Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu

19:26 | 28/05/2021

|
(PetroTimes) - CNBC ngày 27/5/2021 cho rằng vừa qua một số Đại gia dầu khí lớn nhất thế giới đã chịu thất bại tại cuộc họp hội đồng quản trị cũng tại tòa án, như kết quả bầu Hội đồng quản trị của Exxon, phán quyết đối với Shell của Tòa án Hà Lan, yêu cầu đối với Chevron của các nhà đầu tư, cho thấy áp lực ngày càng gia tăng đối với các công ty dầu khí quốc tế trong việc đưa ra các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn phù hợp với Thỏa thuận Paris.
Các nhà hoạt động khí hậu giành ít nhất 2 ghế Hội đồng quản trị ExxonCác nhà hoạt động khí hậu giành ít nhất 2 ghế Hội đồng quản trị Exxon
Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu
Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu. Ảnh: Tư liệu

Thứ Tư, 26/5 là một ngày đặc biệt khi báo chí đưa các tít lớn thời sự 24h về thất bại của ba đại gia dầu khí Exxon, Chevron, Shell, với một chủ đề chung liên quan đến nguy cơ biến đổi khí hậu. Đây không phải là việc diễn ra thường xuyên với ba đại gia dầu khí lớn cùng xuất hiện trên báo chí. Trong vòng vài giờ đồng hồ, các cổ đông của Exxon, công ty dầu khí khủng của Mỹ, đã ủng hộ một quỹ đầu tư nhỏ bé cải tổ Hội đồng quản trị; các nhà đầu tư tại công ty năng lượng Mỹ Chevron bỏ phiếu với kết quả mang tính xoay trục, thách thức ban lãnh đạo công ty với yêu cầu tăng cắt giảm khí thải. Cùng ngày, Tòa án Hà Lan yêu cầu Shell, công ty dầu khí của Hà Lan, phải cắt giảm khí thải 45% vào năm 2030 so với mức năm 2019.

Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu
Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu. Ảnh: Tư liệu

Việc ba sự kiện trên xảy ra đồng thời đối với các đại gia dầu khí cho thấy Thỏa thuận Paris đã được rộng rãi thừa nhận là một thỏa thuận quan trọng để tránh một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Hiện nay, chưa có công ty dầu khí lớn nào trên thế giới thông tin về việc sẽ làm như thế nào để đạt mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050, mặc dù đã có gần 200 quốc gia phê chuẩn Thỏa thuận Paris. Phán quyết của Tòa án Hà Lan cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, một công ty chịu ràng buộc pháp lý trong việc gắn chính sách của công ty với Thỏa thuận Paris.

Dư luận có phản ứng trái ngược đối với ba sự kiện trên, đặc biệt là phán quyết đối với Shell của Tòa án Hà Lan. Bill McKibben, nhà hoạt động khí hậu, người sáng lập cuộc vận động 350.org, cho rằng Thứ Tư 26/5 là “ngày thất bại trí mạng” đối với các đại gia dầu khí và có thể tạo ra “phản ứng dây chuyền đôminô”. Luật sư Roger Cox của nhóm vận động môi trường tham gia vụ kiện ở Hà Lan cho rằng phán quyết đối với Shell mang tính “bước ngoặt lịch sử” khi lần đầu tiên các nhà hoạt động môi trường đưa một công ty dầu khí lớn ra tòa nhằm thay đổi chiến lược khí hậu của công ty. Sara Shaw, điều phối viên chương trình quốc tế vì công lý khí hậu và năng lượng của tổ chức Những người bạn của Trái đất, hy vọng phán quyết đối với Shell có thể “khởi nguồn cho một làn sóng kiện tụng các công ty gây ô nhiễm lớn, buộc họ ngừng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Mark van Baal, người sáng lập Nhóm Hà Lan theo dõi vụ kiện, cho rằng “Các Đại gia dầu khí không còn có thể phủ nhận vai trò quan trọng mà họ cần đóng góp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, Shell sẽ phải điều chỉnh lại các mục tiêu khí hậu trong chiến lược của mình.

Thời điểm bước ngoặt đối với các Đại gia dầu khí trong cuộc chiến khí hậu

Donald Pols, Giám đốc nhóm môi trường Milieudefensie, bày tỏ phản ứng trước phán quyết của Tòa án tại La Hay, Hà Lan. Ảnh: Piroschka van de Wouw/Reuters

Tom Cummins, Công ty Luật Ashurst cho rằng phán quyết đối với Shell có thể có các tác động rộng lớn hơn đối với ngành dầu khí, không chỉ là các chính phủ, mà “các công ty cũng có thể là mục tiêu của vụ kiện chiến lược nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi”; các công ty dầu khí sẽ xem xét kỹ lưỡng phán quyết; các nhóm hoạt động, các luật sư nguyên đơn cũng có thể tìm cách đưa các yêu sách tương tự đối với các công ty dầu khí khác ở những khu vực tài phán khác.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng nhất trí rằng phán quyết của Tòa án Hà Lan sẽ dẫn đến những áp lực lớn hơn đối với ngành dầu khí. Per Magnus Nysveen, trưởng nhóm phân tích của công ty tư vấn năng lượng Rystad trụ sở ở Oslo, Na Uy cho rằng phán quyết đối với Shell sẽ không có khả năng vượt qua tòa phúc thẩm vì mới nêu trách nhiệm của công ty dầu khí mà không tính đến trách nhiệm của người sử dụng năng lượng; phán quyết của Tòa cấp dưới diễn ra ở Hà Lan vì “dư luận công chúng Hà Lan đặc biệt nhạy cảm đối với các tác động của ngành năng lượng”.

Đối với việc thay đổi ở Hội đồng Quản trị Exxon, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Mỹ Doug Leggate cho rằng tác động sẽ chỉ mang tính “biểu tượng”, không ảnh hưởng tới quan điểm đầu tư, chiến lược hoặc ban lãnh đạo công ty vì họ là “những người thực tế, ủng hộ các khoản đầu tư dầu và khí có trách nhiệm”./.

Thanh Bình