Tấn công tàu chở dầu - ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với thị trường dầu

10:24 | 25/08/2021

|
(PetroTimes) - Trang tin Oilcapital mới đây đã có bài viết phân tích về những khó khăn đối với hoạt động vận tải dầu bằng đường biển hiện nay, và ảnh hưởng đối với giá dầu thế giới. Nhà phân tích cũng đưa ra những quan điểm đối ngược nhau, một bên cho rằng các sự cố cục bộ hoàn toàn không tác động đáng kể đến giá dầu vì đã xuất hiện nhiều nguồn cung dầu mỏ thay thế, kể cả một cuộc chiến toàn diện cũng không thể thay đổi cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ. Bên kia lại giữ quan điểm là các cuộc tấn công vào tàu chở dầu dẫn đến tăng chi phí, đẩy giá dầu tăng. Petrotimes xin phép giới thiệu với bạn đọc bài phân tích này.
Tấn công tàu chở dầu - ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với thị trường dầu
Cháy tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Ảnh: AP

Trong những tuần gần đây, hoạt động vận tải dầu bằng đường biển đã rơi vào vùng nhiễu loạn. Mọi chuyện bắt đầu khi tàu chở dầu Mercer Street mang cờ Liberia (29/7) bị tấn công ở Biển Ả Rập. Vụ việc khiến hai thuyền viên là công dân Rumani và Anh thiệt mạng. Cái chết của công dân Anh khiến Vương quốc Anh lên kế hoạch trả đũa những kẻ tấn công con tàu này.

Tiếp sau đó, Tổ chức điều phối vận tải hàng hóa (UKMTO) ngày 03/8 thông báo, một nhóm vũ trang đã đột nhập vào tàu chở dầu Asphalt Princess mang cờ Panama, đang trên hải trình từ Haur Fakkan (UAE) đến cảng Sohar (Oman). Có thông tin cho rằng, thủy thủ đoàn đã kịp khóa động cơ khiến những kẻ tấn công phải rút lui khi các tàu chiến của Mỹ và Oman đến gần. Gần như cùng lúc đó, thuyền trưởng các tàu chở dầu Golden Brilliant, Queen Ematha, Jag Pooja và Abyss trong khu vực đã thông báo mất quyền kiểm soát các tàu của mình. Tuy nhiên, những sự cố này cuối cùng đã được kiểm soát trở lại.

Các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu đã dẫn đến một số tuyên bố chính trị cứng rắn. Đặc biệt, các nước G7 đã đổ lỗi cho Iran về mọi việc. Tổng tham mưu trưởng quân đội hoàng gia Anh Nicolas Carter cho biết, Anh và các nước phương Tây sẽ phải áp dụng các biện pháp kiềm chế Iran sau vụ tấn công tàu chở dầu Mercer Street ở Biển Ả Rập. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Beni Gantz thì cảnh báo, nước này đã sẵn sàng các hành động quân sự chống lại Iran. Để đáp trả, Iran đã phát đi cảnh báo cộng đồng thế giới về những nỗ lực gây sự cố giả tạo ở Vịnh Ba Tư. Chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Alireza Tangsiri nhấn mạnh, IRGC đảm bảo an ninh toàn diện trên các tuyến biên giới trên biển ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz.

Nga cũng có quan điểm riêng về cuộc chiến chống cướp biển và chống tấn công các tàu hàng hóa. Tại cuộc họp cấp cao tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Nga V.Putin đã đề xuất xem xét thành lập một cấu trúc đặc biệt của Liên hợp quốc để chống tội phạm trên biển ở tất cả các khu vực.

Diễn biến leo thang khi các vụ tấn công tàu chở dầu không kết thúc bằng một cuộc thảo luận hòa bình ở Liên hợp quốc. Lực lượng đặc biệt của quân đội Anh (12/08) đã được triển khai đến Yemen để tìm kiếm các tay súng được cho là đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công tàu chở dầu Mercer Street. Các vụ tai nạn đối với các tàu chở dầu nối tiếp sau đó. Cũng trong ngày 12/08, trên tàu chở dầu Wisdom đang được bảo dưỡng tại cảng Latakia, Syria đã xảy ra một vụ nổ. Ngày 15/08, một thùng nhiên liệu đã phát nổ trên tàu chở 60.000 lít dầu nhiên liệu ở miền bắc Lebanon, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng.

Mặc dù nguyên nhân các vụ tai nạn có thể khác nhau, song bức tranh tổng thể là khá căng thẳng. Song song với đó, chi phí vận tải hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu bằng đường biển vào đầu tháng 8 đã tăng tới 6 lần so với đầu năm.

Tuy nhiên, các tàu chở dầu, vốn đã trải qua một đợt tăng đột biến về chi phí vận tải trong năm 2020 lại nằm ngoài xu hướng này. Tính đến ngày 15/08, giá cước vận tải dầu trên tuyến chính từ Trung Đông đến châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 03/2021. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, điều này phần lớn xuất phát từ việc sản lượng xuất khẩu dầu toàn cầu giảm.

