Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông

20:02 | 14/06/2021

|
(PetroTimes) - Các hãng tin, báo chí lớn như Reuters, CNBC, NYT, Washington Post, the Guardian, BBC từ 11-14/6 có nhiều tin, ảnh và bình luận về Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Cornwall, Anh từ ngày 11-13/6/2021, với dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” và cam kết của các thành viên G7 đối mặt với các thách thức toàn cầu sau đại dịch Covid 19. Thượng đỉnh G7 là một trong số ít diễn đàn tập hợp các nền kinh tế phát triển nhất, có tầm ảnh hưởng xã hội lớn, chia sẻ nhiều giá trị chung và có các trao đổi mật thiết.
Thành quả chính sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh JohnsonThành quả chính sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Anh Johnson
Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với PutinChuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin
Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung QuốcTổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc

Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông

Ảnh lãnh đạo các nước tham dự Thượng đỉnh G7 tại Cornawell. Ảnh: Tư liệu Cornawell

Đây là Thượng đỉnh G7 trực tiếp đầu tiên sau gần 2 năm qua, với sự tham dự của lãnh đạo các nước Anh, Canada ,Đức, Pháp, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Lãnh đạo các nước Úc, Nam Phi, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự với tư cách khách mời. Hội nghị Thượng đỉnh G7 và khách mời đại diện cho 2,2 tỷ người trên thế giới và hơn 1/2 nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Anh Boris Johnson, đại diện nước chủ nhà, tuyên bố Thượng đỉnh G7 là “cơ hội để xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid, đoàn kết để tạo dựng một tương lai công bằng hơn, xanh hơn và thịnh vượng hơn”. Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Cornwall đã cho thấy vai trò của Mỹ và sự quay trở lại của tinh thần hợp tác quốc tế xuyên Đại Tây Dương, :

Cam kết “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”.

Thượng đỉnh G7 đã thông qua Thông cáo báo chí về chương trình hành động chung toàn cầu “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” sau đại dịch Covid 19, thúc đẩy giá trị chung giữa các nước G7, các thách thức toàn cầu và cam kết chính như sau: (i) Y tế: quyết tâm chấm dứt đại dịch vào năm 2022, cam kết viện trợ trên 2 tỷ liều vắc-xin, trong đó có 1 tỷ liều vắc-xin bổ sung trong năm tới. (ii) Khôi phục kinh tế và việc làm: kế hoạch phục hồi kinh tế với 12 nghìn tỷ hỗ trợ trong giai đoạn đại dịch, thúc đẩy chuyển đổi từ phản ứng khủng hoảng sang tăng trưởng, tạo việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sáng tạo, trợ giúp người dân. (iii) Thúc đẩy thương mại tự do và công bằng: cải cách hệ thống thương mại, xây dựng nền kinh tế toàn cầu bền bỉ hơn, hệ thống thuế toàn cầu công bằng hơn (ủng hộ thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn để ngăn chặn việc trốn thuế); chuyển đổi công nghệ. (iv) Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu: ủng hộ cách mạng xanh tạo việc làm, cắt giảm khí thải, hạn chế trái đất nóng lên theo Thỏa thuận Paris, chuẩn bị cho COP26, cam kết cân bằng carbon vào năm 2050, cắt giảm 50% khí thải vào năm 2030, bảo tồn, bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và đại dương vào năm 2030. (v) Củng cố quan hệ đối tác: phát triển quan hệ đối tác kiểu mới, thay đổi cách tiếp cận trong đầu tư cơ sở hạ tầng; củng cố quan hệ đối tác với châu Phi, cam kết 100 tỷ USD hàng năm cho các nước thu nhập thấp; thúc đẩy Kế hoạch “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”, cam kết tài chính cho cơ sở hạ tầng “từ đường sắt ở châu Phi tới các trang trại gió ở châu Á”, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang năng lượng tái tạo. (vi) Thúc đẩy trách nhiệm toàn cầu và hành động quốc tế: thúc đẩy dân chủ, tự do, công bằng, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền để giải quyết các thách thức lớn nhất; hợp tác với các nước, trong khuôn khổ hệ thống đa phương dựa trên pháp luật; bày tỏ quan điểm về quan hệ G7 với các đối tác như Trung Quốc, Nga, một số vấn đề quốc tế và khu vực như vấn đề Belarus, Ucraina, hạt nhân Iran, Bán đảo Triều Tiên, Afganistan, Ethiopia, Tây Phi, Myanmar, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; cam kết hợp tác với các nước G20, các tổ chức quốc tế có liên quan vì một tương lai “sạch hơn, công bằng hơn và an toàn hơn” cho người dân và trái đất.

Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông
Đa số các cuộc họp tại Thượng đỉnh G7 là họp kín. Ảnh: Tư liệu Cornawell.

