Thỏa thuận Petronas-Petros: Tin vui cho ngành dầu khí Malaysia
![]() |
Thỏa thuận đạt được giữa Petroliam Nasional Bhd (Petronas) và Petroleum Sarawak Bhd (Petros) giúp đảm bảo ngành dầu khí của Malaysia sẽ tiếp tục phát triển bền vững. Ảnh RT |
Chuyên gia địa chiến lược kiêm Nghiên cứu viên cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Nusantara (NASR), Giáo sư Azmi Hassan, cho rằng việc chính quyền bang Sarawak đồng ý để Petronas duy trì các cam kết đã đề ra là một bước quan trọng để đảm bảo sự ổn định và phát triển liên tục của ngành dầu khí tại bang này.
“Điều này rất quan trọng vì Petronas, với tư cách là một công ty quốc tế, cần thể hiện rằng họ tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết. May mắn là chính quyền Sarawak, thông qua Petros, đã đồng ý với điều này, qua đó thể hiện hình ảnh tích cực rằng họ tuân thủ luật pháp quốc tế theo các thỏa thuận trước đây”, ông nói với Bernama.
Hôm thứ Hai, ngày 17/2, Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim tuyên bố Chính phủ liên bang tôn trọng nguyện vọng của Sarawak trong việc tham gia vào ngành dầu khí của bang. Nguyện vọng này được thể hiện qua Sắc lệnh Phân phối Khí 2016 (sửa đổi) (DGO), sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. “DGO sẽ được thực hiện cùng với Đạo luật Phát triển Dầu khí 1974 (PDA), theo đó Petros sẽ đóng vai trò là đơn vị tập hợp trong ngành dầu khí của Sarawak”, ông phát biểu trong Phiên họp Thông tin của Thủ tướng tại Dewan Rakyat hôm thứ Hai tuần này.
Giải thích thêm, Thủ tướng Anwar, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, cho biết vai trò này vẫn đảm bảo các phê duyệt trước đó dành cho Petronas và các công ty con. “Điều này có nghĩa là Petronas sẽ tiếp tục duy trì tất cả các thỏa thuận hiện có, cả trong nước lẫn quốc tế”, ông nói.
Theo sắc lệnh mới, Petros sẽ được đảm bảo nhận tối đa 1,2 tỷ feet khối khí đốt mỗi ngày để phục vụ nhu cầu nội địa của Sarawak, với cam kết bổ sung tùy theo nhu cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, Petros cũng có quyền mở rộng hoạt động và hợp tác cùng Petronas để phát triển thêm.
Ông Azmi nhấn mạnh rằng với nhu cầu vốn đầu tư lớn trong ngành dầu khí, cả hai bên đều phải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực này. Ông cũng lưu ý rằng Petronas đã đầu tư đáng kể vào hoạt động thăm dò và phát triển dài hạn.
“Ít có quốc gia nào ngoài Malaysia mà ngành dầu khí lại được quản lý ở cấp liên bang, bởi lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đồng thời doanh thu từ dầu khí phải được phân bổ cho toàn bộ đất nước. Ở Malaysia, nguồn thu này phục vụ chung cho cả 11 bang trong Liên bang”, ông giải thích.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác về vốn cần được thực hiện một cách công bằng, vì Petros chỉ chịu trách nhiệm cho Sarawak, trong khi Petronas quản lý hoạt động tại 10 bang còn lại, bao gồm cả Sarawak.
Ông đánh giá Đạo luật Dầu khí 1974 là một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, giúp quản lý chặt chẽ quyền sở hữu tài nguyên dầu khí và đảm bảo các bang được hưởng lợi một cách hợp lý.
Theo quy định, trong phạm vi 3 hải lý tính từ bờ biển, quyền sở hữu dầu khí thuộc về bang, còn ngoài phạm vi này, quyền sở hữu sẽ thuộc về Chính phủ liên bang.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
- Các công ty dầu khí Canada phớt lờ nguy cơ từ Mỹ
- Trung Quốc, Nga và Iran tổ chức đàm phán hạt nhân tại Bắc Kinh
- BP tuyên bố triển khai chiến lược tái cấu trúc mới
- Ấn Độ thông qua dự luật đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí
- Thỏa thuận hòa bình Ukraine, Nga-Mỹ bí mật bàn hợp tác khí đốt để "hồi sinh" Nord Stream? Điều gì xảy ra nếu tin đồn thành sự thật?