Toàn cảnh thị trường dầu khí trong tháng 8/2022

13:00 | 07/09/2022

|
(PetroTimes) - PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả điểm tin hoạt động ngành dầu khí thế giới trong tháng 8 vừa qua.
Điểm tin ngành dầu khí thế giới trong tháng 8

Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/8/2022 đã điều tàu khoan thăm dò dầu khí mới tới Địa Trung Hải song Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết tàu này sẽ hoạt động cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 55 km, trong khu vực bên ngoài vùng biển mà Cộng hòa Cyprus tuyên bố chủ quyền.

Eni cho biết đã phát hiện thêm một mỏ dầu và khí mới từ giếng khoan thăm dò Ba-leine Est 1X, nằm ở lô CI-802, cách 5 km về phía Đông của giếng Baleine 1X, Bờ Biển Ngà. Thử nghiệm dòng chảy tại giếng cho thấy sản lượng dầu đạt 12.000 thùng dầu/ ngày và 14 triệu feet khối tiêu chuẩn (scf) khí/ngày. Như vậy, tiềm năng của mỏ Baleine sẽ tăng lên 25%. Hiện mỏ dầu này được ước tính chứa 2,5 tỉ thùng dầu và 3,3 nghìn tỉ SCF khí.

PGNiGngày 12/8/2022 cho biết một đơn vị của công ty khí đốt Ba Lan này và Aker BP đã tìm thấy mỏ dầu và khí tự nhiên mới ở biển Na Uy. Công ty này ước tính mỏ này vào khoảng từ 11 triệu đến 36 triệu thùng dầu tương đương, trong đó 20% là thuộc về PGNiG.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatith Donmez ngày 17/8/2022 xác nhận tàu khoan Abdulhamid Han của nước này đã bắt đầu hoạt động thăm dò khí đốt ở Địa Trung Hải. Tàu Abdulhamid Han dài 238 m, thủy thủ doàn khoảng 200 người, sẽ thăm dò khí đốt cách bờ biển Antalya 55 km.

Truyền thông Iran ngày 21/8/2022dẫn lời một quan chức điều hành của công ty Dầu khí ngoài khơi Iran (IOOC) cho biết, quốc gia này đã lên kế hoạch bắt đầu phát triển mỏ dầu Esfandiar, tiếp giáp với mỏ dầu Lulu của Saudi Arabia.

Tập đoàn dầu khí Eni của Italy và TotalEnergies của Pháp tuyên bố đã phát hiện mỏ khí tự nhiên mới ở ngoài khơi bờ biển phía nam Cộng hòa Síp. Theo hãng tin AP, mỏ khí đốt mới có trữ lượng ước tính khoảng 70,7 tỷ m3 khí hydrocacbon.

Sonatrachcho biết hôm 24/8/2022 rằng họ đã phát hiện ra một kho vàng đen tại khu nhượng quyền Sbâa, nằm ở Adrar, một địa phương ở phía tây nam của đất nước. Theo ước tính đầu tiên do công ty nhà nước Algeria cung cấp, địa điểm này sẽ chứa từ 48 đến 150 triệu thùng dầu.

Hoạt động khai thác, sản xuất dầu khí

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngày 3/8/2022 quyết định tăng sản lượng lên 100.000 thùng/ngày vào tháng 9 sau khi điều chỉnh tốc độ tăng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.

Thepaper.cn đưa tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào ngày 7/8/2022 cho biết Sản lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã vượt quá 100 tỷ mét khối mỗi năm trong 5 năm liên tiếp qua.

Ai Cập có kế hoạch tăng công suất chứa dầu thêm 2,52 triệu thùng tại cảng dầu El-Hamra, hiện do công ty dầu khí Western Desert Operating Petroleum Co. quản lý và vận hành, với mục tiêu trở thành một “trung tâm thương mại dầu mỏ toàn cầu”.

Chính phủ Iranngày 14/8/2022 đã ký kết các thỏa thuận với các doanh nghiệp trong nước để đầu tư tổng cộng 29 tỷ USD vào các dự án dầu mỏ và khí đốt.

Ông Masoud Mirkazemi- người đứng đầu Cơ quan Kế hoạch và Ngân sách Iran (PBO)- ngày 14/8/2022 cho biết Chính phủ Iran đã ký kết các thỏa thuận với các doanh nghiệp trong nước để đầu tư tổng cộng 29 tỷ USD vào các dự án dầu mỏ và khí đốt của quốc gia Trung Đông này.

