Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (ngày 20-26/3/2023)

14:00 | 27/03/2023

|
(PetroTimes) - Rosneft, CNPC thảo luận hợp tác song phương; Moldova nối lại việc mua khí đốt từ Gazprom; TotalEnergies công bố lộ trình giảm phát thải; Công ty Dầu mỏ Kuwait tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” sau sự cố tràn dầu… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (ngày 20-26/3/2023)

Giám đốc điều hành của công ty dầu khí nhà nước Brazil, Jean Paul Prates mới đây cho biết, Petrobras có thể là công ty cuối cùng đứng vững khi khai thác dầu thô trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng. Các bình luận được đưa ra liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng và liệu có lý do gì phải lo ngại đối với một công ty dầu mỏ như Petrobras hay không. Sản lượng dầu thô của Brazil dự kiến ​​đạt 3,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và dự kiến ​​sẽ tăng đến năm 2030, nhưng sẽ cần đầu tư nếu quốc gia này muốn tiếp tục tăng trưởng, hoặc thậm chí chỉ để duy trì các mức đó. Hiện tại, Petrobras cho biết họ sẽ tập trung vào các phát hiện hiện có ở các khu vực tiền muối, cũng như tìm kiếm những phát hiện mới. Petrobras cũng sẽ xem xét việc mở ra các lưu vực mới ở rìa xích đạo gây tranh cãi ở phía bắc, nơi có địa chất tương tự như điểm nóng dầu mỏ Guyana.

Công ty Rosneft của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã tổ chức một cuộc họp tại Moscow để thảo luận về một loạt vấn đề hợp tác song phương, bao gồm thăm dò, khai thác, cung cấp dầu và quản lý carbon. Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin đã gặp đại diện của CNPC trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phái đoàn Trung Quốc do Huang Yongzhang, Phó chủ tịch CNPC, Giám đốc điều hành và chủ tịch của PetroChina dẫn đầu.

Trong cuộc họp, Rosneft CNPC cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Nga-Trung lần thứ 5. Rosneft có các hợp đồng dài hạn với Trung Quốc, bao gồm cả hợp đồng với CNPC về cung cấp 325 triệu tấn dầu. Từ năm 2005 đến năm 2022, tổng nguồn cung của Rosneft cho Trung Quốc lên tới 442 triệu tấn dầu. Hơn nữa, Rosneft và CNPC đã ký hợp đồng vào tháng 2/2022 để cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc qua Kazakhstan trong thời hạn 10 năm.

Moldova đã nối lại việc mua khí đốt từ Gazprom của Nga vào tháng 3 sau khi tạm dừng khoảng 3 tháng, người đứng đầu nhà phân phối khí đốt tự nhiên nhà nước Moldovagaz cho biết hồi đầu tuần. Kể từ tháng 12/2022, Gazprom chỉ cung cấp khí đốt cho khu vực ly khai Transdniestria do Nga hậu thuẫn của Moldova, phía đông sông Dniester. Trong khi đó, khí đốt đến phần phía tây sông Dniester, bao gồm cả thủ đô Chisinau, bị cắt đi hoàn toàn. Quốc gia Đông Âu này đã bị lôi kéo bởi Nga và phương Tây kể từ khi giành được độc lập từ Moscow sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nguồn cung cấp khí đốt thường xuyên gây ra căng thẳng giữa Moldova và Nga và cho đến cuối năm ngoái, Moldova hầu như chỉ dựa vào Gazprom để nhập khẩu khí đốt và năng lượng của Nga. Ceban cho biết quyết định khởi động lại việc mua khí đốt để sử dụng cho sản xuất điện là do giá của Gazprom "gần giống" với giá do nhà cung cấp trong nước Energocom đưa ra trong tháng này.

TotalEnergies vừa thông báo điều chỉnh tăng mục tiêu giảm phát thải CO2 liên quan đến việc khai thác dầu mỏ như một phần của chiến lược hiện tại và sẽ đệ trình để các cổ đông bỏ phiếu tại phiên họp tiếp theo. Tuy nhiên, tập đoàn dầu khí này, vốn có vị trí quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã không thay đổi tham vọng về việc giảm lượng khí thải liên quan đến tất cả các sản phẩm được khách hàng sử dụng vào năm 2030, điều mà các tổ chức phi chính phủ và một số nhà đầu tư cho là chưa đủ. TotalEnergies xác định mục tiêu giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030 so với năm 2015, so với mục tiêu ban đầu là giảm 30% vào năm 2030. Đồng thời, TotalEnergies đã nâng mục tiêu giảm cường độ carbon trong hỗn hợp năng lượng bán cho khách hàng từ -20% xuống còn -25% vào năm 2030 so với năm 2015, với mức giảm 15% từ năm 2025 (so với mức giảm 10% trước đây).

Đến năm 2030, tập đoàn dầu khí có kế hoạch đầu tư từ 14 đến 18 tỷ USD mỗi năm, trong đó trích 1/3 vào năng lượng carbon thấp và khoảng 30% dành cho việc phát triển các dự án dầu khí mới, phần còn lại dành cho việc duy trì danh mục hydrocarbon của tập đoàn.

Tuần qua, Công ty dầu mỏ quốc gia Kuwait đã công bố “tình trạng khẩn cấp” sau sự cố tràn dầu trên đất liền, đồng thời cho biết chưa ghi nhận báo cáo về thương vong hay gián đoạn khai thác liên quan đến vụ việc. Người phát ngôn của công ty, ông Qusai Alamer, cho biết đã cử các nhóm chuyên gia đến hiện trường để xác định nguồn rò rỉ và ngăn chặn sự cố. Báo Al Rai của Kuwait đã đăng tải một đoạn video trên Twitter cho thấy một đường ống dẫn dầu đã phun một lượng lớn dầu ra khu vực đất khô cằn xung quanh. Kuwait là một trong những nhà khai thác dầu thô hàng đầu thế giới. Gần 90% nguồn thu quốc gia đến từ dầu mỏ. Công ty Dầu mỏ Kuwait đã báo cáo các vụ rò rỉ dầu trong những năm gần đây. Vào năm 2017, hai vệt dầu loang đã được ghi nhận ngoài khơi bờ biển của quốc gia này trong khoảng thời gian vài ngày.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (26/2-5/3/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (26/2-5/3/2023)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (13-19/3/2023)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (13-19/3/2023)

Nh.Thạch

AFP