Tin Thị trường: Gazprom tạm dừng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

13:38 | 22/09/2022

|
(PetroTimes) - Gazprom tạm dừng giao khí đốt qua đường ống Power of Siberia đến Trung Quốc; Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu từ Nga và Ả Rập Xê-út trong tháng 8...
Tin Thị trường: Gazprom tạm dừng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc

Gazprom tạm dừng giao khí đốt đến Trung Quốc

Gazprom sẽ tạm dừng việc giao khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Power of Siberia đến Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 22/9 đến 29/9 do kế hoạch bảo trì theo lịch trình, gã khổng lồ khí đốt Nga thông báo.

Theo thỏa thuận mua bán giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường này, việc bảo trì thiết bị dọc theo đường ống được thực hiện hai lần một năm.

Trước đó, Nga và Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một đường ống lớn khác để vận chuyển khí đốt giữa hai nước, nhưng sẽ mất nhiều năm để dự án có thể hoàn thành.

Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn từ sự thay đổi trong dòng chảy thương mại năng lượng trong thời gian gần đây khi Nga xoay trục sang châu Á để bán dầu và than bị cấm ở phương Tây và tìm cách xây dựng một đường ống khí đốt tự nhiên lớn khác đến Trung Quốc.

Nhà chức trách Nga tuyên bố sẽ tăng thêm các chuyến hàng dầu đến châu Á sau khi các Bộ trưởng tài chính G7 công bố áp giá trần đối với dầu và nhiên liệu của Nga, có hiệu lực lần lượt từ ngày 5/12/2022 và ngày 5/2/2023.

Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu từ Nga và Ả Rập Xê-út

Trung Quốc đã tăng nhập khẩu dầu thô từ cả Nga và Ả Rập Xê-út vào tháng 8, trong bối cảnh Ả Rập Xê-út trở số 1 trong danh sách các nhà cung cấp dầu cho Trung Quốc.

Reuters trích dẫn dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dầu mỏ của Nga đến Trung Quốc đã tăng 28% trong năm vào tháng 8, lên 1,96 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út đã tăng 5% lên gần 2 triệu thùng mỗi ngày.

Hồi đầu năm nay, Nga đã thay thế Ả Rập Xê-út để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc nhờ mức giá rẻ được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc cao hơn 7,3 %, trong khi xuất khẩu của Ả Rập Xê-út sang nước này giảm nhẹ 0,3 %.

Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Brazil và Angola đã giảm đáng kể vào tháng trước, với khối lượng dầu đến từ Brazil giảm 47% và từ Angola giảm 34%.

Tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 9,4%, xuống còn 9,5 triệu thùng/ngày.

Xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh trong hai tuần qua

Xuất khẩu dầu thô thông qua đường biển của Nga đã giảm 900.000 thùng mỗi ngày trong hai tuần qua so với tuần cuối cùng của tháng 8, theo ước tính của Bloomberg.

Theo đó, một cơn bão ở Thái Bình Dương và sự sụt giảm từ các lô hàng dầu trên Biển Baltic là hai lý do chính khiến xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển giảm mạnh vào nửa đầu tháng 9.

Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển trung bình đạt 2,54 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 16/9. Con số này thấp hơn gần 900.000 thùng/ngày so với ước tính 3,42 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 2/9.

Mức trung bình bốn tuần cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm xuống dưới 3 triệu thùng/ngày lần đầu tiên sau hơn năm tháng.

Tổng lượng xuất khẩu thấp hơn đồng nghĩa doanh thu thấp hơn đối với Nga, và doanh thu này sẽ giảm hơn nữa vào tháng 10 do thuế suất xuất khẩu thấp hơn 15% đối với dầu thô. Khoản thu trên mỗi thùng dầu của Nga sẽ là thấp nhất kể từ tháng 2/2021 nếu xu hướng xuất khẩu giảm vẫn duy trì.

Trong sáu tháng đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Nga đã kiếm được 157 tỷ USD (158 tỷ euro) doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, theo Trung tâm nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan. EU nhập khẩu 54% trong số này, trị giá khoảng 84,7 tỷ USD (85 tỷ euro).

Tin Thị trường: Ả Rập Xê-út, Nga muốn giá dầu ở mức 100 USD Tin Thị trường: Ả Rập Xê-út, Nga muốn giá dầu ở mức 100 USD
Tin Thị trường: Tích trữ LNG trên biển đạt mức cao kỷ lục Tin Thị trường: Tích trữ LNG trên biển đạt mức cao kỷ lục

Bình An