Công ty dầu khí nhà nước của Ecuador, Petroecuador, ngày 15/8/2022 đã công bố hai quy trình đấu thầu riêng biệt nhằm tìm kiếm đối tác đầu tư vào một trong những lô dầu lớn nhất của họ và gần hai chục mỏ nhỏ hơn, trong nỗ lực thúc đẩy sản lượng.

Aramco dự kiến từ năm 2025 sẽ tăng đáng kể công suất sản xuất với mục tiêu đạt 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, trong bối cảnh công suất dự phòng của thế giới ngày càng sụt giảm.

Công ty Dầu khí Missan (MOC)- công ty dầu khí nhà nước đặt tại tỉnh Maysan-hôm 18/8/2022 thông báo họ đã đạt được các giai đoạn nâng cao trong dự án xử lý khí đốt tại mỏ dầu Halfaya, và công ty cho biết có kế hoạch phát triển 5 mỏ tại tỉnh này.

Hoạt động lưu trữ, vận chuyển và phân phối dầu khí

Hãng RT, ngày 1/8/2022 cho biết Nga vừa cung cấp thêm lượng khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, lưu lượng giao hàng năm nay tăng 60,9% so với cùng kì năm ngoái.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ngày 1/8/2022, Bộ Môi trường Peru (Mi-nam) thông báo đã bắt đầu giám sát một vụ tràn dầu do rò rỉ trong đường ống Norpe-ruano, đường ống chính của quốc gia Nam Mỹ này vận chuyển dầu thô từ Amazon đến các cảng ven biển.

Nga có kế hoạch phát triển các đường ống xuất khẩu khí đốt ở Biển Đen và Biển Azov, đồng thời xây dựng các cơ sở vận chuyển và chế biến hydrocacbon mới ở Biển Baltic.

Công ty Thăm dò Dầu khí Nhật Bản Japexngày hôm qua đã ký Biên bản ghi nhớ với các công ty Nhật khác JGC và Kawasaki Kisen Kaisha (K Line) để nghiên cứu chung về thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) tại Malaysia.

Lo ngại tình trạng thiếu khí đốtsẽ đẩy giá tăng lên cao hơn nữa trong mùa đông sắp tới, các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu ở châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản đang chạy đua với châu Âu để nhập khẩu mặt hàng nhiên liệu sản xuất điện quan trọng này.

Công ty đường ống dẫn dầu quốc gia Transneftcủa Nga ngày 9/8/2022 cho biết, hoạt động cung cấp dầu mỏ của công ty này cho 3 nước châu Âu thông qua đường ống trên lãnh thổ Ukraine đã bị tạm dừng.

Công ty đường ống dẫn dầu quốc gia Nga Transneft ngày 10/8/2022 cho biết, họ đã nối lại hoạt động bơm dầu qua nhánh phía Nam của đường ông Druzhba bắt đầu từ lúc 14h chiều cùng ngày (giờ Moscow) sau khi tranh cãi liên quan đến việc thanh toán phí trung chuyển được giải quyết.

Venezuela hôm 12/8/2022 đã quyết đình chỉ các hoạt động chuyển dầu thô sang châu Âu trên tinh thần thỏa thuận đổi dầu thô trừ vào các khoản nợ chưa thanh toán và cổ tức trễ hạn.

Kazakhstan bắt đầu đa dạng hóa tuyến đường xuất khẩu dầu của mình sau khi phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống đường ống của Nga đến Biển Đen và đến các cảng biển Bal-tic. Theo hãng tin Euractiv.com ngày 15/8/2022, Kazakhstan dự kiến bán dầu thô của mình thông qua đường ống dẫn dầu lớn nhất của Azerbaijan từ tháng 9 tới, khi quốc gia này tìm kiếm các giải pháp thay thế cho tuyến đường mà Nga cảnh báo đóng cửa.

Hai đường ống dẫn dầu tới cảng xuất khẩu Brass, một trong 2 luồng xuất khẩu của Nigeria được Tập đoàn dầu khí Eni của Italy vận hành, mới đây đã bị phá hoại bằng thiết bị nổ.

Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar cho biết, có kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu của Nga để giảm bớt lo ngại về nguồn cung và giá cả tăng cao. Các chuyến hàng dầu nhiên liệu đầu tiên từ Nga dự kiến sẽ tới Myanmar vào tháng 9.

