Thu hồi và lưu trữ carbon chỉ là giấc mơ viển vông?

09:02 | 27/11/2023

|
(PetroTimes) - Thu giữ và lưu trữ carbon dưới lòng đất (CCUS), trong mắt những người ủng hộ khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, là công nghệ giúp giữ dầu và khí đốt trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.
Thu hồi và lưu trữ carbon chỉ là giấc mơ viển vông?

Ý kiến này vừa đúng vừa không

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào hôm 23/11, công nghệ CCUS đã lập kỷ lục về khả năng triển khai trên quy mô vừa đủ và trong những điều kiện kinh tế khả thi.

Mặc dù ngành dầu khí toàn cầu có vị trí thuận lợi nhằm phát triển các công nghệ này và có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, IEA vẫn lên tiếng cảnh báo về một số cạm bẫy.

Một trong số đó là “kỳ vọng và phụ thuộc quá mức vào CCUS”.

Thật vậy, IEA gọi CCUS là “một công nghệ thiết yếu nhằm có phát thải ròng bằng 0 trong một số lĩnh vực và hoàn cảnh, nhưng đó không phải động lực duy trì hiện trạng”.

Từ khóa trong đoạn trích dẫn trên là "một số". Điều này có nghĩa rằng CCUS là một công nghệ khả thi nhằm làm giảm lượng khí thải trong một số trường hợp, nhưng nó không phải là giải pháp thần kỳ như theo lời tung hô - phần lớn đến từ những gã khổng lồ dầu khí và những người ủng hộ họ.

IEA đã công bố một vài số liệu đáng lo ngại trong báo cáo của mình, với tựa đề “Ngành công nghiệp dầu khí trong Quá trình chuyển dịch Net Zero” (The Oil and Gas Industry in Net Zero Transitions).

Nếu mức tiêu thụ dầu khí tăng như dự đoán của các chính sách hiện hành, thì theo IEA, thế giới sẽ cần đến CCUS nhằm thu giữ 32 tỷ tấn khí CO2 vào năm 2050, một con số “không thể tưởng tượng nổi”.

Con số này gồm có 23 tỷ tấn được tách ra bằng công nghệ thu giữ khí trực tiếp, đòi hỏi khoảng 26.000 TWh sản lượng điện để hoạt động vào năm 2050, nhiều hơn cả nhu cầu điện toàn cầu của năm 2022.

Mặc dù vẫn còn hy vọng rằng CCUS sẽ trở thành một giải pháp phổ biến trong khai thác dầu khí, theo phía IEA, ngành này sẽ cần đầu tư đến 3,5 nghìn tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2050 nhằm phát triển và ứng dụng CCUS.

Nói cách khác, lấy CCUS làm giải pháp ưu tiên cho các công ty dầu khí đang cố gắng bảo đảm tương lai lâu dài của họ trong một thế giới hạn chế carbon gần như là một giấc mơ viển vông.

Điều đó nói lên rằng, CCUS có vai trò và có thể được phát triển, miễn là các chính phủ đưa ra những chính sách cần thiết nhằm khuyến khích lưu trữ carbon.

Theo IEA, hiện có khoảng 45 triệu tấn CO2 đang được thu giữ thông qua các dự án CCUS toàn cầu. Tuy nhiên, 3/4 thiết bị trên được lắp đặt với mục đích tăng cường thu hồi dầu. Nói cách khác, lượng carbon lưu trữ đó được sử dụng cho mục đích khai thác nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn và thải ra nhiều khí thải hơn từ quá trình đốt nhiên liệu.

Theo IEA, năm 2022 có hơn 3 tỷ USD đầu tư vào các dự án CCUS, nhưng chỉ 5% dự án đạt quyết định đầu tư cuối cùng, tương ứng với chỉ 10 triệu tấn carbon được thu giữ và 20 triệu tấn carbon được lưu trữ.

Thiếu ưu đãi

Phần lớn nguyên nhân gây tiến độ chậm chạp trong việc ứng dụng CCUS: Thiếu động lực khuyến khích các nhà đầu tư bắt tay vào những dự án quy mô lớn rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tác.

Các công ty dầu khí và những chính trị gia ủng hộ họ, đặc biệt là cánh bảo thủ, xem CCUS là một giải pháp lớn. Nhưng đồng thời, họ lại tập trung tìm giải pháp tài chính và chiến lực giúp đẩy nhanh tiến trình triển khai công nghệ này.

Một vấn đề khác phát sinh khi muốn mở rộng quy mô CCUS: Thuyết phục được nhà đầu tư rằng nó sẽ hoạt động như dự kiến.

Trên thực tế, dự án CCUS lớn nhất thế giới - nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng Gorgon của Chevron ở Tây Úc, có thành tích trái chiều.

Theo lời thừa nhận của Chevron vào đầu năm nay, tuy chức năng lưu trữ carbon vẫn hoạt động, công suất chỉ đạt 1/3 do gặp khó khăn trong vận hành.

Theo một cách nào đó, Gorgon là hình mẫu biểu tượng của những thách thức mà CCUS nói chung phải đối mặt.

Dự án đã chứng minh được rằng CCUS có thể hoạt động ở quy mô lớn, nhưng cũng cho thấy việc quản lý một dự án có quy mô và độ phức tạp lớn sẽ khó khăn đến nhường nào.

Chắc chắn, ngành dầu khí sẽ rút kinh nghiệm và triển khai được công nghệ CCUS một cách hoàn thiện hơn. Họ có bề dày thành tích về đổi mới và tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật.

Dù vậy, vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa hy vọng và thực tế khi nói đến CCUS và báo cáo của IEA đã bộc lộ rõ phần lớn các vấn đề.

Na Uy phê duyệt kế hoạch đầu tư 18,5 tỷ USD cho dầu khíNa Uy phê duyệt kế hoạch đầu tư 18,5 tỷ USD cho dầu khí
Big Oil chiến thắng vòng cấp phép lưu trữ carbon đầu tiên của Vương quốc AnhBig Oil chiến thắng vòng cấp phép lưu trữ carbon đầu tiên của Vương quốc Anh
Exxon Mobil sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD vào IndonesiaExxon Mobil sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD vào Indonesia

Ngọc Duyên

AFP