Thuế lợi nhuận bất thường đánh vào các gã khổng lồ năng lượng
![]() |
Trong giai đoạn chiến tranh Nga - Ukraine, TotalEnergies (Pháp) đã hưởng lợi rất nhiều từ việc tăng giá dầu và khí đốt, thu về lợi nhuận khổng lồ trong quý II/2022 |
Những tháng gần đây, lợi nhuận của một số tập đoàn năng lượng đã bùng nổ nhờ giá năng lượng tăng vọt. Chỉ trong quý II/2022, Shell (Anh) đã thu được 18 tỉ USD, Eni (Italia) thu 3,8 tỉ USD, TotalEnergies (Pháp) được 5,7 tỉ euro. Repsol của Tây Ban Nha ghi nhận lợi nhuận tăng 165% từ tháng 1-2022.
Giá năng lượng tăng cao đã đẩy hàng triệu hộ gia đình vào tình trạng bấp bênh và khiến chính phủ phải chi những khoản tiền hỗ trợ đáng kể. Hồi tháng 5, Chính phủ Anh đã công bố gói chính sách trị giá 19 tỉ USD nhằm giúp các hộ gia đình ứng phó với sinh hoạt phí tăng cao. Mỗi hộ gia đình Anh sẽ nhận khoản tín dụng trị giá 505 USD cho hóa đơn năng lượng của gia đình từ tháng 10-2022. Đức phát tiền mặt cho người lao động và giảm giá xăng, giá vé các phương tiện công cộng. Pháp chi 2,15 tỉ USD để trợ giá xăng 0,16 USD/lít. Hà Lan giảm thuế giá trị gia tăng với năng lượng từ 12% xuống 9%, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng, trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp trong gói hỗ trợ 3 tỉ USD.
Một số bang tại Mỹ thông qua dự luật tạm dừng thu thuế nhiên liệu, giảm thuế hàng tạp hóa, giảm 1.000 USD thuế cho các gia đình gặp khó khăn vì giá nhiên liệu...
Tại châu Á, đầu tháng 6-2022, Hàn Quốc giảm tiếp thuế xăng dầu. Thủ tướng Thái Lan cam kết tăng cường dự trữ dầu và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, tăng trợ cấp tiền mặt từ mức 45 baht/tháng lên 100 baht/tháng và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi người dân mua gas nấu ăn...
![]() |
Việc đánh thuế lợi nhuận bất thường với các tập đoàn năng lượng chưa chắc sẽ giúp giảm giá nhiên liệu |
Trong giai đoạn từ tháng 10-2021 đến cuối năm 2022, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính sẽ có 169 tỉ USD được các quốc gia thành viên và đối tác hỗ trợ trực tiếp cho tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Jacob Kirkegaard - thành viên chi nhánh Brussels của Tổ chức tư vấn Quỹ German Marshall Fund (Quỹ GMF) - đánh giá: Những tập đoàn năng lượng không kiếm thêm lợi nhuận nhờ đầu tư mà nhờ có chiến tranh. Việc các tập đoàn năng lượng thu về quá nhiều tiền trong khi những người khác đang lao đao là không thể chấp nhận được.
Vào giữa tháng 7-2022, Tây Ban Nha đã công bố mức thuế đánh vào lợi nhuận khổng lồ của các công ty tài chính và năng lượng lớn. Dự báo khoản thu từ loại thuế này sẽ vào khoảng 3,5 tỉ euro/năm trong vòng 2 năm.
Trước đó, vào cuối tháng 5-2022, Anh tạm thời đánh thuế lợi nhuận bất thường 25% với các công ty năng lượng. Khi giá nhiên liệu trở lại bình thường, sắc thuế này sẽ được hủy bỏ. Italia cũng áp dụng mức thuế tương tự...
Tuy nhiên, thuế lợi nhuận bất thường có nhiều điểm hạn chế.
Văn phòng luật sư London Freshfields Bruckhaus Deringer lưu ý: Sắc thuế mới có mặt hạn chế, nhiều thách thức có thể phát sinh nếu sắc thuế này tạo lợi thế cạnh tranh giữa các đối thủ.
Đó là trường hợp của Tập đoàn năng lượng Engie (Pháp) đối với thuế lợi nhuận bất thường của Italia. Vào hôm 29-6-2022, Giám đốc tài chính Engie Pierre-François Riolacci cho biết, Engie có thể lên tiếng phản đối chính sách thuế với chính quyền Italia và EU. Engie cáo buộc sắc thuế này được thiết lập tùy tiện và bóp méo cạnh tranh.
Sau khi đặt lá chắn thuế lợi nhuận bất thường lên sản phẩm khí đốt và điện của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF), Chính phủ Pháp muốn các ông lớn năng lượng khác tự hành động tương ứng. Bị đe dọa bởi sắc thuế mới, TotalEnergies đã thông báo gói giảm giá xăng bán lẻ trong năm nay trị giá 500 triệu euro.
Ông Alex Cobham - Giám đốc điều hành Mạng lưới tư pháp thuế (Tax Justice Network) - chỉ trích: “Biện pháp đó chỉ có tác dụng đối với những tập đoàn đang cảm thấy bị đe dọa chứ không có lợi cho những người dân dễ bị tổn thương nhất như bản chất của thuế đem lại”.
Lợi ích thu được từ thuế lợi nhuận bất thường rất khó ước định. TotalEnergies đã báo lỗ từ hoạt động kinh doanh ở Pháp vào năm 2021. Vì vậy, TotalEnergies đã không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021.
Theo ông Alex Cobham, nếu các công ty năng lượng tin rằng chỉ nên đánh thuế vào lợi nhuận thu được tại một quốc gia, dựa vào hệ thống thuế quốc tế còn nhiều bất cập, thì họ chỉ có nguy cơ bị chú ý thêm. Ông Alex Cobham cũng đề cập đến xu hướng “tối đa hóa lợi nhuận” của một số công ty năng lượng khổng lồ tại các vùng có chính sách thuế khoan dung hơn.
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Âu Jacques Delors, thay vì để các quốc gia tự áp dụng thuế, nên chọn một tổ chức châu Âu phù hợp nhất để áp đặt thuế lợi nhuận bất thường.
Ngày 8-8-2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 51/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng. Theo đó, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2020/NĐ-CP từ 20% xuống 10%. Người dân kỳ vọng việc giảm thuế này có thể tiếp tục tạo đà giảm mạnh cho giá xăng tương tự giảm thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc giảm thuế nhập khẩu chỉ có ý nghĩa về nguồn cung. Theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng có nhiều ý nghĩa về nguồn cung hơn là giúp giảm giá xăng. |
S.Phương