Giới chuyên gia nhận định, những căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng ở Vịnh Ba Tư thời gian gần đây có thể đảo ngược tình hình thị trường cung - cầu dầu.

Có những thời điểm trong lịch sử, các tàu hàng hóa được hộ tống bởi quân đội nhằm đảm bảo an ninh trước các cuộc tấn công của cướp biển. Tuy nhiên, hiện tại không có một lực lượng nào sẵn sàng hộ tống các tàu chở dầu. Nếu nhu cầu đó xuất hiện, nó sẽ dẫn đến giá nguyên liệu thô tăng vọt. Việc trang bị vũ khí cho các tàu chở dầu gặp khó khăn rất lớn vì theo một số công ước quốc tế, việc trang bị vũ khí trên các tàu hàng bị cấm. Do đó, các chủ tàu phải tự lo cho chính mình. Bên cạnh đó, giới phân tích vẫn kỳ vọng sẽ không xảy ra xung đột toàn diện trên biển trong tương lai gần. Do đó, các công ty hàng hải sẽ tiếp tục vận chuyển hàng hóa và đối mặt với rủi ro gia tăng, đồng nghĩa với chi phí bảo hiểm sẽ gia tăng.

Giám đốc trung tâm phân tích Alpari (Nga) cho biết, thị trường dầu mỏ lo ngại việc Mỹ sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran. Nước này không thể tăng nhanh sản lượng nhưng có trữ lượng dầu khí rất lớn. Phía Iran có thể cung cấp cấp từ 2,3-2,5 triệu thùng/ngày cho thị trường. Saudi Arabia và Israel phản đối việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và những cuộc tấn công nêu trên là lý do để làm chậm lại tiến trình quay trở lại thị trường của Iran. Việc tăng giá bảo hiểm rủi ro sẽ tăng thêm gánh nặng cho các nhà vận tải.

Chuyên gia V.Mishchenko của Đại học tổng hợp dầu khí quốc gia mang tên Gubkin cho biết, các cuộc tấn công vào tàu chở dầu có liên quan đến căng thẳng địa chính trị xung quanh Iran và nguồn cung dầu từ Vịnh Ba Tư. Xu hướng tăng giá cước vận tải đã diễn ra trong thời gian dài và nó không liên quan đến những hành động khiêu khích như vậy. Mỗi chủ tàu quyết định các vấn đề an ninh một cách độc lập, không có một xu hướng chung. Việc thuê dịch vụ bảo đảm an ninh cho tàu rất tốn kém và làm xấu đi tình hình kinh doanh của đơn vị sở hữu tàu. Do đó, các cuộc tấn công vào tàu chở dầu thời gian gần đây khó có thể làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ an ninh. Chuyên gia Mishchenko nhấn mạnh, chúng ta đã chứng kiến trong cả 10 năm qua và thấy rằng, ngay cả các cuộc chiến tranh khu vực cũng không ảnh hưởng đến giá dầu thế giới. Các sự cố cục bộ hoàn toàn không tác động đáng kể đến giá dầu vì đã xuất hiện nhiều nguồn cung dầu mỏ thay thế. Một cuộc chiến toàn diện sẽ là nguy hiểm nhưng sẽ không thể thay đổi cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ.

Đối lập với quan điểm trên, Chủ tịch Quỹ Osnavanie Foundation Aleksei Anpilogov cho biết, giá tất cả các loại bảo hiểm sẽ tăng lên, bao gồm cả bảo hiểm chống lại hành động của bên thứ ba. Nếu các cuộc tấn công vào tàu chở dầu xảy ra thường xuyên, giới bảo hiểm sẽ đặt câu hỏi về chi phí tuần tra và bảo vệ tàu chở dầu trong thời kỳ hoàng kim của cướp biển. Trong cuộc xung đột giữa Iran và Iraq cũng đã nổ ra một cuộc chiến tàu chở dầu. Kết quả là, các nước phương Tây đã phải đưa lực lượng quân sự đến khu vực để bảo vệ các tuyến vận chuyển hàng hóa.

Việc chính quyền Tổng thống Biden trực tiếp quay sang OPEC và đề nghị tăng sản lượng thực chất xuất phát từ việc nước này đã hạn chế sự phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp đá phiến. Những khó khăn với ngành vận tải dầu mỏ đang gây ra những bất lợi đối với quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ trong và sau đại dịch khi nước này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô. Các cuộc tấn công vào tàu chở dầu, một mặt dẫn đến tăng chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải. Mặc khác, điều này lại giúp các nhà sản xuất dầu mỏ hưởng lợi từ việc giá dầu tăng.

Tóm lại, những khó khăn của ngành vận tải biển đôi khi lại là một lợi thế vững chắc cho các nhà sản xuất dầu, nó không cho phép giá dầu giảm đáng kể và không cho phép cải thiện quan hệ Mỹ - Iran trong tương lai gần.

Tiến Thắng