc tuần hành, biểu tình đã giành được thắng lợi bằng việc di dời hoặc đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm.

trung quoc co cuu duoc moi truong ky cuoi
Số người Trung Quốc mắc bệnh về đường hô hấp ngày càng nhiều

Tuy nhiên, phong trào công dân bảo vệ môi trường phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất có lẽ là thiếu sự phối hợp tầm quốc gia, tính cục bộ địa phương và sự tự phát của các phong trào, gợi lên hiện tượng “Not in My Backyard”, một thuật ngữ đặc trưng cho sự phản đối của người dân đối với những dự án phát triển mới nào đó vì địa điểm thực hiện dự án quá gần với nơi sinh sống của họ, dù cần thiết cho sự phát triển nhưng nên được dời ra xa hơn, ví dụ như các dự án có khả năng bị phản đối như khai thác dầu từ đá phiến, nhà máy hóa chất, các khu công nghiệp, căn cứ quân sự, turbine gió, nhà máy khử muối, bãi rác, lò đốt rác, nhà máy điện hạt nhân, nhà tù, quán rượu, các cơ sở vui chơi giải trí dành cho người lớn, bãi chất thải độc hại... Tuy nhiên, bởi vì các chất thải công nghiệp ở dạng khí, lỏng hay rắn đều có thể khuếch tán và có ảnh hưởng đến rất xa nơi sản xuất ra chúng, nên thuật ngữ “Not in My Backyard” đã phần nào trở nên vô nghĩa.

Các cuộc biểu tình thường nhắm vào một nhà máy hoặc dự án cụ thể và phản ứng của chính quyền thường là chuyển các nhà máy có vấn đề đến vùng đồng bằng phía Đông và phía Bắc, nơi ít người sinh sống và nghèo hơn. Việc thiếu kiến thức về quy mô của các vấn đề môi trường ở cấp quốc gia và thiếu nhận thức về các vấn đề sinh thái của đa số người dân có thể giải thích phần nào những động lực cục bộ này. Hiện tượng cục bộ còn do chính sách kiềm tỏa của nhà nước, được tăng cường đáng kể trong trường hợp khủng hoảng hoặc phản kháng diện rộng. Các biện pháp trừng phạt áp dụng cho bất kỳ phong trào quần chúng nào bị coi là nguy hiểm tiềm tàng cho sự ổn định chính trị và xã hội. Năm 2016, một cuộc biểu tình trên quảng trường chính của Thành Đô phản đối tình trạng ô nhiễm không khí đã bị buộc phải giải tán, trong khi các nhà lãnh đạo của phong trào đã bị bắt và các phương tiện truyền thông chính thức im lặng.

trung quoc co cuu duoc moi truong ky cuoi
Biểu tình phản đối môi trường xuống cấp ở Côn Minh, Trung Quốc

Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc luôn cảm thấy bất an. Cuộc đấu tranh cá nhân của họ được chấp thuận, nhưng ngay khi cuộc đấu tranh đó có nguy cơ biến thành một lực lượng chính trị có tổ chức, nó phải chịu sự kiềm tỏa mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới các phong trào sinh thái ở Trung Quốc.

b) Các tổ chức phi chính phủ về môi trường không được tự do hành động

Trung Quốc không phản đối bất kỳ sự phát triển nào của các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Môi trường không được coi là một vấn đề chính trị của Chính phủ Trung Quốc, nhưng sự phát triển của các tổ chức môi trường vẫn được Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm. Một mặt, đó là một cách để tiết chế ý chí dân chủ hóa và để đạt được tính hợp pháp từ dư luận quốc tế; mặt khác, các tổ chức phi chính phủ về môi trường được chính quyền trung ương coi là đồng minh tiềm năng, đóng vai trò thay thế cho chính sách môi trường không hoàn chỉnh và chống lại chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, không nên kết luận rằng các tổ chức phi chính phủ về môi trường đã được trao cho quyền tự do tuyệt đối. Mặc dù có khả năng tồn tại và phát triển, họ cũng phải chịu sự giám sát liên tục nếu họ mạo hiểm đi vào vùng đất chính trị hoặc vượt quá giới hạn được vạch ra bởi chính quyền trung ương. Do đó, các tổ chức phi chính phủ về môi trường lớn thường có liên hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản và hành động theo sự chỉ đạo. Những phát biểu của họ không gây ảnh hưởng xấu với chính quyền trung ương.

