Tin Thị trường: Tích trữ LNG trên biển đạt mức cao kỷ lục

15:15 | 12/09/2022

|
(PetroTimes) - Lượng lưu trữ LNG tại các tàu biển đạt mức cao kỷ lục trong hai năm qua; giá xăng tại Mỹ có thể tăng trở lại trong mùa đông...
Tin Thị trường:

Lưu trữ LNG trên biển đạt mức cao kỷ lục

Các nhà kinh doanh dịch vụ tiện ích và khí đốt tự nhiên đã và đang duy trì lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao trên biển trong hai năm qua do các kho khí đốt trên đất liền đã đầy và các nhà kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận từ việc giá khí đốt ở châu Âu và châu Á dự kiến ​​sẽ tăng đột biến khi mùa đông đến.

Mặc dù các nhà kinh doanh dầu thô thường tích trữ các tàu để chờ kiếm lời bằng cách bán dầu khi được giá. Tuy nhiên, việc tích trữ LNG không phải là một thực tế phổ biến vì nhiên liệu này bay hơi theo thời gian.

Tính đến đầu tháng 9, khối lượng LNG được lưu trữ ở các tàu trên biển là khoảng 1,4 triệu tấn - lượng lưu trữ nổi cao nhất trong hai năm - theo dữ liệu từ Kpler được Bloomberg trích dẫn. Nói một cách dễ hiểu, lượng LNG tồn kho trên biển hiện tại gần như tương đương với lượng LNG mà Tây Ban Nha đã nhập khẩu trong tháng 8.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á có khả năng tăng thêm khi mùa đông đến gần, và Nga tiếp tục cắt nguồn cung sang châu Âu. Điều này sẽ tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà giao dịch hiện đang tích trữ LNG trong kho lưu trữ nổi.

Giá xăng tại Mỹ có thể tăng trong mùa đông

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo giá xăng tại Mỹ có thể tăng vọt trong mùa đông này khi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga có hiệu lực tại Liên minh châu Âu.

Bà Yellen là quan chức đầu tiên đề xuất giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu của Nga như một biện pháp làm giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của quốc gia này.

Hồi đầu tháng này, G7 đã đồng ý áp đặt trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga bằng cách cấm các dịch vụ hàng hóa như vận tải, bảo hiểm và tài trợ đối với hàng hóa được bán trên một mức giá nhất định mà nhóm này vẫn chưa ấn định.

Liên minh châu Âu đã đồng ý về một lệnh cấm vận vào đầu năm nay đối với dầu và nhiên liệu của Nga, sẽ có hiệu lực vào tháng 12. Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ cần phải cung cấp dầu từ nơi khác.

Về phía Nga, nhà chức trách nước này tuyên bố sẽ không xuất khẩu dầu hoặc khí đốt cho các quốc gia tham gia vào bất kỳ thỏa thuận giới hạn giá nào.

Mỹ: Xuất khẩu LNG cao kỷ lục sang châu Âu sẽ không kéo dài

Khí đốt tự nhiên của Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực lấp đầy kho khí đốt của châu Âu trước mùa đông năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu LNG kỷ lục của Mỹ đã khiến giá khí đốt trong nước tăng vọt.

Tuy nhiên, trong khi giá LNG tăng vọt, Trung Quốc đang bán lại LNG của Nga cho châu Âu, và giá khí đốt ở Mỹ hiện cao gấp ba lần so với một thập kỷ trước và tăng 95% trên thị trường kỳ hạn vào tháng 11 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023. Hầu hết các nhà phân tích ở châu Âu đang nói về một cuộc suy thoái.

Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia nói rằng, LNG của Mỹ sẽ không đủ. Nhà phân tích năng lượng David Blackmon đã nhiều lần cảnh báo kể từ tháng 3 rằng, có rất nhiều khí tự nhiên trong lòng đất ở Mỹ, nhưng không phải tất cả chúng đều đang được khai thác. Nói cách khác, có những hạn chế đối với việc xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu. Sau đó là vấn đề giá cả.

Hiện tại, LNG của Mỹ đang có tính cạnh tranh, trong bối cảnh Gazprom siết việc vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1 để đáp trả các lệnh trừng phạt. Nhưng điều này không có nghĩa là LNG của Mỹ rẻ. Trên thực tế, nó không hề rẻ chút nào, đó là điều khiến hóa đơn nạp khí vào kho chứa khí đốt của EU tăng gấp 10 lần bình thường.

Trên thực tế, vào đầu năm nay, công ty đầu tư Goehring & Rozencwajg cũng đã dự báo rằng giá khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ sớm tăng theo giá của châu Âu.

Bình An