Trung Quốc chơi trò “tung hứng” đối với khí đường ống và LNG

14:39 | 10/09/2020

|
(PetroTimes) - “Trò chơi vương quyền” tại thị trường khí Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Một Gazprom “đơn độc” không còn đảm bảo được vị trí hàng đầu của mình trong việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.
Sinopec trúng thầu thương vụ mua LNG lớnSinopec trúng thầu thương vụ mua LNG lớn
Lần đầu tiên Hungary ký kết thỏa thuận khí đốt dài hạn với ShellLần đầu tiên Hungary ký kết thỏa thuận khí đốt dài hạn với Shell
2013-ynh-1

Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế mà nó gây ra đang làm biến đổi thị trường khí đốt Trung Quốc. Năm nay ghi nhận 2/3 sản lượng nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc đến từ các nguồn cung LNG và chỉ 1/3 thông qua nhập khẩu khí đường ống. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, nước này đã nhập khẩu 5,03 triệu tấn LNG, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Đại dịch bùng phát buộc Trung Quốc phải giảm tiêu thụ dầu khí. Do đó, khi so sánh số liệu nhập khẩu tháng 2, tháng 3 với tháng 1/2020 có thể thấy, sản lượng nhập khẩu khí đường ống và LNG đều sụt giảm khoảng 20%. Nhưng sau tháng 3, nhập khẩu LNG bắt đầu tăng trở lại trong khi nhập khẩu khí đốt bằng đường ống bằng không. Điều này diễn ra bất chấp thực tế là nhu cầu khí thiên nhiên tại Trung Quốc sẽ tăng lên 335 tỷ m3 vào năm 2021 (theo số liệu của Sinopec). Có vẻ như Trung Quốc đang dần điều chỉnh lại cơ cấu nguồn cung khí đốt tại thị trường nội địa theo hướng ủng hộ nhập khẩu LNG nhiều hơn là khí đốt đường ống.

2015-ynh-2
Các đường ống khí đốt từ các nước Trung Á sang Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nhập khẩu khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí từ Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Myanmar và Nga. Theo hãng tin Interfax, nhập khẩu khí đốt đường ống hàng năm của Trung Quốc đã giảm tới 23%. Dường như phía Nga không có gì phải lo lắng khi sản lượng khí xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường ống “Sức mạnh Siberia” không hề giảm trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào mùa xuân năm nay. Kể từ tháng 4, công suất xuất khẩu khí đốt theo đường ống này đạt khoảng 9 triệu m3/ngày, đến tháng 6 tăng lên 10,2 triệu m3/ngày (theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc). Hơn nữa, nếu khối lượng nhập khẩu khí đốt qua “Sức mạnh Siberia” không tăng và sản lượng ít hơn 5 tỷ m3 trong năm 2020 thì phía Gazprom sẽ vẫn nhận được khoản thanh toán cho ít nhất 4,25 tỷ m3 theo điều khoản take-or-pay trong hợp đồng.

Điều gì khiến Nga phải lo lắng?

Một số yếu tố thuận lợi nhất định nêu trên không có nghĩa là các nhà sản xuất khí đốt của Nga có thể thoải mái không cần quan tâm đến cuộc cạnh tranh gay gắt giành thị phần tiêu thụ tại Trung Quốc. Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, ngay cả trong tháng 5/2020, khi các cơ sở sản xuất của Trung Quốc hoàn toàn phục hồi thì sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vẫn giảm 12% so với tháng 1/2020 và tháng 12/2019. Đường ống “Sức mạnh Siberia” đang sử dụng gần 60% công suất. Điều này xảy ra bất chấp thực tế là giá khí đốt phía Nga dành cho Trung Quốc trong mùa xuân 2020 khá hấp dẫn, ở mức 183 - 184 USD/1.000 m3. Trong khi đó, giá khí từ Turkmenistan là 226 USD/1.000 m3 và từ Uzbekistan là 212 USD/1.000 m3.

Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu LNG. Điều này không chỉ liên quan đến nhập khẩu LNG của Mỹ trong khuôn khổ cam kết nhập khẩu 52 tỷ USD năng lượng Mỹ trong giai đoạn 1 của Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung (đã ký kết vào tháng 1/2020) mà còn từ các nguồn cung LNG khác. Ví dụ như trong tháng 5/2020, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục khối lượng LNG, tương đương 2,8 tỷ m3 khí đốt từ Úc. Trước đó, Trung Quốc đã thiết lập nhập khẩu kỷ lục 2,8 triệu tấn LNG của Úc trong tháng 4/2019.

2017-ynh-3

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc đang chuyển hướng sang nhập khẩu hoàn toàn LNG thay thế cho khí đốt đường ống. Theo giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga Sergei Pravosudov, xét từ quan điểm logic thì sản lượng nhập khẩu dầu khí của bất kỳ quốc gia nào đều chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Đầu tiên là mức độ tiêu thụ khí ở những khu vực mà đường ống dẫn khí kéo dài hoặc khu vực tiếp cận thuận lợi với nguồn cung LNG. Thứ hai là giá khí đốt đường ống và giá LNG. Rõ ràng là ở những khu vực tiêu thụ khí đường ống tại Trung Quốc, nhu cầu năng lượng hiện nay không quá lớn. Trong khi đó, LNG được cung cấp chủ yếu cho các khu vực duyên hải của nước này, nơi có công nghệ tiên tiến hơn, nhu cầu tiêu thụ khí cao.