Do đó, có một nghịch lý: Các tổ chức phi chính phủ về môi trường được chính quyền trung ương kêu gọi để gây áp lực lên các công ty và chính quyền địa phương, nhưng đồng thời không được vượt quá giới hạn nhất định - một giới hạn khó xác định và rất cảm tính - có nguy cơ bị kiểm tra, trừng phạt. Các tổ chức phi chính phủ về môi trường muốn duy trì sự độc lập nhất định với chính phủ phải ở bên ngoài hệ thống chính trị và hành động bất hợp pháp, nên nhiều tổ chức không có sự tồn tại chính thức. Do không có tư cách pháp lý, các tổ chức phi chính phủ về môi trường “lậu” đó không thể yêu cầu bất kỳ khoản tài trợ nào và bị hạn chế trong hành động, nhà nước có thể rất dễ dàng buộc họ phải ngừng mọi hoạt động, buộc họ phải tập trung vào các hoạt động được coi là vô hại: Tuyên truyền nhận thức về các vấn đề môi trường, đào tạo tình nguyện viên, tổ chức các sự kiện hợp tác với chính quyền địa phương... Do đó, tiến trình tự do ngôn luận về môi trường vẫn rất bấp bênh và các biện pháp trừng phạt nặng nề có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà hoạt động môi trường.

Xã hội dân sự vì môi trường ở Trung Quốc trên thực tế chỉ được huy động khi nó hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền, không sản sinh nguy cơ thúc đẩy bất kỳ hoạt động môi trường nào thách thức sự cân bằng chính trị - xã hội.

Cải cách để thực sự bảo vệ môi trường

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã dần dần xây dựng một hệ thống thể chế và lập pháp về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều rào cản kinh tế, chính trị và xã hội ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hiệu quả công cuộc bảo vệ môi trường. Việc xây dựng một “nền văn minh sinh thái” sẽ phải được chuyển đổi nhiều lần trong các phương thức hoạt động của nền kinh tế và thể chế ở Trung Quốc.

Một bước cải cách thiết yếu là thoát khỏi mô hình sản xuất dựa trên than đá, nhưng sự thay đổi ngay lập tức là điều không tưởng với Chính phủ Trung Quốc, vì những hậu quả tai hại mà nó sẽ gây ra đối với năng suất, xuất khẩu.

Bước đầu tiên có thể đơn giản hơn là xem xét lại hệ thống đề bạt cán bộ địa phương để khuyến khích họ bảo vệ môi trường thay vì chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế. Luật pháp cần thích nghi tốt hơn với các vấn đề địa phương, cũng như tăng quyền tự chủ cho các văn phòng bảo vệ môi trường (EPB) để họ có thể thực thi luật pháp tại cơ sở.

Những cải tiến từ từ đó sẽ cho phép mô hình kinh tế của Trung Quốc được định hướng dần dần theo hướng bảo vệ môi trường tốt hơn. Sự phát triển của một xã hội dân sự vì môi trường độc lập để cảnh báo chính quyền cũng sẽ rất có lợi, nhưng có lẽ cũng là điều không tưởng trong tình hình hiện tại.

Cuối cùng, trên cả những trở ngại quốc gia như đã nêu, phải biết rằng những thay đổi lớn đó không thể chỉ có một mình Trung Quốc thực hiện. Sự phụ thuộc lẫn nhau hiện nay giữa các nền kinh tế thế giới và bản chất toàn cầu của nhiều vấn đề môi trường khiến hành động tập thể vì môi trường trên quy mô toàn cầu là hoàn toàn cần thiết.

Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc luôn cảm thấy bất an. Cuộc đấu tranh cá nhân của họ được chấp thuận, nhưng ngay khi cuộc đấu tranh đó có nguy cơ biến thành một lực lượng chính trị có tổ chức, nó phải chịu sự kiềm tỏa mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới các phong trào sinh thái ở Trung Quốc.

S.Phương