Tin Thị trường: Giá dầu hôm nay xanh trở lại
![]() |
Ảnh: OP |
Giá dầu hôm nay trở lại sắc xanh
Tính đến đầu giờ chiều nay 24/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 62,88 USD/thùng - tăng 0,98%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 66,67 USD/thùng - tăng 0,83%.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 23/4, sau thông tin cho thấy một số thành viên của OPEC+ sẽ đề xuất nhóm đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng 6, tháng thứ 2 liên tiếp.
Theo Reuters, trong tháng 4 này, giá dầu đã có phiên giao dịch chạm mức thấp nhất trong 4 năm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quyết định bất ngờ của OPEC+ về việc tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 5, gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu của nhóm. Gần đây, mối quan hệ giữa các thành viên OPEC+ xuất hiện những "rạn nứt" do liên quan tới việc tuân thủ hạn ngạch khai thác.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết sẽ không ngạc nhiên khi OPEC muốn tăng sản lượng. "Điều này có thể làm dấy lên mối lo ngại về sự gắn kết của liên minh. Có thể họ đã mệt mỏi vì phải kìm hãm việc tăng sản lượng", ông Flynn nhận xét.
Đà giảm của giá dầu còn chịu tác động bởi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 244.000 thùng lên 443,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18-4, ngược so với dự đoán giảm 770.000 thùng của các nhà phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất đều giảm mạnh lần lượt là 4,5 triệu thùng xuống còn 229,5 triệu thùng và 2,4 triệu thùng xuống còn 106,9 triệu thùng.
Tin tức về thuế quan đã giúp kiềm chế đà giảm của giá dầu. Chính quyền của ông Trump sẽ xem xét việc hạ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi chờ đàm phán với Bắc Kinh.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm mạnh
Tính đến đầu giờ chiều 24/4 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1,72% xuống mức 2.970 USD/mmBTU tại thời điểm khảo sát.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã cảnh báo rằng sự hỗn loạn về thuế quan đang diễn ra đã làm thị trường dầu mỏ bất ổn, tạo ra sự tiêu cực về triển vọng nhu cầu và gây sức ép nặng nề lên tâm lý thị trường dầu mỏ.
Biến động trên thị trường dầu mỏ đã tăng vọt, với mức biến động hàng năm thực tế trong 30 ngày đạt 42,8% chốt phiên vào ngày 21/4, cao hơn 23 điểm phần trăm so với đầu tháng 4 và chỉ thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với mức cao nhất trong 30 tháng. StanChart đã dự đoán thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến một đợt phục hồi do hoạt động mua bù hoãn bán, lưu ý rằng đã có đợt bán ròng kỷ lục trên bốn hợp đồng Brent và WTI chính sau thông báo về thuế quan của Mỹ vào ngày 2/4.
Trong khi đó, cảng xuất khẩu LNG lớn nhất Châu Âu, Hammerfest LNG bắt đầu thời kỳ bảo dưỡng và dự kiến kéo dài đến ngày 10/7.
Equinor hiện vẫn chưa đưa ra bình luận nào về kế hoạch ngừng hoạt động, nhưng hồ sơ minh bạch của công ty đã xác nhận việc tạm ngừng hoạt động.
Với mùa đông đã qua và lượng dự trữ vẫn ở mức tốt trên khắp Châu Âu, thông tin kể trên không phải là thảm họa. Tuy nhiên, khi 6,5 bcm khí đốt ngừng hoạt động - dù có lên kế hoạch hay không - thì các nhà giao dịch, nhà hoạch định chính sách và hộ gia đình đều bắt đầu chú ý.
Các nhà nhập khẩu LNG Nhật Bản trước cuộc bầu cử tại Úc
Các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Nhật Bản đang chuẩn bị cho khả năng nguồn cung dài hạn từ một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới có thể trở nên không chắc chắn.
Người dân Úc đang hướng đến cuộc bầu cử vào ngày 3/5 tới và theo Reuters, bất kể đảng nào giành chiến thắng, thì cũng có thể sẽ có ít LNG để xuất khẩu hơn so với trước cuộc bầu cử. Úc đã và đang cân bằng trên bờ vực của tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên trong nước do ưu tiên xuất khẩu và điều này đã trở thành một vấn đề lớn trước thềm cuộc bỏ phiếu.
Chính phủ Lao động hiện tại đã áp giá khí đốt trần trong nhiệm kỳ của mình, cùng với việc ưu tiên nguồn cung khí đốt trong nước hơn là xuất khẩu. Các biện pháp này đã khiến ngành này nổi giận, với các giám đốc điều hành cảnh báo rằng điều này có thể gây tổn hại đến các kế hoạch đầu tư vào nguồn cung cấp khí đốt mới.
Theo các nhà quan sát, tập trung vào khí thải có thể dẫn đến các chính sách bất lợi liên quan đến LNG mặc dù chính quyền Albanese đã ra tín hiệu ủng hộ khí đốt trong dài hạn.
Nhật Bản là nước mua LNG lớn nhất của Úc. Các công ty Nhật Bản cũng nắm giữ cổ phần trong các dự án LNG ở Úc. Thị phần LNG nhập khẩu của Nhật Bản từ Úc cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhật Bản từng nhập khẩu 18% tổng lượng LNG từ Úc vào năm 2012. Đến năm 2023, con số đó đã tăng lên 42%.
Năm ngoái, một phần ba tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu của Úc là sang Nhật Bản với tổng số 81 triệu tấn, theo dữ liệu của Kpler được Reuters trích dẫn.
Bình An
- Châu Âu sắp phá vỡ kỷ lục sản xuất điện năng lượng mặt trời
- Phía sau việc Sinopec tiếp tục mua dầu thô của Nga
- Dự báo về khí đốt tự nhiên và dầu mỏ: Sắp có sự bứt phá mới
- Tàu chở dầu siêu lớn từ Trung Quốc có thể bị áp phí lớn khi cập cảng Mỹ
- IMF hạ triển vọng tăng trưởng của Ả Rập Xê-út trong bối cảnh áp lực kinh tế