Hoa Kỳ giảm thời gian phê duyệt các dự án năng lượng
![]() |
![]() |
![]() |
Ảnh minh họa |
Quy trình này sẽ giúp cắt giảm thời gian phê duyệt thường mất nhiều tháng hoặc nhiều năm, xuống còn tối đa là 28 ngày.
Động thái trên của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ (DOI) nhằm thực hiện theo tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia của Tổng thống Donald Trump - được ông đưa ra vào ngày đầu tiên nhậm chức - để đẩy nhanh quá trình cấp phép nhằm thúc đẩy nguồn cung cấp năng lượng trong nước, hạ giá nhiên liệu và tăng cường an ninh quốc gia.
Trong một thông cáo, DOI cho biết các quy trình khẩn cấp sẽ áp dụng cho các nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than, urani, địa nhiệt, khoáng sản quan trọng, nhiên liệu sinh học và các dự án thủy điện động lực.
Theo thông cáo này, quy trình khẩn cấp không áp dụng cho năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng dẫn đầu tất cả các nguồn khác trong việc bổ sung công suất điện của Hoa Kỳ. Năng lượng gió, mà ông Trump cho là tốn kém và gây mất mỹ quan cũng không nằm trong danh sách được cấp phép khẩn cấp.
"Hoa Kỳ không thể chờ đợi được nữa", Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum cho biết trong tuyên bố.
Ông Burgum cho biết: "Bằng cách rút ngắn quá trình cấp phép kéo dài nhiều năm xuống chỉ còn 28 ngày, Bộ này sẽ xử lý nhanh các dự án cấp bách, và tập trung rõ ràng vào việc củng cố tính độc lập về năng lượng của quốc gia".
Từ lâu, các nhóm trong ngành năng lượng đã phàn nàn rằng quy trình cấp phép cho các dự án trên đất liền và ngoài khơi rất chậm và tốn kém.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu các biện pháp này có tác động gì đến sản lượng dầu của Hoa Kỳ hay không, vốn đã gần đạt mức kỷ lục khi các công ty khoan dầu tận dụng mức giá cao, sau lệnh trừng phạt đối với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine vào năm 2022.
Bộ Nội vụ cho biết họ sẽ sử dụng các biện pháp linh hoạt khác để có thể vẫn tuân thủ các luật đã có từ nhiều thập kỷ trước - những luật liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường tại Hoa Kỳ, bao gồm Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia, Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng và Đạo luật Bảo tồn Di tích Lịch sử Quốc gia.
Nhóm môi trường Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết nỗ lực này sẽ có lợi cho các công ty nhiên liệu hóa thạch, và người dân phải chịu hậu quả.
Randi Spivak, Giám đốc đất công tại CBD, cho biết trong một tuyên bố: "Những cái gọi là thủ tục khẩn cấp này chẳng qua chỉ là lớp mỡ bôi trơn, giúp các công ty đẩy nhanh quá trình phê duyệt, gây hại cho sức khỏe người dân, đất công và khí hậu".
Yến Anh
Reuters