Quan hệ với Trung Quốc, Nga, vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông: (i) Trung Quốc: là đối thủ cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, là “nền kinh tế phi thị trường”; G7 sẽ “tham vấn về một các tiếp cận tập thể đối với các chính sách phi thị trường và thực tiễn làm phương hại hoạt động công bằng và minh bạch của nền kinh tế thị trường”; “sẽ hợp tác trong những vấn đề có lợi ích chung giải quyết các thách thức toàn cầu chung”, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và các vấn đề đa phương khác; thúc đẩy các giá trị chung của G7, trong đó có tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do, quy chế tự trị của Hồng Công. (ii) Nga: G7 quan tâm phát triển quan hệ ổn định và dự đoán được với Nga, tiếp tục can dự trong những lĩnh vực có lợi ích chung. (iii) Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông: Tái khẳng định tầm quan trọng duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, trên cơ sở pháp luật; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định dọc Eo biển Đài Loan, khuyến khích giải pháp hòa bình các vấn đề hai bên eo biển Đài Loan.

Về Biển Đông và Biển Hoa Đông: Lo ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và mạnh mẽ phản đối bất cứ mưu toan đơn phương nào thay đổi nguyên trạng (status quo) và làm gia tăng căng thẳng.

Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông
Nữ hoàng Anh tiếp Tổng thống Mỹ Biden và phu nhân tại Lâu đài Windsor. Ảnh: Tư liệu Cornawell

Nước Mỹ quay trở lại:

Tại Họp báo kết thúc Thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden nhấn mạnh “Mỹ đã đạt tiến triển trong tái thiết lập tính đáng tin cậy trên diễn đàn quốc tế”; “kết thúc hội nghị G7 đặc biệt, hợp tác và đạt kết quả”, “các lãnh đạo chia sẻ về các thách thức về biến đổi khí hậu, kinh tế, đại dịch Covid, công nghệ và các vấn đề địa chính trị”. “Nước Mỹ đã quay trở lại lãnh đạo thế giới cùng với các nước chia sẻ những giá trị sâu sắc nhất của chúng ta”. Trong vấn đề vắc-xin, Tổng thống Biden cam kết cung cấp 500 triệu liều vắc-xin cho các nước thiếu hụt mà “không có điều kiện đi kèm”; có thể đóng góp 1 tỷ liều vắc-xin trong các năm tới.

Dư luận cho rằng so với “Nước Mỹ trước tiên” thời chính quyền Trump, Tổng thống Biden đã mang đến âm hưởng hoàn toàn khác tại G7, có các cuộc thảo luận thẳng thắn, hợp tác về các vấn đề toàn cầu, không reo rắc bất đồng. Dư luận Mỹ và châu Âu cho rằng Tổng thống Biden đã khôi phục mạnh mẽ hình ảnh, uy tín toàn cầu của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông
Nữ hoàng Anh tiếp các lãnh đạo G7. Ảnh: Cornawell

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu thở phào, như phát biểu của Thủ tướng Italia Mario Draghi “Tổng thống Biden muốn xây dựng lại những gì là đồng minh truyền thống của Mỹ sau thời chính quyền Trump, liên minh bị rạn nứt nghiêm trọng”. Tổng thống Macron cho rằng “Nước Mỹ quay trở lại với vai trò lãnh đạo hợp tác của thế giới tự do”.

Dư luận cho rằng Trung Quốc là một nội dung trao đổi xuyên suốt tại G7. Tổng thống Biden muốn các đối tác, đồng minh thể hiện một “mặt trận thống nhất” để đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng, cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc. Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” trị giá nhiều tỷ USD cung cấp tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển được cho là một đối trọng “chất lượng cao” với kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Để xoa dịu dư luận cho rằng các nước phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, quan chức chính quyền Biden nhấn mạnh “đây là việc đưa ra một tầm nhìn, một cách tiếp cận khác để các nước lựa chọn”, Mỹ thúc đẩy “một chương trình nghị sự đáng tin cậy, tích cực, tập hợp các nước cùng chia sẻ các giá trị về các vấn đề Mỹ quan tâm nhất”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước G7 nhìn nhận Trung Quốc với con mắt cứng rắn như Tổng thống Biden. Đa số các thành viên G7 muốn có quan hệ kinh tế tích cực với Trung Quốc, không muốn đối đầu, âm thầm phản đối một số chính sách của Trung Quốc. Mỹ không thành công trong việc thuyết phục các nước G7 có lập trường chung về vấn đề Tân Cương. Tổng thống Pháp Macron cho rằng “G7 không phải là một câu lạc bộ chống Trung Quốc”, “đây là một tập hợp của các nền dân chủ muốn làm việc với Trung Quốc trong tất cả các chủ đề mà Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chúng ta”. Trung Quốc theo dõi sát các hoạt động tại Thượng đỉnh G7, bày tỏ thái độ phản đối việc đưa Trung Quốc vào trong tiêu điểm chương trình nghị sự của hội nghị.

Đây là chuyến đi thăm nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Biden muốn củng cố quan hệ với các đồng minh. Tuy từ ngữ về Trung Quốc trong Thông cáo báo chí G7 chưa được như mong muốn nhưng Tổng thống Biden tỏ thái độ hài lòng. Trong thứ Hai và Thứ Ba, Tổng thống Biden sẽ sang Brussels để dự Thượng đỉnh NATO và Thượng đỉnh EU-Mỹ, thúc đẩy cho chiến lược "đối trọng" với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, "đề cập trực tiếp các thách thức an ninh từ Trung Quốc trong Thông cáo báo chí", như phát biểu của một quan chức chính quyền Biden./.

Thanh Bình