Quyết định mới của OPEC+ sẽ "bóp chết" ngành dầu mỏ Mỹ?

07:29 | 07/06/2023

|
(PetroTimes) - Theo nguồn tin nội bộ OPEC+ và những người theo dõi thị trường, Ả Rập Xê-út đã thiết kế một cơ chế phức tạp cho OPEC+ nhằm trừng phạt những nhà đầu cơ vào giá dầu. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể vô tình trở thành yếu tố hỗ trợ dài hạn cho ngành năng lượng đối thủ của họ là Mỹ.
Quyết định mới của OPEC+ sẽ

Vào hôm 4/6, Ả Rập Xê-út cam kết sẽ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày khỏi hạn ngạch sản lượng dầu thô hiện có (tức 10%) vào tháng 7, và tiếp tục giữ nguyên chính sách cắt giảm hiện có của OPEC+. Với mức cắt giảm mới, khoảng 4,6 triệu thùng/ngày sẽ biến mất khỏi thị trường vào tháng 7, tương đương 4,6% nhu cầu toàn cầu là 100 triệu thùng/ngày.

OPEC+ cũng đã đồng ý tiếp tục cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày khỏi nguồn cung hiện tại cho đến năm 2024.

Kết quả, giá dầu chạm mức 78 USD/thùng vào đầu ngày 5/6 - tăng gần 2 USD/thùng. Theo giới phân tích, mức tăng này chỉ mới là khởi đầu và quyết định cắt giảm sẽ dần dần làm sâu sắc thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, giúp đẩy giá lên mức 100 USD/thùng.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, cho biết: “Thị trường cần được ổn định”. Theo ông, quyết định bất ngờ về việc thêm phần mạnh tay cắt giảm sản lượng là “may mắn nhân đôi” cho thỏa thuận giữa OPEC+.

Hoàng tử Abdulaziz đã nhiều lần bày tỏ sự phẫn nộ và cam kết sẽ trừng phạt những nhà bán khống dầu. Trong những tuần gần đây, giá đã giảm xuống chỉ còn dưới 70 USD/thùng so với mức trên 130 USD/thùng của giai đoạn đầu năm 2022.

Bà Natasha Kaneva - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng JPMorgan, nhận xét: “Quy mô cắt giảm (của Ả Rập Xê-út) có độ tin cậy cao, với khả năng hạn chế nguy cơ trượt giá dầu trong khoản thời gian còn lại của năm”. Giá tăng bất ngờ sẽ làm những người bán khống bị thua lỗ.

OPEC cho biết, mục tiêu của họ không phải là giá dầu. Họ muốn ngăn chặn tình trạng biến động, bằng cách cân bằng giữa cung và cầu.

Ông Tamas Varga từ công ty môi giới PVM cho biết: “(Quyết định cắt giảm) phản ánh rõ ràng sự tức giận và thất vọng từ phía những nhà khai thác dầu, nhất là của Ả Rập Xê-út, khi chứng kiến giá dầu trượt dài”. Theo ông, Riyadh cần giá chạm mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách của họ theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Mỹ đã chỉ trích nặng nề những quyết định cắt giảm trước đây của OPEC và các đồng minh. Những quốc gia tiêu thụ dầu khác đã cáo buộc tổ chức làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu bằng cách đẩy chi phí năng lượng lên cao hơn.

Trái lại, những bộ trưởng của OPEC+ phản biện rằng họ đang bảo vệ lợi ích của chính họ và đưa ra những điều kiện để đầu tư dài hạn vào lĩnh vực dầu khí.

Cũng theo OPEC+, những chính sách chuyển dịch sang năng lượng carbon thấp theo từng giai đoạn đã làm nản lòng những nhà đầu tư và có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trước khi thế giới có thể sống mà không cần dầu mỏ.

Dầu Mỹ bùng nổ

Mỹ giữ thái độ lạc quan trước những quyết định cắt giảm gần đây nhất của OPEC. Vào hôm 4/6, một quan chức Nhà Trắng cho biết, trọng tâm của chính phủ “không phải là số lượng thùng”, mà là giá cho khách hàng Mỹ. Từ năm 2022, giá dầu trong nước Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Từ đầu năm cho đến nay, giá dầu tiếp tục ở mức thấp vì nhiều yếu tố: Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu, lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau khi nới lỏng những chính sách phòng dịch Covid-19.

Nhưng OPEC và nhiều nhà quan sát kỳ vọng rằng, cầu sẽ vượt xa cung trong nửa cuối năm nay.

Ông Jorge Leon - Phó Giám đốc Cấp cao của Rystad Energy, cho biết: Hoạt động cắt giảm của Ả Rập Xê-út sẽ làm thị trường bị thâm hụt hơn 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7, thúc đẩy giá tăng trong những tuần tới.

Mặt khác, nếu những quyết định cắt giảm mới nhất của OPEC+ đẩy giá cao hơn, thì những đối thủ của nhóm cũng sẽ được hưởng lợi. Hiện nay, đối thủ lớn nhất chính là Mỹ.

Trong 15 năm qua, sản lượng dầu khí của Mỹ đã tăng gấp đôi, chủ yếu là thông qua việc phát triển những mỏ đá phiến.

Hoạt động khai thác đá phiến đã suy giảm trong đại dịch. Những bên cho vay cũng hạn chế mức tài trợ. Nhưng sau đó, hoạt động đã phục hồi, giúp Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong khai thác và xuất khẩu dầu thô.

Quyết định gia hạn mức cắt giảm hiện tại thêm một năm có thể sẽ tạo ra niềm tin ở những nhà khai thác dầu thô của Mỹ và giúp họ nâng khả năng vay mượn.

Do không thể đáp ứng hạn ngạch cắt giảm hiện tại, một số thành viên của OPEC+ cũng đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu để phản ánh năng lực khai thác thực tế của họ.

Trong khi Nga đồng ý tiếp tục duy trì nguồn cung 500.000 thùng/ngày cho đến năm 2024, thì Angola và Nigeria đã đồng ý từ bỏ chỉ tiêu hiện tại do không thể chạm đến. Cũng từ nay cho đến 2024, chỉ tiêu của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ được nâng lên thành 3,2 triệu/thùng. Như vậy, họ tăng thêm 0,2 triệu thùng/ngày.

Bà Kaneva từ JPMorgan cho biết, nhìn chung, OPEC+ quyết định sẽ cắt giảm 1,1 triệu thùng/ngày khỏi hạn ngạch sản lượng xuất khẩu năm 2024 và quyết định có thể kéo dài sang năm 2025.

Bà hy vọng Mỹ có khả năng đáp ứng điều đó.

“Điều quan trọng là, vì giá dầu thấp hơn đáng kể so với mức của một năm trước và sản lượng dầu lỏng của Mỹ ở mức cao nhất mọi thời đại, quyết định của OPEC dự kiến sẽ không trở thành một vấn đề chính trị đối với chính quyền của Mỹ” - trích lời kết luận của bà Kaneva.

Quyết định mới nhất của OPEC+Quyết định mới nhất của OPEC+
Nga, Mỹ nói gì sau động thái mới nhất của OPEC+Nga, Mỹ nói gì sau động thái mới nhất của OPEC+

Ngọc Duyên

AFP