Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-15/10)

08:24 | 16/10/2022

|
(PetroTimes) - Rosneft kháng cáo quyết định của Chính phủ Đức; Petronas tuyên bố bất khả kháng đối với dự án LNG lớn nhất thế giới; CNOOC nhắm đến 6 lô dầu mới ở Gabon; Chính quyền Sakhalin kiện Exxon Neftegas… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (9-15/10)

Vào hôm 14/10, các luật sư của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft (Nga) đã đệ đơn kháng cáo nhà nước Đức sau khi Berlin quyết định nắm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Rosneft Deutschland trong bối cảnh bất đồng năng lượng với Moscow.

Theo văn phòng luật sư Malmendier Legal (Đức), Rosneft đã đệ đơn chống lại Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức với lý do “Cơ quan này áp đặt sự giám sát miễn cưỡng lên mọi hoạt động của họ”. Được biết, Đức nắm quyền kiểm soát chi nhánh con này với lý do “công ty Nga không tuân thủ các yêu cầu pháp lý”. Trong khi đó, văn phòng luật sư khẳng định rằng Rosneft “luôn tuân thủ các cam kết tại Đức (...) bất chấp bối cảnh xung đột Nga – Ukraine”. Ngoài ra, tòa án Hành chính Liên bang Đức ở Leipzig, nơi Rosneft đệ đơn, cũng đã xác nhận “yêu cầu” và hiện đang “xử lý”. Theo đó, vào đầu tháng 9/2022, trong bối cảnh đảm bảo “an ninh nguồn cung” tại thời điểm căng thẳng về năng lượng và xung đột Nga – Ukraine, Chính phủ Đức đã đặt các chi nhánh của Rosneft (chiếm 12% tổng công suất lọc dầu toàn quốc) tại đất nước này dưới “chế độ ủy thác quyền kiểm soát”. Tương tự, chính phủ Đức cũng đã nắm quyền kiểm soát đáng kể đối với nhà máy lọc dầu PCK ở thị trấn Schwedt – cơ sở chuyên cung cấp nhiên liệu cho thủ đô Berlin, sân bay và toàn bộ khu vực xung quanh thủ đô. Đức đã cam kết chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Do đó, Chính phủ phải đảm bảo rằng nhà máy lọc dầu trong nước có thể tiếp tục chế biến dầu từ các nguồn khác. Hiện nay, nhà máy lọc dầu PCK chỉ xử lý dầu của Nga, được vận chuyển qua đường ống Druzhba.

Mặt khác, đối với người Nga, quyền kiểm soát ủy thác “không phải là phương tiện thích hợp” để đạt được những mục tiêu này. Thật vậy, Rosneft cho biết họ sẵn sàng “thực hiện các đợt giao hàng bù” sao cho phù hợp với quyết định cấm vận dầu Nga của Đức. Theo các luật sư đại diện cho công ty, trường hợp của Rosneft không giống với trường hợp của Gazprom. Cụ thể, trước khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine, 55% sản lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức đến từ ông lớn khí đốt Gazprom của Nga. Sau đó, sản lượng đã giảm dần và ngừng hoàn toàn vào đầu tháng 9. Vào đầu tháng 4/2022, Berlin đã nắm quyền kiểm soát Gazprom Germania – công ty con của Gazprom chuyên sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng lưu trữ và vận chuyển năng lượng ở Đức.

Trong khuôn khổ chuỗi dự án hydro IPCEI Hy2Use, Ủy ban châu Âu đã quyết định dùng nguồn tài trợ công để đầu tư vào hai dự án của hai nhà năng lượng khổng lồ Ý là Eni Enel Green Power.

IPCEI Hy2Use có sự góp mặt và tham gia của 13 Quốc gia Thành viên EU, với 5,2 tỷ euro vốn phân bổ vào hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghiệp mới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị hydro. South Italy Green Hydrogen - Liên doanh do hai công ty thành lập để thúc đẩy sự phát triển của các dự án, sẽ là đơn vị nhận phần tài trợ.

Một trong những dự án sẽ bao gồm việc lắp đặt một hệ thống điện phân có công suất 20 MW, được thực hiện tại nhà máy lọc dầu sinh học ở Gela, Sicily. Dự án còn lại sẽ cho lắp đặt một hệ thống điện phân có công suất 10 MW, gần nhà máy lọc dầu của Eni ở Taranto, trong vùng Puglia.

