Thị trường LNG giao ngay ở châu Á có gì đặc biệt trong tuần qua?

08:36 | 09/06/2024

|
(PetroTimes) - Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á vẫn ổn định trong tuần này, giữ gần mức cao nhất trong 6 tháng, do nhu cầu khí đốt để sản xuất điện tăng cao do đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Đông Á, cũng như dự báo nhiệt độ cao hơn mức bình thường ​​ở Trung Quốc vào giữa tháng 6.
Thị trường LNG giao ngay ở châu Á có gì đặc biệt trong tuần qua?
Hình minh họa

Theo ước tính từ các nguồn trong ngành, giá LNG trung bình giao tháng 7 tới Đông Bắc Á (LNG-AS) là 12,00 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), không thay đổi so với tuần trước và gần mức cao nhất kể từ giữa tháng 12.

Siamak Adibi, cố vấn cao cấp của công ty tư vấn năng lượng FGE, cho biết: “Chúng tôi hiện đang nhận thấy sức hút LNG từ châu Âu do nhu cầu ở châu Á vẫn mạnh. May mắn thay, mức dự trữ ở châu Âu vẫn còn cao nên không có nhu cầu nhập khẩu nhiều ngay lập tức”.

Samuel Good, người đứng đầu bộ phận định giá LNG tại cơ quan định giá hàng hóa Argus cho biết, thị trường châu Á ban đầu cũng được hỗ trợ bởi những lo ngại nguồn cung khí đốt ở châu Âu, nhưng phần lớn họ vẫn giữ được đà tăng nhờ sự quan tâm bổ sung từ người mua, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo 50,6% khả năng nhiệt độ trên mức trung bình trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, điều này có thể làm tăng nhu cầu sử dụng khí đốt, trong khi Hàn Quốc có 50% khả năng nhiệt độ trên mức thường thấy trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 23/6, theo dữ liệu từ Rystad Energy.

Ông Good cho biết, nhiều LNG từ khu vực Đại Tây Dương đã được vận chuyển đến châu Á và hoạt động chênh lệch giá công khai giữa các lưu vực cho thấy có động lực mạnh mẽ để tiếp tục xu hướng này.

Tại châu Âu, giá khí đốt tăng 11,4% vào thứ Hai, chạm mức cao nhất trong 6 tháng qua, do lo ngạinguồn cung từ Na Uy khi sự cố ngừng hoạt động bất ngờ tại nhà máy xử lý khí Nyhamna do Gassco vận hành.

S&P Global Commodity Insights đã định giá chuẩn hàng ngày của North West Europe LNG Marker (NWM), đối với các lô hàng được giao tháng 7 trên cơ sở xuất tàu (DES) ở mức 10,547 USD/mmBtu vào ngày 6/6, giảm 0,75 USD/mmBtu so với giá khí giao tháng 7 tại trung tâm khí TTF Hà Lan.

Argus chốt giá giao hàng tháng 7 ở mức 10.450 USD/mmBtu, trong khi Spark Commodities định giá ở mức 10.575 USD/mmBtu.

Vào ngày 3/6, giá NWM được định giá ở mức 11,397 USD/mmBtu, mức cao nhất kể từ ngày 8/12, theo dữ liệu từ S&P.

Điều này trùng khớp với việc giá cả ở Mỹ tăng do nhiệt độ cao ở phía Tây Nam đã thúc đẩy nhu cầu khí đốt để sản xuất điện, mặc dù sản lượng khí đốt tạm thời giảm.

Christoph Halser, nhà phân tích tại Rystad, cho biết: “Giá khí đốt tăng vọt vào thứ Hai tuần trước cho thấy tính dễ bị tổn thương của thị trường toàn cầu và nêu bật sự mong manh của cân bằng khí đốt”.

Nhà phân tích Adibi của FGE cho biết, mặc dù nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á và Trung Đông, nhưng nguồn cung LNG đang bị tụt lại.

“Khi chúng tôi xem xét hiệu suất sản xuất, kết quả có vẻ đáng lo ngại. Các vấn đề liên tục xảy ra tại Freeport, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Ai Cập, các vấn đề vận chuyển ở Arctic 2 (Nga) và việc không thể tải hàng, cũng như sự số ngừng hoạt động bất ngờ ở các khu vực khácthực sự đáng lo ngại”, ông Adibi nói.

Giá cước vận tải LNG ở Đại Tây Dương đã tăng đáng kể tuần thứ ba liên tiếp, lên tới 57.000 USD/ngày vào thứ Sáu. Tại Thái Bình Dương, giá vận chuyển vẫn ổn định ở mức 45.250 USD/ngày, theo Qasim, nhà phân tích tại Spark Commodities.

Việt Nam hòa mình vào xu hướng LNG của thế giớiViệt Nam hòa mình vào xu hướng LNG của thế giới
Kỳ I: Nguồn cung LNG bùng nổKỳ I: Nguồn cung LNG bùng nổ

Nh.Thạch

AFP