Shell hôm 16/8/2022 cho biết họ đang có kế hoạch tạm dừng hoạt động đường ống dẫn dầu thô Odyssey và Delta quan trọng ở vịnh Mexico trong 2 tuần vào tháng 9. Đường ống này chuyên cung cấp dầu cho các nhà máy lọc dầu ở Louisiana.

Rosneft đã xây dựng xong một đường ống cung cấp khí đốt giữa các mỏ Vankor và Suzun thuộc mỏ Vostok Oil, công ty hàng đầu của Nga cho biết trong một thông cáo hôm 25/8/2022.

Ba Lan và Slovakia ngày 26/8 đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới nối hai quốc gia trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước. Công suất của hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới này ở nhiệt độ 20 độ C đạt 5,1 tỷ m3/năm theo chiều từ Ba Lan tới Slovakia và 6,1 tỷ m3 nguyên liệu thô/năm theo chiều ngược lại.

Hoạt động dầu khí khác

Haitham Al-Ghais của Kuwait đã nhậm chức Tổng thư ký mới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 1/8/2022.

Công ty dầu khí Jadestone đã đồng ý mua lại toàn bộ 16,67% cổ phần của BP trong các mỏ dầu Cossack, Wanaea, Lambert và Hermes ở lưu vực Bắc Carnarvon ngoài khơi phía tây bắc Australia.

“Gã khổng lồ” dầu khí Anh BP ngày 2/8 thông báo đạt lợi nhuận trở lại trong quý II/2022 nhờ giá năng lượng tăng vọt, sau khi thua lỗ lớn trước đó liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine. BP đã đạt lợi nhuận ròng 9.3 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước và sau khi thua lỗ 20,5 tỷ USD trong quý I/2022.

Phát biểu tại lễ ra mắt báo cáo thứ 3 của Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính do xung đột ở Ukraine, ngày 3/8/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu khí thu được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những người dân nghèo.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật BảnHirokazu Matsuno hôm 4/8/2022 cho hay: Dự án Sakhalin-2 rất quan trọng với Tokyo, xét từ khía cạnh năng lượng điện và nguồn cung ổn định khí đốt. Dự án Sakhalin-2 cung cấp khoảng 8% lượng khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu của quốc gia này. Chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phối hợp để duy trì sự tham gia của nước này trong dự án.

Các nước Liên minh châu Âu ngày 5/8/2022 đã chính thức thông qua kế hoạch khẩn cấp của khối nhằm cắt giảm sử dụng khí đốt để tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông sắp tới, hai quốc gia trong khối là Ba Lan và Hungary vẫn tiếp tục phản đối đạo luật này.

Tối 5/8/2022, sét đánh trúng một trong tám bồn chứa tại kho dầu gần khu công nghiệp tỉnh Matanzas nằm ven bờ biển miền Bắc Cuba gây cháy lớn. Đến cuối ngày 9/8/2022, llực lượng cứu hỏa của Cuba đã lần đầu tiên tiếp cận được hiện trường vụ cháy, sử dụng bọt chữa cháy khống chế thành công vụ cháy.

Cenovus Energy Incsẽ mua 50% cổ phần còn lại mà họ chưa sở hữu tại Nhà máy lọc dầu Husky Toledo với giá 300 triệu USD từ công ty năng lượng Anh BP, công ty Canada cho biết hôm 8/8/2022.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, Trung Quốc đang xây dựng nhà máy “hydro xanh” chạy bằng năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới ở Tân Cương trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.

Ngày 12/8/2022, trả lời phỏng vấn Nikkei, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mới được bổ nhiệm hôm 10/8, ông Yasutoshi Nishimura cho hay nước này muốn duy trì sự tham gia trong các dự án Sakhalin-1 và Sakhalin-2.

Vấn đề giá dầu

Về nguồn cung dầu, OPEC đưa ra dự báo sản lượng khai thác LB Nga tăng 800.000 bpd lên 10,9 triệu bpd trong năm nay. Do vậy, tình trạng dư thừa nguồn cung có thể bắt đầu xuất hiện sau quý III/2022.

Sản lượng khai thác OPEC đạt mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 2/22 lên 28,89 triệu bpd (+216.000 bpd), bao gồm KSA và UAE tăng 280.000 bpd mỗi thành viên, trong khi Nigeria và Angola chậm tiến độ (-569.000 bpd và -332.000 bpd tương ứng), nhưng nhìn chung, tỷ lệ tuân thủ hạn ngạch OPEC+ vẫn ở mức cao – 412%, thấp hơn kế hoạch cho phép -1,27 triệu bpd.