Theo chuyên gia Pravosudov, Trung Quốc có thị trường khí đốt phát triển nhanh nhất trên thế giới nên nhiều nhà sản xuất khí đốt toàn cầu quan tâm lớn đến thị trường này. Nga hiện đang sở hữu trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ, có biên giới với Trung Quốc nên về mặt khách quan, Nga là một trong những đối tác thuận lợi nhất để đáp ứng nhu cầu khí của Trung Quốc. Bất chấp sự sụt giảm nguồn cung khí đốt bằng đường ống hiện nay, sự gia tăng xuất khẩu dầu khí từ Nga sang thị trường này trong tương là không thể đảo ngược. Sản xuất điện than hiện vẫn chiếm ưu thế tại Trung Quốc. Điều này dẫn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhiều thành phố. Vì vậy, quốc gia này rất cần các nguồn năng lượng sạch hơn. Ngoài ra, trong hợp đồng cung cấp khí đốt thông qua “Sức mạnh Siberia” có những điều khoản mà phía Trung Quốc không thể bỏ qua.

Chuyên gia Pravosudov cũng lưu ý rằng, nguồn cung LNG cho Trung Quốc cũng có những hạn chế nhất định, trong đó có biến động trong quan hệ thương mại với một số đối tác, nhất là Mỹ. Bên cạnh đó, LNG được chuyển đến Trung Quốc thông qua các hành lang thương mại khác nhau, như qua eo biển Malacca, nơi có rủi ro về hoạt động cướp biển. Ngoài ra, phía Mỹ cũng liên tục cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các đối tác khác tại khu vực Biển Đông, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Đối với Nga, rủi ro trong đảm bảo nguồn cung thấp hơn nhiều. Đường ống dẫn khí sẵn có và hợp đồng dài hạn sẽ đảm bảo nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Về lâu dài, nguy cơ mất thị trường Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề đối với khí đốt của Nga. Suy giảm nguồn cung định kỳ, việc mua LNG thay thế có lợi hơn về giá không phải là xu hướng toàn cầu. Đối với đường ống “Sức mạnh Siberia”, việc cung cấp qua đường ống này dù sao mới ở giai đoạn đầu, không tránh khỏi một số vấn đề kỹ thuật phát sinh. Điều này hoàn toàn bình thường đối với một dự án quy mô ở giai đoạn đầu vận hành. Người Trung Quốc hiểu rằng, về lâu dài họ vẫn cần nhiều khí đốt hơn hiện nay.

Trung Quốc mong muốn nguồn cung linh hoạt

2021-ynh-4
Các dự án xây dựng cảng nhập LNG của Trung Quốc.

Hiển nhiên là đường ống đảm bảo sự ổn định nguồn cung khí đốt, nhưng cũng có một số trở ngại. Ví dụ, trong hợp đồng cung cấp khí đốt thông qua “Sức mạnh Siberia”, phía Trung Quốc phải mua khí đốt của Nga trong vào 30 năm với khối lượng mua quy định là 38 tỷ m3/năm. Phía Trung Quốc muốn có một hệ thống nguồn cung linh hoạt hơn để mua các nguồn năng lượng khác với giá phải chăng trong trường hợp xảy ra các biến động lớn (như Covid-19). Nước này có thể chuyển sang mua LNG, có tính linh hoạt cao hơn trong lựa chọn nhà cung cấp. Tất nhiên, đây không phải là lý do cho việc từ bỏ hoàn toàn khí đường ống mà chỉ là giải pháp tạm thời trong điều kiện thị trường thuận lợi khi mua LNG để đáp ứng tiêu thụ.

Nhân tiện, Trung Quốc cũng nỗ lực để biến mong muốn của mình trở thành hiện thực. Nước này đang gấp rút xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển có khả năng tiếp nhận lượng LNG lớn trong trường hợp cần thiết. Ví dụ như đầu năm 2020, Trung Quốc đã khởi công xây dựng cảng LNG Long Khẩu tại tỉnh Sơn Đông, có khả năng tiếp nhận 20 triệu tấn LNG/năm, cung cấp khoảng 28 tỷ m3, tức gần bằng 3/4 công suất của “Sức mạnh Siberia”. Tuy nhiên, không giống như đường ống dẫn khí, nguồn cung LNG này không thuộc về một nhà cung cấp nào. Phía Trung Quốc sẽ lựa chọn linh hoạt nhà cung cấp căn cứ theo tình hình thị trường hiện tại.

Điều này không có nghĩa là Nga có thể mất thị trường khí đốt Trung Quốc trong tương lai. Phía Nga đã mở rộng việc giao khí đốt cho Trung Quốc dưới dạng LNG khi trong tháng 6 vừa qua với việc xuất khẩu 396.000 tấn LNG cho Trung Quốc, tăng 5,9 lần so với tháng 6/2019 và vượt cả khối lượng LNG của Mỹ xuất sang thị trường này, đạt 340.000 tấn. Điều này có nghĩa, Nga thực sự có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp khác về thị trường LNG tại Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu khí đốt đường ống giảm mạnh.

