Singapore sẽ xây tiếp 2 trang trại năng lượng mặt trời nổi quy mô lớn ở hồ chứa nước

20:47 | 19/08/2021

|
(PetroTimes) - Báo Strait Times ngày 16/8 đưa tin, Singapore đang nỗ lực tạo ra nhiều giá trị hơn nữa từ các hồ chứa của mình bằng việc xây dựng thêm 2 trang trại năng lượng mặt trời nổi quy mô lớn tại hồ chứa Lower Seletar và hồ chứa Pandan.

Phát biểu với Strait Times, người phát ngôn của Cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia Singapore (PUB) cho biết hồ chứa Lower Seletar được lựa chọn cho dự án 100 megawatt đỉnh (MWp) và hồ chứa Pandan cho dự án 44 MWp. PUB có kế hoạch đưa ra đấu thầu vào tháng 11 để nghiên cứu tính khả thi của các trang trại năng lượng mặt trời và công việc sẽ được hoàn tất trong 2 năm. Thông tin này được đưa ra sau khi Singapore khai trương hệ thống quang điện mặt trời nổi (PV) quy mô lớn đầu tiên có công suất 60 MWp, kích thước bằng 45 sân bóng đá, tại hồ chứa nước Tengeh và được điều hành bởi Sembcorp Floating Solar Singapore, công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Sembcorp Industries.

Singapore sẽ xây tiếp 2 trang trại năng lượng mặt trời nổi quy mô lớn ở hồ chứa nước
Trang trại năng lượng mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên của Singapore ở hồ chứa nước Tengeh. Ảnh: Lim Yaohui/The Strait Times.

PUB cho biết 2 dự án hệ thống điện mặt trời sẽ chỉ chiếm 20% diện tích bề mặt tại cả hai hồ chứa, các hoạt động câu cá giải trí và thể thao dưới nước tại đây vẫn được duy trì. Các chuyên gia cho biết các trang trại năng lượng mặt trời nổi có thể có năng suất cao hơn so với các trang trại trên đất liền. Nước sẽ giúp làm mát các mô-đun năng lượng mặt trời, cho phép chúng hoạt động tốt hơn. Các hệ thống PV nổi cũng làm giảm thất thoát nước do bốc hơi và hạn chế tảo nở hoa trong các hồ chứa. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng các tấm pin mặt trời sẽ chặn ánh sáng mặt trời chiếu tới độ sâu của các hồ chứa, ảnh hưởng đến hàm lượng oxy trong nước và các hoạt động sinh học khác trong hồ chứa. Do vậy, việc triển khai xây dựng cần đi đôi với phân tích và giám sát tác động môi trường. PUB cho biết sẽ tiến hành các nghiên cứu và đánh giá môi trường trước khi có bất kỳ quyết định nào để tiến hành các dự án.

Tiến sĩ Thomas Reindl, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời của Singapore tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, năng lượng mặt trời là công nghệ năng lượng xanh khả thi nhất để triển khai ở Singapore cho đến nay, nhưng không thể cung cấp năng lượng cho cả Singapore bằng các hệ thống PV. Singapore vẫn cần phải xem xét cả việc nhập khẩu năng lượng xanh từ nơi khác, từ các nước láng giềng hay xa hơn, như năng lượng gió và mặt trời từ Australia. Hiện nay, năng lượng được tạo ra bởi các hệ thống PV vẫn ít hơn 5% nhu cầu năng lượng hàng năm của Singapore. Trong nỗ lực mở rộng các lựa chọn năng lượng sạch, PUB sẽ triển khai 2 hệ thống PV nổi nhỏ hơn 1,5 MWp tại các hồ chứa Bedok và Lower Seletar. Điện được tạo ra sẽ cung cấp năng lượng cho Bedok Waterworks và các trạm bơm nước tại 2 hồ chứa này. Việc xây dựng đang được triển khai và các hệ thống này dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2021.

Là một phần của Kế hoạch Xanh, Singapore dự kiến đưa vào sử dụng năng lượng mặt trời công suất 2 gigawatt đỉnh (GWp) trong năm 2030, trong đó 1,5 GWp sẽ được triển khai vào năm 2025. Các chuyên gia cho biết 2 GWp là tương đối lớn và có thể đáp ứng tới 1/4 nhu cầu điện năng cao nhất, khi mặt trời ở cường độ cực đại.

Thanh Bình