Sản lượng khai thác dầu thô của thành viên lớn thứ 6 OPEC sau KSA, Iraq, Kuwait, Iran và UAE – Nigeria trong tháng 7 đã sụt giảm 6%, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm – 1,31 triệu bpd do thiếu hụt đầu tư và cơ sở hạ tầng dầu khí liên tục bị tấn công. Bên cạnh đó, tình trạng trộm cắp dầu thô dọc tuyến đường ống vận chuyển đạt đến quy mô khổng lồ – 400.000 bpd. Khối lượng hàng hóa thành phẩm (dầu tiêu chuẩn Bonny Light) thu về bởi tập đoàn nhà nước Nigerian National Petroleum (NNPC) trong tháng 7 chỉ đạt 30.000 bpd.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã thực hiện một số điều chỉnh đối với dự báo sản lượng trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) được công bố ngày 9/8. EIA hiện nhận thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 11,86 triệu thùng/ngày trong cả năm 2022 - giảm so với dự báo 11,91 triệu thùng/ngày trong STEO của tháng 7.

Đối với cả năm 2023, EIA đã điều chỉnh dự báo sản lượng của mình xuống mức trung bình 12,7 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo tháng trước cho năm 2023 là 12,77 triệu thùng/ngày. Nếu điều này thành hiện thực, nó sẽ lập kỷ lục về lượng dầu thô được khai thác nhiều nhất tại Mỹ trong một năm, phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2019 là 12,3 triệu thùng/ngày.

Về nhu cầu dầu, EIA trong báo cáo (STEO tháng 8 đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2022 xuống còn 99,4 triệu bpd (+2,1 triệu bpd so với năm 2021), năm 2023 – 101,5 triệu bpd (+2,1 triệu bpd).

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/8 cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 lần thứ ba kể từ tháng 4/2022. OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay thêm 260.000 thùng/ngày xuống 100,03 triệu thùng/ngày với lý do tác động của việc các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 ở mức giảm 2,7 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dầu trung bình là 102,72 triệu thùng/ngày.

Đánh giá của OPEC trái ngược với báo cáo hàng tháng mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA cho biết, các đợt nắng nóng vào mùa Hè của châu Âu và tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong khu vực khi Nga cắt giảm các sản lượng khí đốt đã khiến một số người tiêu dùng năng lượng chuyển từ khí đốt sang dầu. IEA đã nâng dự báo tổng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 và 2023 thêm 500.000 thùng/ngày, lên lần lượt là 99,7 triệu thùng/ngày và 101,8 triệu thùng/ngày.

Trong tuần cuối tháng 8, giá dầu tăng trở lại, khi thị trường lo ngại nguồn cung dầu sẽ bị thắt chặt trong trường hợp OPEC cắt giảm sản lượng. Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng ngày 29/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng 0,8% lên 101,45 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 tăng tới 1,1% lên 94,08 USD/thùng. Thị trường dầu thô hiện đang bị chi phối giữa các thông tin và kỳ vọng trái chiều.

Về mặt tích cực, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác nhằm cân bằng thị trường, qua đó ngăn chặn việc giá dầu thô giảm xuống quá sâu. Liên minh OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Đầu tuần trước, Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã cảnh báo nước này và OPEC có thể siết lại nguồn cung. Saudi Arabia nhấn mạnh việc giá dầu thô của các hợp đồng giao tương lai giảm xuống khiến thị trường quên rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay vẫn ở mức nghiêm trọng.

Ngược lại, thị trường cũng lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ cũng như các thị trường tài chính, bao gồm thị trường hàng hoá vốn có tính rủi ro cao.

Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết hiện giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng lên, một phần do giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt đã buộc các cơ sở công nghiệp và sản xuất năng lượng tại đây chuyển từ sử dụng khí sang dùng dầu nhiên liệu.

P.V

Bản tin Năng lượng 7/9: Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 5%Bản tin Năng lượng 7/9: Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 5%
Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đồng tiền chung châu Âu rẻ kỷ lục: 1 EUR không đổi được 0,99 USDĐồng tiền chung châu Âu rẻ kỷ lục: 1 EUR không đổi được 0,99 USD
Đức xem xét đánh thuế siêu lợi nhuận các công ty năng lượngĐức xem xét đánh thuế siêu lợi nhuận các công ty năng lượng
Ấn Độ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới trong vài thập kỷ tớiẤn Độ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới trong vài thập kỷ tới