Tin thị trường: Giá điện châu Âu tăng vọt; Mỹ ký 7 hợp đồng xuất khẩu LNG với Trung Quốc

09:32 | 23/12/2021

|
(PetroTimes) - Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất nhập khẩu LNG.
Tin thị trường: Giá điện châu Âu tăng vọt; Mỹ ký 7 hợp đồng xuất khẩu LNG với Trung Quốc

Công ty Venture Global LNG (Mỹ) đang xây dựng các nhà máy sản xuất LNG tại bang Louisiana ký thêm 1 thỏa thuận xuất khẩu dài hạn (20 năm) khối lượng 3,5 triệu tấn/năm với nhà nhập khẩu LNG lớn nhất Trung Quốc – CNOOC. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, các nhà sản xuất Mỹ đã ký được 7 hợp đồng xuất khẩu LNG với Trung Quốc, trong đó, Venture Global LNG có 4 hợp đồng, với Sinopec và Unipec mỗi công ty 4 triệu tấn/năm. Theo các nhà phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất nhập khẩu LNG, trong đó, Mỹ dự kiến vượt Úc, Qatar trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2022 tới với công suất 326 triệu m3/ngày (87,6 triệu tấn/năm), đủ đáp ứng 22% nhu cầu thế giới (Goldman Sachs). Trung Quốc trong năm nay sẽ vượt Nhật Bản về khối lượng nhập khẩu LNG. Với tiến độ xây dựng hiện nay, Mỹ duy trì vị trí số 1 được đến năm 2025, khi Qatar hoàn tất mở rộng North Field. Hiện Trung Quốc chiếm 13% thị phần xuất khẩu LNG Mỹ bất chấp căng thẳng quan hệ chính trị giữa 2 nước, Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi nước 10%.

LB Nga tiếp tục thách thức thị trường năng lượng châu Âu, đáp trả đe dọa trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ, EU liên quan đến Ukraine, mở rộng NATO và kéo dài vô thời hạn quá trình cấp phép hoạt động đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Gazprom mới đây từ chối đăng ký công suất trung chuyển khí đốt bổ sung qua Ukraine cho tháng 01/2022, chỉ mua 21,4% khối lượng trung chuyển qua Ba Lan – đường ống Yamal-Europe (ngày 21/12 dừng hẳn xuất khẩu khí vật chất sang Đức). Giá khí lập tức tăng mạnh lên trên 2.200 USD/1000m3 – kỷ lục mới (tại sàn giao dịch TTF Netherlands 180 EUR/MWh).

EU cho rằng, Moscow đang sử dụng khí đốt như công cụ gây áp lực lên khối này (giảm xuất khẩu, hạn chế không bơm khí vào kho ngầm Gazprom sở hữu tại EU), mặc dù vẫn thực hiện đầy đủ cam kết về nguồn cung. Kết hợp cùng đợt không khí rét đậm tràn về, nhiệt độ tại một số thành phố châu Âu giảm xuống âm -10 độ C và sản lượng điện gió giảm mạnh, cũng như 2 lò phản ứng điện hạt nhân Pháp dừng hoạt động, giá điện bán buôn châu Âu ngày 21/12 đã tăng vọt gấp 3-4 lần cùng kỳ năm 2020, cụ thể Pháp lên 442,88 EUR/MWh so với 105,95 EUR năm ngoái, Áo - 434,34 EUR/MWh (+317%), Đức -431,98 EUR/MWh (+357%), Netherlands - 429,84 EUR/MWh (+329%).

Bộ Năng lượng Mỹ đang chuẩn chị cho đợt mở bán 18 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lượng (SPR) thứ hai. Cơ quan này bắt đầu tiếp nhận đơn đăng ký mua từ ngày 04/01, giao hàng thực tế từ 01/02 đến 31/03.

Viễn Đông