Tình hình Biển Đông: Hàng loạt quốc gia lên tiếng về hành vi của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu

14:41 | 01/04/2021

|
Một loạt quốc gia đã lên tiếng phản đối hành động cho tàu thuyền neo đậu tại Đá Ba Đầu của Trung Quốc trên Biển Đông.
Chuyên gia: Luật hải cảnh Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột ở Biển ĐôngChuyên gia: Luật hải cảnh Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột ở Biển Đông
Biển Đông: Chuyên gia quốc tế gọi ý đồ của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu là Biển Đông: Chuyên gia quốc tế gọi ý đồ của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu là "cắt lát salami"
Tình hình Biển Đông: Hàng loạt quốc gia lên tiếng về hành vi của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu
Đội tàu Trung Quốc tại vùng biển đá Ba Đầu. (Nguồn: AP)

Mỹ, Nhật Bản và Indonesia, Australia đã tăng cường gây sức ép đối với Trung Quốc sau vụ việc hơn 200 tàu của nước này tập kết bất thường xung quanh Đá Ba Đầu, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Nhà Trắng ngày 31/3 thông báo, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon đã thảo luận về những mối quan ngại chung liên quan tới các hoạt động của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu ở Biển Đông.

Theo Nhà Trắng, ông Sullivan và ông Esperon đã tái khẳng định khả năng áp dụng hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines tại Biển Đông.

Cũng trong ngày 31/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein để thảo luận các mối quan tâm chung giữa 2 nước.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác bao gồm ở khu vực Biển Đông.

Trước đó, trong thông báo trên Twitter ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, hàng trăm tàu đang neo đậu tại Đá Ba Đầu là tàu của “dân quân biển” Trung Quốc.

Ông Blinken khẳng định, Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác, "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", và phản đối hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Cùng ngày, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson cho biết, Australia đã bày tỏ lo ngại về “những hành vi gây bất ổn” ở Biển Đông trong thời gian gần đây, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền phi lý tại tuyến đường thủy quan trọng này.

“Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, tự do và rộng mở. Biển Đông – tuyến đường thủy quốc tế quan trọng, nên được quản lý bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là điều rất quan trọng đối với chúng ta”, hãng tin ANC của Philippines dẫn lời ông Steven Robinson nêu rõ.

“Chúng tôi luôn lo ngại về bất cứ hành động gây bất ổn nào có thể gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông”, ông Steven Robinson cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh, Australia ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Steven Robinson nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi thực sự muốn thấy tại Biển Đông là việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cùng các hoạt động thương mại không bị cản trở và sự tuân thủ các quy tắc quốc tế mà chúng ta đã áp dụng và thực thi trong thời gian dài”.

Đại sứ Steven Robinson lưu ý, 65% hoạt động thương mại quốc tế của Australia được thực hiện qua tuyến đường biển quan trọng này. Hiện nay, Australia đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.

Theo SCMP, trong cuộc gặp cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Indonesia đã nhất trí gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ các hành động có thể gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, Tokyo và Jakarta bên sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và có khả năng tiến hành một cuộc tập trận chung trên Biển Đông.

Nhật Bản dù không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Tokyo đang vướng vào những rắc rối liên quan đến quần đảo tranh chấp với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.

Thời gian gần đây, xứ sở hoa anh đào đã bày tỏ lo ngại về luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, theo đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này được sử dụng vũ lực với tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp mà họ cho là cần thiết.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Nhật Bản hồi giữa tháng 3, Mỹ và Nhật Bản cho biết, hai bên phản đối các yêu sách hàng hải “trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại Eo biển Đài Loan.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, hoạt động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận xét: “Trung Quốc có thể đang tăng cường năng lực của lực lượng dân quân biển, đặc biệt khả năng đánh bắt cá và chiến đấu. Các ngư dân Trung Quốc được kỳ vọng ngay cả khi tiến hành công việc khai thác thủy hải sản họ vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ khác”.

Dương Anh/Baoquocte.vn