Tin KrisEnergy phá sản có phải là sự thật?

20:43 | 11/06/2021

|
(PetroTimes) - Báo StraitsTimes ngày 7/6, Tạp chí The Diplomat 9/6/2021 đưa tin công ty thăm dò dầu khí Singapore KrisEnergy đã nộp đơn xin phá sản vì không trả được các khoản nợ và sẽ bắt đầu quá trình giải thể, thanh lý tài sản. Công ty đã nộp Đơn xin phá sản lên Tòa án Đảo Cayman (Caynam Islands Grand Court) Thứ Sáu 4/6/2021. Thời điểm điều trần tại Tòa chưa được xác định.
KrisEnergy hoàn thành chương trình khảo sát địa chấn 3D tại Lô A, CampuchiaKrisEnergy hoàn thành chương trình khảo sát địa chấn 3D tại Lô A, Campuchia
Tin KrisEnergy phá sản có phải là sự thật?
KrisEnergy thu được giọt dầu thương mại đầu tiên tại mỏ dầu Apsara cuối tháng 12/2020. Ảnh: KrisEnergy.

KrisEnergy cho biết trong quá trình đưa ra quyết định đã cân nhắc các nhân tố, trong đó có việc các khoản nợ đã vượt giá trị tài sản, dòng vốn và tiền mặt thu được từ việc phát triển giai đoạn 1 dự án dầu khí Apsara, Campuchia, thấp hơn đáng kể so với dự tính, thiếu giải pháp tái cơ cấu chấp nhận được và không tìm được nguồn tiếp vốn trước mắt.

KrisEnergy có quá trình hoạt động hơn 10 năm ở Campuchia. Là một đối tác nhỏ, năm 2014, KrisEnergy đã mua lại cổ phần kiểm soát từ tập đoàn dầu khí Chevron tại Lô A trong Vịnh Thái Lan. Chevron nhận được giấy phép thăm dò từ năm 2002, nhưng đã rút lui sau một số thất bại, trong đó có bất đồng về thuế và thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với cơ quan chức năng Campuchia. Năm 2017, Chính phủ Campuchia đã ký thỏa thuận liên doanh với KrisEnergy để thăm dò, phát triển dầu khí tại khu vực rộng 3000 km2 tại Vịnh Thái Lan (Lô A), dự kiến sản xuất dầu vào năm 2019. Cuối tháng 12/2020, KrisEnergy thu được giọt dầu thương mại đầu tiên từ mỏ dầu Apsara, cách bờ biển Campuchia 160km trong Vịnh Thái Lan. Đây là một thời khắc quan trọng đối với Chính phủ Campuchia. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Campuchia nuôi dưỡng tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi Vịnh Thái Lan, xây dựng năng lượng quốc gia về dầu khí và năng lượng. Nỗ lực sản xuất dầu khí gặp khó khăn chủ yếu do giá dầu thế giới đi xuống.

KrisEnergy ở trong tình trạng khó khăn tài chính trong nhiều năm, hy vọng sản lượng từ mỏ dầu ở Campuchia sẽ giúp công ty tránh khỏi bị phá sản. Công ty đặt cược vào nguồn thu từ sản lượng ở mỏ dầu này để có thể vượt qua quá trình tái cấu trúc, với khoản nợ lên tới 476,8 triệu USD (631,4 triệu đô la Singapore). Tháng 4/2021, KrisEnergy tuyên bố sản lượng từ mỏ dầu của Campuchia chưa được một nửa so với dự kiến. Cũng trong tháng 4/2021, KrisEnergy cho biết, kế hoạch tái cấu trúc tài chính của công ty không thực hiện được vì sản lượng “thất vọng” tại mỏ dầu Apsara.

Cổ đông lớn nhất của KrisEnergy là công ty Keppel Corp., nắm giữ khoảng 420 triệu đô la Singapore. Các khoản nợ của KrisEnergy đối với Keppel được bảo đảm bằng quyền thu hồi đầu tiên các tài sản dầu khí của công ty. Việc mua bán cổ phiếu của KrisEnergy trên thị trường chứng khoán đã bị ngừng từ tháng 8/2019./.

Thanh Bình