Tình báo Mỹ phát hiện Iran chất thủy lôi lên các tàu ở Vịnh Ba Tư

13:29 | 02/07/2025

|
(PetroTimes) - Tình báo Mỹ phát hiện quân đội Iran đã chất thủy lôi lên các tàu ở Vịnh Ba Tư sau khi Israel mở chiến dịch tấn công nước này, khiến Washington lo lắng về kịch bản Tehran phong tỏa eo biển Hormuz.
Các tàu hoạt động gần eo biển Hormuz - Ảnh: Internet
Các tàu hoạt động gần eo biển Hormuz - Ảnh: Internet

Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết, hoạt động chuẩn bị này diễn ra sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào Iran hôm 13/6.

Động thái chất thủy lôi cho thấy Iran có ý định đóng cửa một trong những tuyến vận tải biển quan trọng bậc nhất thế giới, cản trở nghiêm trọng thương mại toàn cầu.

Trên thực tế, khoảng 1/5 lượng dầu khí cung cấp cho thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz và việc phong tỏa có thể khiến giá năng lượng thế giới tăng phi mã.

Giá dầu thế giới đã giảm hơn 10% kể từ khi Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, vì thị trường cảm thấy cuộc xung đột tại Trung Đông không gây ra tình trạng gián đoạn đáng kể trong hoạt động buôn bán dầu mỏ.

Ngày 22/6, ngay sau khi Mỹ ném bom 3 cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran, Quốc hội Iran được cho là đã ủng hộ biện pháp phong tỏa eo biển. Quyết định này thực chất không mang tính ràng buộc và Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran mới có quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

Trước đó, Iran từng nhiều lần đe doạ đóng cửa eo biển Hormuz nhưng chưa bao giờ thực hiện. Tính tới thời điểm hiện tại, không rõ các quả mìn đã được dỡ bỏ khỏi các tàu hay chưa.

Các nguồn tin của Reuters không tiết lộ cách tình báo Mỹ phát hiện Iran đặt thuỷ lôi lên tàu, nhưng những thông tin như vậy thường được thu thập thông qua hình ảnh vệ tinh, nguồn tin bí mật.

Lầu Năm Góc hiện chưa trả lời đề nghị bình luận về vấn đề kể trên, trong khi phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc cũng từ chối bình luận điều này.

Chính phủ Mỹ cũng không loại trừ khả năng việc chất thủy lôi lên tàu chỉ là chiến thuật, nhằm gửi tín hiệu đến Washington rằng Tehran nghiêm túc về việc đóng eo biển, song không có ý định làm điều này.

Nằm giữa Vịnh Ba Tư và biển Ả Rập, eo Hormuz tại điểm hẹp nhất chỉ rộng khoảng 21 hải lý, nhưng lại là tuyến vận chuyển tới 20-21 triệu thùng dầu/ngày - tương đương gần 20% tổng tiêu thụ dầu toàn cầu. Ngoài ra, đây cũng là đường xuất khẩu chính của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt từ Qatar - một trong những quốc gia có trữ lượng khí lớn nhất thế giới.

Với vai trò này, bất kỳ gián đoạn nào tại Hormuz cũng có thể gây xáo trộn lớn trên thị trường năng lượng thế giới.

Bình An

Reuters