Nắm bắt cơ hội phát triển thị trường LNG

Tiến sĩ Tamara Safonova tại Khoa Thương mại quốc tế, Trường đại học kinh tế quốc dân và hành chính công LB Nga cho biết, trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, sản xuất LNG là một trong những hướng đi đầy hứa hẹn trong ngành năng lượng. Tuy nhiên, khi giá khí giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu dầu khí sụt giảm mạnh ở quy mô toàn cầu, việc phát triển LNG đã lâm vào thời điểm khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí vận tải biển tăng, sản xuất dư thừa và sự cạnh tranh gay gắt. Hiện nay tại Nga có ba tổ hợp khí hóa lỏng gồm: Sakhalin LNG, Yamal LNG và Kriogaz Vysotsk. Đồng thời các nhà đầu tư đang có kế hoạch triển khai ít nhất 8 dự án sản xuất LNG triển vọng, trong đó có Baltic LNG, Kriogaz Vysotsk (giai đoạn 2), Arctic LNG-2, Obskyi LNG, Novatek Kamchatka. Việc thực hiện tất cả các dự án LNG đã đăng ký có thể tăng công suất LNG của Nga ra thị trường đạt 79 triệu tấn/năm. Dĩ nhiên là đại dịch đang làm chậm lại việc triển khai các dự án mới, song Novatek đã có gắng bứt phá trước khủng hoảng, triển khai các giải pháp công nghệ quan trọng đối với dự án LNG của mình.

Chuyên gia Tamara Safovona cũng tính toán rằng, triển vọng của các dự án sản xuất LNG mới tại Nga sẽ phụ thuộc vào chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài là khách hàng tiêu thụ tiềm năng cũng như ký các hợp đồng dài hạn với đối tác nước ngoài. Ví dụ như các cổ đông dự án “Arctic LNG 2” bao gồm các công ty Trung Quốc và Nhật Bản. Họ là các doanh nghiệp quan tâm đến nguồn cung LNG được sản xuất trong khuôn khổ dự án đầu tư của mình. Nếu Nga mong muốn duy trì hoặc tăng thị phần cung cấp LNG tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, cách làm tốt nhất là hình mẫu nêu trên. Nhà đầu tư mong đợi khoản lợi nhuận tương xứng trong dự án LNG sẽ quan tâm đến việc thúc đẩy năng lực sản xuất của dự án và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Hơn nữa, hợp tác tiêu thụ nên được thực hiện trong khuôn khổ các hợp đồng dài hạn vì chính khách hàng là những người có khả năng đảm bảo cho các cơ sở sản xuất LNG hoạt động bình thường và phân phối tại thị trường châu Á.

Đồng thời, tính không chắc chắn về thị trường xuất khẩu khí đốt của Nga còn nằm ở vấn đề dư thừa nguồn cung và sản phẩm dầu mỏ, cộng với mong muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của các nước. Đến nay, lợi thế đang nghiêng về phía người tiêu dùng dầu khí, những người có nhiều công cụ để mặc cả giá mua tối đa. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ngoài việc dư thừa nguồn cung trên thị trường LNG, còn có yếu tố địa chính trị và áp lực trừng phạt để đảm bảo lợi thế cạnh tranh.

Cuộc chơi trở nên khốc liệt hơn

Có thể thấy, Trung Quốc đã tận dụng khá hiệu quả bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm do Covid-19 để tăng cường đa dạng hóa nguồn cung. Nước này muốn có hệ thống nguồn cung năng lượng linh hoạt hơn, dĩ nhiên là bao gồm khí đường ống. Nhưng nguồn cung có trữ lượng đảm bảo hơn là nền tảng để ký kết các hợp đồng có lợi nhất. Việc phát triển cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG với quy mô chưa từng có tại Trung Quốc cho thấy, một mình Gazprom không thể duy trì vị thế nhà cung cấp hàng đầu của Nga tại thị trường này. Hai chuyến hàng LNG của Novatek đến Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã đánh dấu kỷ lục mới về xuất khẩu LNG từ Nga sang thị trường này. Đáng chú ý là việc vận chuyển LNG được thực hiện dọc theo Tuyến hàng hải phương Bắc.

Nga có thể chiếm một thị phần đáng kể trên thị trường khí đốt Trung Quốc nhưng “luật chơi” đang ngày càng phức tạp. Giờ đây, Nga đang gặp khó khăn trong tìm kiếm mỏ mới và mở rộng đường ống dẫn khí sang Trung Quốc. Nga cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển các mỏ mới tại khu vực Bắc Cực, phát triển đội tàu phá bằng, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực phía Bắc đất nước. Bên cạnh đó, chính quyền Nga cần kích thích sự cạnh tranh lành mạnh tại thị trường nội địa để buộc các nhà sản xuất khí đốt phải linh hoạt hơn và thích ứng với cuộc chơi phức tạp tại thị trường khí đốt Trung Quốc.

Phạm TT