Điện gió ngoài khơi

Tham vọng lớn của châu Âu

19:39 | 03/12/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 19-11-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày chiến lược về năng lượng tái tạo trên biển nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai. Ngoài ra, EC cũng đặt mục tiêu tăng công suất điện gió ngoài khơi của Liên minh châu Âu (EU) lên gấp 5 lần vào năm 2030 và 25 lần vào năm 2050.

Điện gió ngoài khơi của EU

Tính đến cuối năm 2019, EU có 5.046 turbine gió ngoài khơi (công suất tích lũy khoảng 22,1 GW) được kết nối với lưới điện của 11 quốc gia, trong đó Vương quốc Anh chiếm khoảng 45%. Với việc Anh rút khỏi EU, công suất lắp đặt của điện gió ngoài khơi ở các quốc gia thành viên EU giảm xuống chỉ còn gần 12 GW.

Tham vọng lớn của châu Âu
Trang trại điện gió ngoài khơi Anholt ở Đan Mạch

Theo báo cáo của Hiệp hội WindEurope, trong năm 2019, 502 turbine điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt tại 10 trang trại điện gió đã được kết nối với mạng lưới điện ở châu Âu. Những turbine mới này (tổng công suất gần 3,6 GW) được lắp đặt tại 5 quốc gia: Anh (252 turbine, 1.764 MW), Đức (160 turbine, 1.111 MW), Đan Mạch (45 turbine, 374 MW), Bỉ (44 turbine, 370 MW) và Bồ Đào Nha (1 turbine 8 MW). Bên cạnh đó, các trang trại điện gió Borssele 3 và 4 của Hà Lan đã đi vào hoạt động tháng 10-2020.

Theo WindEurope, điện gió ngoài khơi tạo ra 2% tổng lượng điện tiêu thụ ở châu Âu (dữ liệu năm 2019, bao gồm cả Anh). Sản lượng điện gió ngoài khơi của châu Âu vào năm 2018 là 53 TWh, vẫn còn thấp nhiều so với 309 TWh điện gió trên bờ.

Trong chiến lược đối với các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác nhau trên biển (điện mặt trời nổi, năng lượng thủy triều), EC đặt tham vọng tăng lượng điện gió ngoài khơi của EU lên 60 GW vào năm 2030 và lên 300 GW vào năm 2050. EC cũng đưa ra mục tiêu 40 GW cho các công nghệ năng lượng biển khác vào năm 2050.

Cần 800 tỉ euro đầu tư năm 2050

Việc triển khai các turbine phát điện ngoài khơi mà EC lên kế hoạch sẽ dựa trên tiềm năng rộng lớn của các khu vực biển ở châu Âu (Biển Bắc, Biển Baltic, Biển Đen, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương) cũng như dựa trên vị trí dẫn đầu mà một số công ty châu Âu chiếm lĩnh trong lĩnh vực này trên thế giới. Theo EC, gần 93% công suất điện gió ngoài khơi ở châu Âu do các công ty châu Âu lắp đặt. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức kinh tế và kỹ thuật cần phải vượt qua.

Tham vọng lớn của châu Âu
Biểu đồ mô tả sản lượng điện gió ở các quốc gia EU

Do đó, để đạt được các mục tiêu đã nêu, EC ước tính rằng sẽ cần gần 800 tỉ euro đầu tư vào năm 2050. 2/3 trong số đó để tài trợ cho cơ sở hạ tầng mạng lưới. EC cam kết sẽ giúp giải ngân các khoản đầu tư này, thiết lập một khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên EU và hướng các nguồn vốn khác nhau vào lĩnh vực này.

Ở cấp độ toàn cầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính trong các dự báo “thực tế” nhất (dựa trên các chính sách đã công bố), công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng gấp 15 lần vào năm 2040. Theo IEA, điện gió ngoài khơi có thể sản xuất 1.280 TWh trên toàn thế giới vào năm 2040, tương đương khoảng 3,1% sản lượng điện toàn cầu mỗi năm dự kiến vào thời điểm đó (so với 0,2% vào năm 2018).

Trung Quốc cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển lâu dài của điện gió ngoài khơi, đặc biệt, đây là một phần trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí của chính quyền Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, công suất điện gió ngoài khơi lớn nhất đã được lắp đặt vào năm 2018 (1,6 GW). Theo IEA, vào khoảng năm 2025, Trung Quốc có thể có công suất điện gió ngoài khơi tích lũy hơn Vương quốc Anh. Đến năm 2040, công suất lắp đặt của trang trại điện gió ngoài khơi Trung Quốc có thể đạt 110 GW (so với 4 GW vào cuối năm 2018) nhưng tỷ trọng của điện gió trong cơ cấu điện vẫn dưới 3%. IEA ước tính rằng, các cơ sở điện gió ngoài khơi sẽ cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện than mới ở Trung Quốc vào khoảng năm 2030.

Mỹ có mạng lưới các trang trại điện gió ngoài khơi lớn ở phía Đông Bắc đất nước và gần các khu vực tiêu thụ chính dọc theo bờ biển phía Đông, có thể tăng sản lượng điện gió lên 146 TWh vào năm 2040.

EU, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau chiếm 82% sản lượng điện gió ngoài khơi thế giới vào năm 2040, theo kịch bản chính của IEA. IEA cũng cho rằng, Ấn Độ, Hàn Quốc nằm trong số các quốc gia đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho lĩnh vực điện gió, có thể thêm Nhật Bản và Canada.

Điện gió ngoài khơi sẽ trở thành trụ cột

Theo IEA, mặc dù sản xuất không liên tục, các công trình điện gió ngoài khơi có thể phục vụ cho hệ thống điện tương tự như các công trình được gọi là “cơ bản” (nhà máy nhiệt điện hạt nhân, thủy điện, nhiên liệu hóa thạch...). IEA cũng cho rằng, các công trình điện gió ngoài khơi có ưu điểm là tránh được hầu hết các vấn đề về sử dụng đất và khả năng chấp nhận mà các nguồn năng lượng tái tạo khác gặp phải.

IEA kêu gọi các chính phủ và ngành công nghiệp điện gió tiếp tục nỗ lực để điện gió ngoài khơi trở thành trụ cột chuyển đổi năng lượng carbon thấp. IEA nhấn mạnh, sự thành công của điện gió ngoài khơi sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng vận tải điện. Trách nhiệm phát triển (cả tài chính) truyền tải điện trên biển thuộc về các nhà phát triển dự án hoặc nhà quản lý mạng lưới. Nên khuyến khích lập kế hoạch hỗ trợ phát triển dài hạn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Ở cấp độ toàn cầu, IEA ước tính công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng gấp 15 lần vào năm 2040. Theo IEA, điện gió ngoài khơi có thể sản xuất 1.280 TWh trên toàn thế giới vào năm 2040, tương đương khoảng 3,1% sản lượng điện toàn cầu mỗi năm dự kiến vào thời điểm đó (so với 0,2% vào năm 2018).

S.Phương