Tin thị trường: cung vẫn không đủ cầu

09:47 | 21/10/2021

|
(PetroTimes) - Một số quốc gia thành viên OPEC+ như Angola, Nigeria và Azerbaijan không thể đạt chỉ tiêu do thiếu đầu tư, trữ lượng cạn kiệt.
Tin thị trường: cung vẫn không đủ cầu

OPEC+ tháng 9 đã khai thác thấp hơn 15% so với hạn ngạch cho phép (tháng 8: -16%; tháng 7: -9%), làm thâm hụt nguồn cung dầu ra thị trường thế giới tương đương 747.000 bpd, chủ yếu bởi một số quốc gia thành viên như Angola, Nigeria và Azerbaijan không thể đạt chỉ tiêu do thiếu đầu tư, trữ lượng cạn kiệt. Sau Mỹ, mới đây Ấn Độ, Nhật Bản đã đề nghị OPEC+ tăng sản lượng khai thác nhằm kiềm chế đà tăng giá dầu thế giới. LB Nga tháng 8 giữ nguyên vị trí thứ 2 trong top 3 cường quốc về sản lượng khai thác dầu thô với 9,94 triệu bpd, vị trí đầu tiên vẫn thuộc về Mỹ - 11,18 triệu bpd (-1,1%), KSA tháng 8 khai thác được 9,562 triệu bpd (+0,9%).

Giá dầu thế giới và WTI (Mỹ) duy trì trên 82 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2014 đang thúc đẩy các nhà sản xuất đá phiến tăng sản lượng. Theo báo cáo mới nhất của EIA, số lượng giếng khoan chưa hoàn thành (Drilled but Uncompleted – DUC) cả nước Mỹ tiếp tục giảm nhanh chóng xuống 5.385 giếng – xấp xỉ mức thấp năm cuối 2014, 2016. Sản lượng khai thác dầu thô lưu vực Permian đã tăng lên mức bình quân 4,83 triệu bpd trong tháng 10, gần bằng kỷ lục 4,91 triệu bpd trước khủng hoảng giá dầu tháng 03/2020. Permian là lưu vực dầu đá phiến có giá thành khai thác thấp nhất, đồng thời cho năng suất cao, do đó, sản xuất tại đây phục hồi nhanh hơn các khu vực khác. Sản lượng khai thác lưu vực Bakken vẫn thấp hơn đỉnh điểm 26%, Eagle Ford - 37%.

Nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn EQT của Mỹ cho biết, ngành khí nước này đang bị hạn chế tới 20% tiềm năng khai thác do thiếu cơ sở hạ tầng vận chuyển, trong khi các mỏ khí lớn nằm cách xa đầu mối thu gom, xuất khẩu, thì hàng loạt các dự án xây dựng đường ống bị trì hoãn/hủy giấy phép bởi lo ngại ảnh hưởng đến môi trường (dự án PennEast Pipeline 187 km, Mountain Valley 400 km bị đội chi phí và lùi thời gian hoàn tất). Chính vì thế, đến nay, nhiều mỏ khí đốt lớn vẫn đang bị cô lập và không kết nối với thị trường thế giới bất chấp tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Một trong những chỉ số quan trọng thương mại thế giới - chỉ số giá vận chuyển biển toàn cầu (Drewry’s World Container index) bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, giảm 2,3% trong tuần kết thúc ngày 14/10 xuống dưới mức 10.000 USD, nhưng vẫn cao hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giảm mạnh nhất là tuyến Thượng Hải – New York, giảm 7% xuống 14.025 USD/40ft, trong khi New York – Rotterdam tăng 3% lên 1.154 USD/40ft. Nếu xu hướng này không mang tính chất tạm thời và được duy trì lâu dài, áp lực lạm phát toàn cầu phần nào sẽ giảm bớt.

Viễn Đông