Ngày 12/10, Petronas đã tuyên bố bất khả kháng về việc cung cấp khí đốt cho một trong những cảng LNG, Malaysia LNG Dua, do sự cố rò rỉ đường ống, gây ra bởi di chuyển đất đá (nguồn tin không nói rõ liệu có phải động đất hay không) tại đường ống dẫn khí Sabah-Sarawak. Điều này đã ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt cho cơ sở sản xuất của Malaysia LNG Dua tại Tổ hợp Petronas LNG ở Bintulu, Sarawak. Sự việc chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt cho cơ sở của Malaysia LNG Dua, các cơ sở sản xuất LNG khác trong vẫn tiếp tục hoạt động theo kế hoạch. Petronas không cho biết nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng như thế nào hoặc sự gián đoạn sẽ kéo dài bao lâu. Với tổng công suất LNG là 25,7 triệu tấn mỗi năm, dự án LNG ở Malaysia là một trong những cơ sở LNG lớn nhất thế giới tập trung tại một địa điểm duy nhất.

Trong Tuần lễ Dầu mỏ châu Phi vừa được tổ chức tại Cape Town, Nam Phi từ ngày 3/10 đến 7/10, Gabon đã kêu gọi đấu thầu vào 6 lô dầu. Một số nhà đầu tư từ các quốc gia khác nhau đã thể hiện sự quan tâm, trong đó có CNOOC. Sau buổi gọi thầu, CNOOC quyết định sẽ đầu tư vào các lô dầu mới này. Bộ Dầu khí Gabon cho biết các thỏa thuận sẽ được ký kết trước tháng 12/2022. Ông Edgard Mbina Kombila - Tổng giám đốc mảng hydrocarbon của Công ty Dầu nhà nước Gabon cũng đã xác nhận điều này.

Kể từ tháng 11/2018, Nhà nước Gabon đã đấu thầu 35 lô dầu ngoài khơi, bao gồm 23 lô ở khu vực nước sâu và 12 lô ở gần bờ. Theo Bộ Dầu khí Gabon, mục đích của việc đấu thầu các lô dầu mỏ mới này là nhằm chống lại sự suy giảm sản lượng trong dài hạn và tái tạo trữ lượng dầu khí của đất nước bằng cách tăng cường thăm dò.

Văn phòng Tổng công tố và Bộ Tài chính của vùng Sakhalin đã kiện Exxon Neftegas Limited - Công ty con của Exxon Mobil đang điều hành dự án Sakhalin-1, lên tòa án thành phố Yuzhno-Sakhalinsk. Đơn kiện nhà điều hành dự án Sakhalin-1 được đệ trình vào ngày 26/9, có phiên điều trần sơ bộ vào ngày 14/10. Nguyên đơn là Văn phòng Tổng công tố và Bộ Tài chính vùng Sakhalin, bị đơn là Exxon Neftegas Limited. Chính quyền khu vực và Cục Thuế Liên bang (UFTS) được chỉ định là bên thứ ba. Các chi tiết của yêu cầu không được đưa ra. Ngoài ra, tòa án thành phố Yuzhno-Sakhalinsk ngày 27/9 đã ban hành quyết định tịch thu tài sản của Exxon Neftegas Limited. Các nhà quan sát dự đoán, có thể vụ kiện Exxon Neftegas liên quan đến việc ngừng khai thác dầu tại dự án Sakhalin-1.

Exxon Neftegas sở hữu 30% cổ phần trong dự án Sakhalin-1. Vào tháng 3, công ty này tuyên bố ý định rút khỏi dự án và kêu gọi các nhân viên của mình rời khỏi Liên bang Nga. Exxon Mobil cũng tuyên bố sẽ không đầu tư vào các dự án mới ở Nga. Khoản lỗ của công ty do rút khỏi Sakhalin-1 có thể lên tới 4 tỷ USD. Vào tháng 4, Exxon Mobil đã thông báo về việc áp dụng chế độ bất khả kháng và sau đó đã tiến hành giảm sản lượng dầu từ dự án. “Trường hợp bất khả kháng đã được tuyên bố do các sự kiện gần đây có thể ngăn cản Exxon Neftegas thực hiện các nghĩa vụ theo các thỏa thuận, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí và hàng hải", Bloomberg đưa tin.

Vào tháng 8, Exxon Mobil thông báo rằng họ đang tiến hành chuyển giao các hoạt động điều hành dự án cho một pháp nhân khác, chưa được nêu tên. Các cổ đông của dự án Sakhalin-1 là Sodeco của Nhật Bản (30%) và ONGC của Ấn Độ (20%). Theo báo cáo của Rosneft, công ty sở hữu 20% cổ phần của Sakhalin-1, do Exxon rút khỏi dự án, việc khai thác dầu thực tế đã bị dừng lại.

Vào thứ Sáu tuần trước (7/10), Tổng thống Nga Vladimir Putin ra sắc lệnh thành lập một nhà điều hành mới của Nga đối với dự án Sakhalin-1. Nhà điều hành mới của dự án Sakhalin-1 sẽ là Rosneft Sakhalinmorneftegaz-Shelf.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (2-8/10)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/9-1/10)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (25/9-1/10)

Nh.Thạch

AFP