Tin Thị trường: Giá dầu nhanh chóng giảm trở lại sau nhịp tăng ngắn ngủi
![]() |
Ảnh: Internet. |
Giá dầu thế giới hôm nay duy trì đà giảm
Tính đến đầu giờ chiều nay 22/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 60,57 USD/thùng - giảm 1,62%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 63,84 USD/thùng - giảm 1,65%.
Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm sau thông tin từ Bộ trưởng Ngoại giao Oman cho biết vòng đàm phán hạt nhân thứ 5 giữa Iran và Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 23/5. Ngoài ra, lượng tồn kho xăng dầu của Mỹ vừa được Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố tăng đồng loạt cũng tác động tới giá.
Theo Reuters, 4 vòng đàm phán trước đó đều hướng tới mục tiêu kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt, song thực tế đàm phán vẫn còn nhiều trở ngại.
Giá dầu có thời điểm tăng nhẹ sau thông tin Israel đang chuẩn bị tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng cho biết không rõ liệu các nhà lãnh đạo Israel đã đưa ra quyết định cuối cùng hay chưa. Iran là quốc gia khai thác dầu lớn thứ ba tại Tổ chức OPEC. Do đó, việc Israel tấn công Iran có thể làm đảo lộn dòng chảy dầu mỏ từ nước này.
Hiện vẫn có lo ngại Iran có thể trả đũa bằng cách chặn dòng tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz, nơi Ả Rập Xê-út, Kuwait, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu.
Nhà phân tích Priya Walia của Rystad Energy nhận định: "Nếu căng thẳng leo thang, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự thay đổi tạm thời về thương mại hoặc nguồn cung bị ảnh hưởng khoảng 500.000 thùng/ngày - điều mà OPEC+ có thể bù đắp khá nhanh chóng".
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 22/5 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ quay đầu giảm nhẹ 0,74% - đạt mức 3,343 USD/mmBTU.
Trong một báo cáo, ông Eli Rubin - chuyên gia phân tích tại EBW Analytics Group, cho biết hợp đồng khí giao tháng 6 đã giảm thêm 22,1 cent trong phiên gần nhất, xuống mức hỗ trợ quan trọng là 3,098 USD/mmBTU. Ông nhận định các yếu tố cơ bản yếu tiếp tục đè nặng lên thị trường.
Ông cũng cho biết sản lượng khí đốt tại Mỹ đã tăng trở lại và đạt mức cao nhất trong tháng vào cuối tuần qua. Mặc dù mức tăng không lớn, nhưng cũng đủ khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.
Ngoài ra, một đợt bảo trì dự kiến tại nhà máy xuất khẩu Sabine Pass vào tháng sau cũng có thể khiến nguồn cung khí tăng thêm trung bình 2 tỷ feet khối/ngày trong tháng 6 - cao hơn mức trung bình của 5 năm qua.
Nhìn về phía trước, ông Rubin cho rằng giá hợp đồng khí giao tháng 7 có thể phục hồi nếu thời tiết nắng nóng mùa hè đến sớm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ vẫn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kỹ thuật và hoạt động điều chỉnh vị thế đầu tư trước kỳ nghỉ lễ Memorial Day, cũng như thời điểm đáo hạn hợp đồng vào tuần tới.
Thay đổi đáng kể nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc
Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã giảm xuống dưới 2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 4, giảm 13%, trong khi lượng dầu nhập khẩu từ Malaysia, trung tâm trung chuyển lớn nhất của dầu Iran, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã giảm 12,9% trong năm xuống còn 1,96 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 4, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc.
Cùng thời điểm, dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy không có dầu thô nhập khẩu từ Iran, nhưng có sự gia tăng 96,9% trong lượng nhập khẩu từ Malaysia, nơi các "đội tàu ngầm" đang sử dụng vùng biển này để chuyển đổi tàu (STS) nhằm che giấu xuất xứ của dầu thô từ Iran.
Do đó, Malaysia là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Trung Quốc vào tháng 4, với 1,93 triệu thùng dầu thô nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi ngày.
Con số kể trên cao hơn Ả Rập Xê-út, khi lượng dầu thô nhập khẩu từ Vương quốc này tới Trung Quốc đã giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,35 triệu thùng mỗi ngày.
Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu dầu thô vào tháng 3 và tháng 4, nhưng việc tăng lượng mua vào vào mùa xuân này không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích cho biết nhiều khả năng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang tranh thủ tích trữ dầu thô giá rẻ hơn trong bối cảnh bất ổn về các thùng dầu bị trừng phạt trong tương lai.
Sự gia tăng nhập khẩu dầu thô qua đường biển của Trung Quốc vào tháng 4 được khởi xướng bởi những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đang được thắt chặt, thúc đẩy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tăng cường đặt hàng và tăng cường dự trữ trên đất liền, Emma Li, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa lưu ý.
Bình An